Trình bày trước Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 2 năm qua, từ 3.700 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã nâng lên thành 7.620 doanh nghiệp, 12.000 hợp tác xã và 33.000 hộ trang trại.
Xuất khẩu nông sản liên tục tăng, kể cả nhóm nông sản lẫn thị trường như xuất khẩu tới 180 nước, có những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ. Đặc biệt là giá trị tuyệt đối của nông sản rất tăng, năm 2015 là 30,5 tỷ USD, năm 2016 đã lên 32,2 tỷ, 2017 là 36,2 tỷ và năm nay, dự báo sẽ vượt con số 40 tỷ USD.
Đáng chú ý, phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dù Bộ trưởng đã thông tin những mặt khả quan và hạn chế tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng đại biểu Châu vẫn chưa hài lòng vì chưa thấy vai trò của tư lệnh ngành trong việc bảo hộ cho người nông dân trong sản xuất.
|
Đại biểu Tô Thị Bích Châu. |
Đại biểu Tô Thị Bích Châu dẫn giải: “Tôi đơn cử vụ án về cà phê pin, tiêu pin, ngày 15/4 sau khi vụ việc tràn lan trên báo chí lúc đó có các hãng tin lớn như Router, New Week ở trong nước và ngoài nước đều đồng loạt đưa tin.
Sau đó, ngày 24/4 mới có Chánh văn phòng tỉnh Đắk Nông khẳng định đến thời điểm này hỗn hợp thu giữ không dùng để sản xuất cà phê.
“Lúc đó người nông dân trong 10 ngày đó rất lao đao, vậy tư lệnh ngành đâu? Bộ Công Thương đâu? Hiệp hội người tiêu dùng đâu?”, đại biểu Bích Châu đặt hàng loạt câu hỏi.
Đại biểu Bích Châu cho rằng, phải bảo vệ người nông dân vì cà phê của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 2 nên phải khẳng định cà phê, tiêu của ta là tốt.
“Nếu chúng ta không khẳng định sản phẩm mình là tốt mà vẫn im lặng cho đến ngày hôm nay sẽ gây hoang mang. Do đó, trong trả lời với bức tranh hết sức sáng sủa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, tuy nhiên cũng có đánh giá có một số khó khăn tồn tại, những sự việc xảy ra thì không thấy tư lệnh ngành ở đâu, không thấy những đơn vị bảo vệ người tiêu dùng và bảo hộ sản phẩm trong nước của chúng ta để khẳng định hàng của chúng ta là tốt”, đại biểu Tô Thị Bích Châu nói.
Trong khi đó, trao đổi với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về cách phân loại nông sản hàng hóa theo 3 cấp là tỉnh, huyện, xã, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng: “Nói như Bộ trưởng có thể dẫn đến hiểu lầm đó là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Theo tôi trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, chỉ có quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy, yếu tố tác động từ các cấp chính quyền, đó là sự hỗ trợ của nhà nước và câu chuyện "được mùa rớt giá", "giải cứu nông sản" chính là tư duy phân cấp như thế này”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh là nông nghiệp sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ, nhiều nước có thể để ruộng đất bỏ không, nếu không có đặt hàng. Trong khi đó nông dân của chúng ta sản xuất hàng hóa theo thị trường, khi có trào lưu tiêu thụ, không tính đến cung cầu.
“Tôi đề nghị phải xây dựng một cơ sở giữ liệu toàn diện về chỉ dẫn địa lý với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, giá thành, môi trường kết nối Internet vạn vật có thể giải tỏa được câu chuyện giải cứu nông sản, khi được mùa, rớt giá. Tôi nghĩ đấy là việc không chỉ trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn đòi hỏi trách nhiệm của các bộ, ngành khác”, đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu.
Hải Ninh