Nữ bác sĩ truyền lửa cho những chiến binh đầu trọc

Google News

Với bệnh nhân bị ung thư, khi trải qua quá trình điều trị khắc nghiệt, cảm giác chết đi sống lại, họ đều mang trong mình lòng biết ơn những bác sĩ áo trắng.

Người truyền lửa
Bệnh nhân ung thư Lê Hải Ninh - trú tại thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, năm nay 36 tuổi. Trò chuyện với chị, mọi người đều cảm nhận được lối sống, tinh thần lạc quan.
Chị Ninh nhớ lại hơn 3 năm về trước, chị bị đau nhức chân, thậm chí không đi lại được. Chị đi kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ cho biết chị bị ung thư phần mềm, khối u đã lan rộng, thậm chí choán hết cả vùng xương cụt.
Nu bac si truyen lua cho nhung chien binh dau troc
Bác sĩ Hương - người truyền lửa cho bệnh nhân ung thư 
Chị Ninh đã được phẫu thuật ở Bệnh viện Viện Đức. Các bác sĩ đã cắt bỏ khối u 15cm. Khi có kết quả giải phẫu bệnh học, chị Ninh như “chết đứng”, ung thư phần mềm giai đoạn muộn.
Chị Ninh được giới thiệu về Bệnh viện K nhưng tại cơ sở 1 và cơ sở 3 của bệnh viện, bác sĩ đều từ chối, khuyên chị nên về nhà ăn gì thì ăn. Về nhà, một phần vì đau, một phần vì không chấp nhận bệnh tật, chị Ninh nghĩ mãi không biết chữa ở đâu. Cuối cùng, chị Ninh ôm hồ sơ xuống Bệnh viện K 2. Chị gặp bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, cán bộ khoa Nhi của Bệnh viện.
Cầm hồ sơ bệnh án của chị Ninh, bác sĩ Hương không hy vọng nhiều vì giai đoạn bệnh đã rất nặng, nhưng thấy chị Ninh quyết tâm được điều trị, bác sĩ Hương động viên và quyết định cùng chị Ninh chiến đấu: “Bệnh của em như rừng rậm rồi. Thôi hai chị em mình cùng phát quang rừng rậm, được thế nào hay thế đó”.
Với câu "phát quang rừng rậm" của bác sĩ Hương, chị Ninh như người sắp chết đuối vớ được phao. Với chị, những tháng ngày điều trị ở Bệnh viện K là những ngày chị được bác sĩ Hương truyền lửa.
Không chỉ riêng có chị Ninh, tại khoa Nhi, Bệnh viện K trung ương, các bệnh nhân đều cảm nhận được “lửa” từ nữ bác sĩ có dáng người thấp thấp, nóng tính nhưng trong lòng lại rất bao dung, thương bệnh nhi.
Chị Vũ Thị May, sinh năm 1987, quê Thanh Hoá, không may bị mắc ung thư xương. Lúc nào chị May cũng nghĩ tiêu cực về cái chết. Khi gặp bác sĩ Hương, bác sĩ chỉ bảo với chị "Việc của em là vui vẻ, lạc quan. Bệnh của em cứ để bọn chị lo".
Với động lực đó, chị May đã cố gắng vượt qua những năm tháng điều trị hoá chất khổ ải.
Vân Trang, bà mẹ trẻ sinh năm 1994 đã suýt mất con chỉ vì ôm con từ viện về cho uống thuốc thầy lang. Chỉ một tháng sau bệnh nặng, con suy thận, suy gan, Trang mới ôm con vào viện cầu cứu. Với bà mẹ trẻ này, bác sĩ Hương là người sinh ra con trai mình lần thứ 2.
Bác sĩ không chỉ cứu cháu mà còn “truyền lửa” để ba mẹ cháu quyết tâm chiến đấu với bệnh tật của con đến cùng.
Không bỏ rơi bệnh nhân
Trò chuyện với bác sĩ Hương, khi kể lại những liều thuốc tinh thần chị mang đến cho bệnh nhân và người nhà, bác sĩ Hương chỉ cười vì chị quá quen với điều đó.
Chị Hương gắn bó với khoa Nhi hơn 16 năm qua. Lúc nào chị cũng đau đáu phải cứu bệnh nhân bằng mọi giá. Bệnh nặng chị sẽ điều trị theo kiểu bệnh nặng, bệnh nhẹ điều trị theo kiểu bệnh nhẹ. Và tôn chỉ mục đích của chị là không để bệnh nhân bi quan.
Những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bác sĩ Hương lại vận động bạn bè, người thân của mình đến giúp đỡ các cháu, mong bệnh nhân và người nhà yên tâm chữa bệnh.
Có lẽ vì thế mà bé Đinh Thị Hồng Nhung – trú ở Nam Định, một cô bé có cha mẹ bị câm điếc bẩm sinh lại mắc bệnh hiểm nghèo, đã luôn miệng gọi bác sĩ Hương là mẹ.
Ông nội của bé Nhung, kể trước đây bé bị ung thư, người nhà khuyên để bé ở nhà sống được ngày nào thêm ngày đó. Nhưng không, bác sĩ Hương đã tiếp sức để ông nội bé mạnh dạn bế cháu lên Hà Nội điều trị gần 2 năm trời.
Đến giờ bé Nhung đã 10 tuổi, sống không bệnh, khoẻ mạnh. Mỗi dịp Tết đến xuân về, cháu bé lại gọi điện lên chúc mừng bác sĩ. Rồi một số ngày trong năm, cháu và ông nội đều lên thăm bác sĩ. Có khi chẳng có quà gì mà chỉ là vài kg gạo, một bó hoa. Nhưng với bác sĩ Hương, đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ.
Theo Phương Thúy/Infonet