Mới đây, lãnh đạo Quận 7, TP HCM cho biết, dự kiến từ ngày 20/9, quận sẽ cho một số loại hình kinh doanh mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố hoạt động trở lại. Thời gian đầu, quận sẽ cho phép các cửa hàng hoạt động từ 6-18h hàng ngày, khuyến khích bán hàng online, không phục vụ trực tiếp, chỉ bán mang về.
Tại Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng sẽ cho một số cửa hàng kinh doanh bán đồ ăn mang về được phép mở cửa hoạt động trở lại từ 6/9. Nhiều địa phương trên cả nước sau khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 cũng đã cho phép một số loại hình kinh doanh mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại.
|
Việc nhân viên các cửa hàng kinh doanh phải tiêm 2 mũi vắc xin khi các cửa hàng kinh doanh hoạt động trở lại là rất cần thiết. |
Nhiều ý kiến cho rằng, khi hàng, quán, cửa hàng kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại, nhân viên các cửa hàng kinh doanh phải tiêm 2 mũi vắc xin và một số điều kiện kèm theo như cửa hàng hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” và tuân thủ 5K.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, việc nhân viên các cửa hàng kinh doanh phải tiêm 2 mũi vắc xin trước khi các cửa hàng kinh doanh hoạt động trở lại là rất cần thiết.
“Khi tiêm 2 mũi vắc xin, khả năng mắc bệnh COVID-19 rất thấp và khả năng lây bệnh cũng rất thấp” - bác sĩ Khanh nói.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, dù đã tiêm 2 mũi vắc xin vẫn cần cơ chế giám sát và tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K.
“Người tiêm 2 mũi vắc xin muốn hoạt động kinh doanh phải kèm theo điều kiện khi người ta đi về nhà, có gặp người có nguy cơ mà chưa chích ngừa, có thể bị bệnh nặng hay không? Điều này rất quan trọng. Do đó, nhân viên bán hàng nên ở tại một chỗ để kinh doanh khi hoạt động trở lại” - bác sĩ Khanh cho hay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý, khi mở lại cửa hàng kinh doanh cũng cần chú ý việc người đến mua hàng gồm những người trẻ, đã chích ngừa 1 hoặc 2 mũi vắc xin và những người lớn tuổi đã chích 2 mũi, mới đạt được yêu cầu không lây nhiễm bệnh thêm.
“Trong phòng, chống dịch COVID-19, việc chích ngừa vắc xin để người được tiêm không mắc bệnh, khi mắc bệnh nguy cơ lây nhiễm ra ngoài thấp nhất, không tử vong. Nếu đạt được điều đó thì cho người ta hoạt động kinh doanh trở lại. Nguyên tắc phải đảm bảo an toàn cho bản thân, an toàn cho người tiếp xúc”- bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu ý kiến.
|
BS Trương Hữu Khanh |
Bác sĩ Khanh cũng cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng đã chích ngừa đủ 2 mũi vắc xin, đã mắc bệnh và khỏi, đã chích một mũi và chưa tiêm mũi nào về nguy cơ cho bản thân họ, nguy cơ cho gia đình, nguy cơ cho đối tác, nguy cơ cho công ty, nguy cơ cho cơ quan. Những đối tượng này được đi đến đâu, tham gia phát triển kinh tế, hòa nhập mức độ nào. Đồng thời, phải mở rộng tiêm chủng càng nhanh càng tốt để tất cả các đối tượng đều đạt 2 mũi vắc xin để hòa nhập.
TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, khi tiêm đủ mũi vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn nhiều lần so với người chưa tiêm, nếu có mắc thì tải lượng virus cũng thấp hơn và tình trạng lâm sàng cũng nhẹ hơn, nguy cơ làm lây lan cho người khác cũng thấp hơn.
“Đối với các nhân viên bán hàng tại các cơ sở kinh doanh nếu hoạt động trở lại, có thể nhiều người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng ít nhất phải tiêm được một mũi vắc xin rồi nhưng phải đảm bảo 5K. Cửa hàng, cơ sở kinh doanh đó phải giữ khoảng cách không cho khách lại gần, người bán hàng và người mua hàng phải giữ khoảng cách trên 2 mét mới đảm bảo an toàn khi hoạt động trở lại” - TS Nguyễn Huy Nga đề xuất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:
Hải Ninh