Cũng phải, đó là những tòa lâu đài thật, siêu đắt và lộng lẫy xa hoa của doanh nhân Hoàng Khải, xây lên nhờ hơn 30 năm buôn lụa tơ tằm với thương hiệu Khaisilk nổi tiếng, tầm cỡ quốc gia.
Ông Khải giỏi kiếm tiền, ai cũng khen, khen không tiếc lời suốt cả chục năm nay. Ông ấy cũng đi dạy do các bạn trẻ về tinh thần khởi nghiệp, chia sẻ với doanh nhân kinh nghiệm làm giàu, nói chuyện với thiên hạ luôn đề cao đạo đức kinh doanh. TajmaSago Castle - Hotel & Resort, Cham Charm, Ming Dynasty, Au Monoir de Khai, Nam Phan Vietnamese Cuisine… đều là những lâu đài, tòa nhà, biệt thự triệu đô, hàng chục triệu đô vương giả mọc lên khắp TP HCM và nhiều nơi, bảo chứng cho sự thành đạt của doanh nhân đất Hà thành.
Cho dù Khaisilk đã chuyển sang kinh doanh đa ngành đã lâu nhưng ai cũng hiểu - và như doanh nhân Hoàng Khải đã thừa nhận - Khaisilk phất lên chính từ lụa tơ tằm thuần Việt.
Nguồn nguyên liệu tự nhiên trong nước, sự tinh xảo của sản phẩm "de Khai" và lòng yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt đã làm bệ phóng đưa Khaisilk lên đỉnh cao. Khaisilk thành công và người Việt cũng cảm thấy tự hào. Rất nhiều sự kiện ngoại giao lớn đã dùng sản phẩm của Khaisilk làm quà tặng cho bạn bè quốc tế, qua đó xem như Khaisilk được "bảo chứng" là thương hiệu quốc gia.
Khăn lụa, vải tơ tằm... Khaisilk vốn đắt đỏ càng thêm đắt đỏ cũng nhờ đó, nói cách khác là ông chủ tập đoàn này thêm giàu.
Nói chung, giá trị thuần Việt và tinh thần người Việt yêu hàng Việt chính là ân nhân lớn nhất của Khaisilk.
Thế nhưng, Khaisilk vừa để lộ bộ mặt "con buôn" của mình sau một vụ khiếu nại của khách hàng: 30 năm nay, Khaisilk nhập lụa Trung Quốc về bán lẫn lộn với lụa tơ tằm Việt nhưng cùng gắn mác "made in Vietnam".
|
Cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai. Ảnh: Quỳnh Trang / Zing. |
Lời thú tội và cúi đầu xin lỗi của ông chủ Hoàng Khải như dội một thùng nước đá vào mặt người tiêu dùng. Lạnh lùng và tàn nhẫn, những dải lụa "treo đầu dê, bán thịt chó" cứa vào con tim tin yêu của bao người dành cho Khaisilk nói riêng, cho hàng Việt nói chung lâu nay.
Nói không quá lời, với cách làm ăn gian trá như vậy, Khaisilk đã quay mũi súng và nã đạn về phía ân nhân của mình. Mà đâu chỉ là những người tiêu dùng đơn thuần, đó còn là thể diện quốc gia.
Không ai chấp nhận sự lừa đảo đó và Khaisilk phải "đền tội"!
Đành rằng lụa tơ tằm Trung Quốc là danh tiếng, đành rằng nguồn nguyên liệu tơ tằm thuần Việt trong nước là không đủ nhưng không vì thế mà Khaisilk có quyền lừa dối khách hàng. Thương hiệu càng lớn càng phải trung thực. Các nhãn hàng quốc tế như Apple, Nike, Adidas… đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đều ghi rõ "made in China" nhưng sản phẩm của họ vẫn được ưa chuộng vì được chế tạo theo chuẩn chung, toàn cầu của chính thương hiệu đó. Còn Khaisilk, như chính ông Khải thừa nhận, là hơn 30 năm qua nhập tới 50% lượng hàng (đã bán ra) từ Trung Quốc, nhưng nhập nhèm "tiêu chuẩn Khải, chất lượng Khải và giá Khải" thì ai mà chịu được sự cay đắng phũ phàng như vậy!
Khaisilk bán hàng lừa đảo nhưng ông chủ lại lên báo bảo rằng "không muốn khách hàng nghĩ đã bị Khaisilk lừa". Không gọi là chụp giựt, là gian dối, là lừa đảo thì gọi là gì, thưa "Hoàng tử"?
Lòng tin của người tiêu dùng đã bị phản bội. Lòng tự hào dân tộc đã bị bôi nhọ. Mất mát này là quá lớn, biết bao giờ khách hàng mới nguôi ngoai và dung thứ!
Chúng ta đã từng chứng kiến sự sụp đổ của "đế chế năng lượng" Enron bên Mỹ từ 15 năm trước, cũng vì gian lận và lừa dối. Và tất nhiên, là một người Việt, dù rất phẫn nộ nhưng hẳn ai cũng mong Khaisilk trụ vững vào lúc này và nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng.
Ai cứu Khaisilk? Một lời xin lỗi, một cú cúi gập người ăn năn không giải quyết được vấn đề. Cứu lụa tơ tằm Khaisilk vào lúc này, chỉ có khách hàng. Làm thế nào để lấy lại niềm tin từ họ, Khaisilk phải trải qua một hành trình phục thiện rất dài…
Theo Dạ Lữ / Người Lao Động