Nỗi đau của gia đình thượng tá hy sinh ở Đồng Tâm

Google News

Chị Lộc nhớ mãi cái nắm tay của 2 vợ chồng trong căn bếp của gia đình. Đó là lần cuối chị nhìn thấy anh Thịnh, trước khi anh lên đường làm nhiệm vụ ở Đồng Tâm và hy sinh.
 

Mấy ngày nay, số điện thoại duy nhất mà chị Lộc gọi đi là số của anh Thịnh, chồng chị. "Mình chỉ mong đầu dây bên kia có người nhấc máy, chỉ mong đây không phải sự thật”, chị Lộc khóc, hai bàn tay đan vào nhau cố giữ bình tĩnh.
Chị Lộc mất chồng và hai đứa con chị mất cha chỉ trong 1 đêm. Thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô, là một trong ba chiến sỹ công an đã hy sinh trong vụ xung đột ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vào ngày 9/1.
Cái nắm tay chia xa
Trong căn buồng nhỏ ở nhà mẹ chồng, chị Lộc ngồi nhớ lại lần cuối cùng hai vợ chồng được gặp nhau trước khi anh Thịnh lên đường đi Đồng Tâm làm nhiệm vụ. Chiều hôm đó, chị tất bật sửa soạn cơm nước rồi gọi điện thoại cho chồng về ăn cơm.
Trước đó, anh Thịnh cũng đã có chuyến đi công tác xa nhà nhiều ngày. Đã lâu, 2 vợ chồng không được gặp nhau và cả gia đình không được ngồi quây quần bên mâm cơm.
Noi dau cua gia dinh thuong ta hy sinh o Dong Tam
Chị Tạ Thị Lộc, vợ của thượng tá Nguyễn Huy Thịnh, chiến sĩ đã hy sinh ở Đồng Tâm hôm 9/1. Ảnh: T.Thường. 
Khi anh Thịnh về nhà, chị phải đưa con gái đi học thêm nên chỉ kịp níu tay anh trong bếp, dặn anh chờ chị về ăn cùng.
Nhưng khi về đến gần đến nhà, chị thấy anh Thịnh đã đi ra khỏi cổng được một đoạn. Chị gọi với theo nhưng anh không nghe thấy.
“Anh bảo sẽ đi công tác vài hôm, nhưng phải tắt điện thoại nên không cần gọi nữa. Anh còn bảo gọi lần cuối cùng thôi nhé”, chị Lộc kể lại cuộc điện thoại với chồng mình như một điềm báo cho sự việc không may xảy ra.
Quá hiểu tính chất công việc của chồng, chị không gặng hỏi thêm. Nhưng chị không biết rằng đó là lần cuối chị được trò chuyện với anh Thịnh và cái nắm tay của 2 vợ chồng chị trong căn bếp cũng là cái nắm tay chia xa.
Noi dau cua gia dinh thuong ta hy sinh o Dong Tam-Hinh-2
 Anh Thịnh (mặc quân phục đứng ngoài cùng, bên phải) chụp cùng bố mẹ và các em năm 1997, lúc này anh chưa lập gia đình. Ảnh: Mỹ Hà.
Đến chiều 9/1, chị nhận được tin báo chồng chị đang phải nằm viện nhưng mọi thông tin cụ thể về tình trạng của anh thì không được tiết lộ. Chị chạy vội lên cơ quan chồng, thấy phòng làm việc của anh đã bị niêm phong. Chị chạy sang phòng của các đồng nghiệp anh thì thấy mọi người đang tất bật chuẩn bị quần áo, giày mũ cho anh, linh cảm chuyện không lành ập đến.
“Lúc đó mình chỉ biết khóc, mình hỏi những người xung quanh là anh có mệnh hệ gì không thì mọi người bảo mình không được khóc, anh chưa mất đâu mà khóc”, chị Lộc nhớ lại.
Người vợ tiếp tục trở về nhà và chờ đợi. Đến 18h chiều cùng ngày, đoàn Công an TP Hà Nội đến nhà báo tin anh Thịnh đã hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ và mọi người đến để thắp nén nhang cho anh.
Chị Lộc không còn nghe thấy gì nữa. Tai chị ù đi, mọi thứ xung quanh quay cuồng. Chị còn chưa kịp nói với anh một câu tạm biệt.
Bữa cơm cuối cùng với bố
Trong ký ức của Nguyễn Gia Huy (19 tuổi, con trai anh Thịnh), bố là một người rất mẫu mực và giỏi giang. Anh Thịnh luôn cố gắng cân bằng thời gian cho công việc và gia đình. Trước ngày đi công tác, anh cũng tranh thủ về nhà ăn cơm rồi mới lên đường.
"Chiều hôm đó, em ngồi ăn cơm với bố trong khi mẹ đưa em gái đi học. Bố hỏi han em về việc học rồi bảo bố sẽ đi công tác mấy hôm, không liên lạc về gia đình được. Lúc đó không hiểu sao em đã cảm thấy rất lo lắng", Huy kể lại bữa cơm với bố.
Noi dau cua gia dinh thuong ta hy sinh o Dong Tam-Hinh-3
 Em Nguyễn Gia Huy, con trai thượng tá Nguyễn Huy Thịnh đau buồn khi nhận tin bố đã hy sinh. Ảnh: Hải Nam.
Từ khi nghe tin dữ, chàng trai 19 tuổi đã trở thành chỗ dựa của mẹ. Huy tâm niệm nếu em cũng gục ngã thì mẹ không biết bấu víu vào đâu nữa.
Kỷ niệm mà Huy nhớ nhất về bố là những bữa cơm trong gia đình. Đó là lúc cả nhà được ngồi bên nhau, anh Thịnh tạm thời gác lại trách nhiệm của mình ở ngoài kia. Nhắc đến bố, Huy nói rằng em cảm thấy tự hào. Nhưng niềm tự hào ấy cũng chỉ được em giữ trong lòng, không thể nói trực tiếp với bố được nữa.
Và trong khi mọi người đang hân hoan trong niềm vui đón Tết, háo hức được trở về gia đình để quây quần bên mâm cơm đầm ấm, thì chị Lộc cùng 2 con mãi mãi mất đi chỗ dựa vững chắc suốt hàng chục năm nay. Ngày cận Tết, ba mẹ con ngồi lặng lẽ khóc bên bàn thờ anh Thịnh.
Theo Bộ Công an, từ ngày 31/12/2019, một số đơn vị của Bộ Quốc phòng phối hợp với lực lượng chức năng xây dựng tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn, TP Hà Nội, theo kế hoạch.
Trong quá trình xây dựng, sáng 9/1, một số người có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ công an hy sinh, 1 người chống đối chết, 1 người bị thương.
Chiều 10/1, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án Giết người, Tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép và Chống người thi hành công vụ để điều tra việc.
Theo Mỹ Hà - Hải Nam/Zing