Nỗi ám ảnh mang tên "nhà vệ sinh trường học"

Google News

Nhiều trường tại Hà Nội có cả nghìn học sinh nhưng chỉ có vài nhà vệ sinh. Nhiều nhà vệ sinh ở trường học không dùng được hoặc bốc mùi hôi thối nồng nặc

Chị Nguyễn Thùy Dương có con theo học lớp mẫu giáo lớn tại Trường mầm non Ánh Dương (Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay chị không hiểu vì sao cứ mỗi lần đến trường đón con, việc đầu tiên con yêu cầu mẹ là cho đi tè. Ban đầu, chị tưởng con sợ cô giáo nhưng sau khi gặng hỏi con nói: “Con rất sợ nhà vệ sinh ở trường do bẩn và thối. Mỗi lần đứng ở cửa con đã bị nôn ọe”.
Chị Dương kể để không phải đi vệ sinh ở trường, con nhịn uống nước. Mót quá có lần con còn tè cả ra quần, bị cô giáo mắng. Nhà vệ sinh trường học trở thành nỗi ám ảnh khiến con ngại đi học.
Sau một tuần nhập học ở trường, con kêu đau bụng, gia đình đưa đi khám ở Viện 103, bác sĩ kết luận con bị “Viêm đường tiết niệu” phải điều trị kháng sinh kéo dài một tuần.
Nỗi kinh hãi của học sinh
Trường THCS Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) với khu lớp học được xây dựng từ năm 1999 nên nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng. Tòa nhà 3 tầng, mỗi tầng 1 khu vệ sinh nam, nữ riêng biệt nhưng từ xa đã ngửi thấy mùi hôi thối.
Khi lại gần, sàn nhà vệ sinh được xây dựng theo kiểu cũ ố vàng, cáu bẩn. Van xả nước từ lâu không hoạt động. Trần nhà nứt toang hoác, nước nhỏ giọt xuống sàn nhầy nhụa.
Chưa kể, có khu vệ sinh lâu ngày bị hoen rỉ, sụt tầng, để tránh nguy hiểm cho học sinh trường quyết định phải đóng cửa. Cả trường có 6 khu vệ sinh thì nhiều khu trong tình trạng không sử dụng được.
Trong khi đó, khu nhà vệ sinh dành cho giáo viên được bố trí riêng biệt ở một tòa nhà khác và đương nhiên, học sinh không được bén mảng đến chỗ này.
Hoàng Nam, một học sinh của trường, cho hay: “Đến trường, bình thường em nhịn đi vệ sinh, khi nào không nhịn được đành phải đi thì cố gắng nhịn thở đi cho nhanh. Hôm nào mất nước, con trai rủ nhau đi tè bậy phía sau hàng cây, còn con gái chắc nhịn”.
Noi am anh mang ten
Nhà vệ sinh bốc mùi, hư hỏng tại Trường THCS Tân Triều (Hà Nội). Ảnh: Tiền Phong. 
Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Triều - cho hay trường có tới 900 học sinh, nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh hàng ngày rất lớn nhưng hiện trạng cơ sở vật chất của trường không đảm bảo. Dù trường đã cố gắng thuê người dọn dẹp nhưng những hôm đường ống mất nước, nhà vệ sinh không khỏi bốc mùi xú uế.
Điều trường lo nhất là trần nhà lâu ngày xuống cấp có thể đổ lên đầu học sinh bất cứ lúc nào nên đang tạm đóng cửa không cho học sinh sử dụng một số khu.
Trường Tiểu học B thị trấn Văn Điển cũng nằm trong danh sách trường có nhà vệ sinh chưa đảm bảo. Với 1.200 học sinh theo học bán trú nhưng cả trường chỉ có 6 phòng vệ sinh cho cả nam và nữ. Với lượng học sinh đông, nhà vệ sinh được xây dựng cách đây hàng chục năm, xuống cấp, đường cấp nước không đảm bảo nên ngoài bốc mùi còn bị nứt tường, thấm dột.
Còn 2.700 nhà vệ sinh hư hỏng, xuống cấp
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện có khoảng 2.700 nhà vệ sinh trên tổng số 2.622 trường học ở các cấp chưa đạt chuẩn. Nhiều nhà vệ sinh hư hỏng, các hạng mục như trần, tường, đường ống nước, bốc mùi…
Một thực trạng ở các trường học này là thiếu vắng lao công dọn dẹp nhà vệ sinh. Một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, theo quy định, mỗi trường chỉ có 1 nhân viên phụ trách vệ sinh. Tuy nhiên, ban ngày họ thường dành thời gian để dọn dẹp khu hiệu bộ, văn phòng, do vậy nhà vệ sinh của học sinh thường phải sau một ngày mới có người dọn.
Chuyện bốc mùi, xú uế là điều không tránh khỏi. Sở cũng biết điều này, tuy nhiên, quy định biên chế chỉ có 1 nhân công, các trường muốn thuê thêm người dọn dẹp lại không đủ kinh phí.
Ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội - cho hay hiện đơn vị đã có rà soát, đánh giá hiện trạng sơ bộ, lập đề án báo cáo UBND thành phố đề xuất phương án cải tạo 2.700 nhà vệ sinh trường học các cấp, trị giá khoảng 395 tỷ đồng. Trước mắt, trong năm học 2016-2017, sở sẽ đề xuất làm mẫu nhà vệ sinh ở 7 trường với kết cấu vệ sinh hiện đại, đảm bảo khu vệ sinh, chỗ rửa tay.
Ông Cẩn cho hay, theo thiết kế mới, trung bình mỗi nhà vệ sinh có chi phí khoảng 100 triệu đồng. Theo tiêu chuẩn thiết kế trường học năm 2011, cứ khoảng 200 học sinh phải có 1 nhà vệ sinh, do đó chi phí đầu tư làm nhà vệ sinh cho mỗi trường là không hề nhỏ. Vì thế, lộ trình sửa chữa nhà vệ sinh có thể kéo dài đến năm 2018, sau đó tiếp tục nâng cấp các nhà vệ sinh hiện được coi là đạt tiêu chuẩn.
Theo ông Cẩn, lâu nay việc xây dựng cơ sở vật chất trường học do nhà nước bao cấp. Tuy nhiên, trong đề án cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh lần này có kinh phí không nhỏ nên đơn vị đề xuất giải pháp xã hội hóa, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, phụ huynh. Khi đưa ra giải pháp này, nhiều hiệu trưởng lo ngại sẽ vấp phải sự không đồng tình từ phía phụ huynh.
Mời quý độc giả xem video thần đồng 12 tuổi ở Mỹ (nguồn Zing):
Theo Tiền Phong