Kỳ 3: Chuyến đi định mệnh
Từ lúc phát hiện ra ông Lê Văn Ảnh biến mất, đoán biết kiểu gì Ba Ảnh cũng báo tin về đất liền, quân Khmer Đỏ tăng cường kiểm soát, không cho bất cứ một ai mò lên ghe, dù chỉ là đi lại giữa mấy hòn đảo trong quần đảo Thổ Chu, ngoài biển Kiên Giang.
Hôm Danh Thương bảo với ông Tư Sĩ rằng chúng sẽ mang hết dân trên đảo đi chỗ khác, cả đêm hôm ấy Tư Sĩ không ngủ nổi, nỗi lo cứ lớn dần lên. Không tin tưởng vào chuyến đi này, mà ở lại thì nghe bảo sẽ bị bí mật thủ tiêu, ông cứ trằn trọc mãi. Đến 3h sáng, bất thần có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Lúc đầu sợ không dám ra mở cửa, mãi về sau nghe tiếng gọi khe khẽ, Tư Sĩ mới nhận ra đó là giọng nói của người tài công trên chiếc tàu chiến của Pol Pot neo ngoài biển. Mặc dù cho đến giờ vẫn còn chưa biết rõ tên họ của người tài công đó, nhưng anh ta với gia đình ông Tư Sĩ cũng chả lạ gì nhau. Trong thời gian chiếm đóng đảo, anh ta hay qua nhà Tư Sĩ chơi và nhờ bà Cái Thị Viện (vợ ông Sĩ) khâu vá quần áo giúp. Anh ta cũng hay ăn uống ở nhà ông Tư Sĩ.
Người tài công bảo, thấy gia đình nhiệt tình, lại là những người thật thà, trước lại hay giúp đỡ anh ta, nên đến báo tin để còn biết mà chuẩn bị, đồng thời nhắc ông Sĩ không được nói cho bất cứ một ai, nếu không sẽ chết. Theo anh ta, sáng hôm sau chúng sẽ đưa 2 chiếc tàu mới đến và dồn hết dân lên đó. Anh ta khuyên ông Sĩ chuẩn bị máy móc, xăng dầu và xin quân Khmer Đỏ cho ròng ghe đi theo, chờ thời cơ chạy trốn.
Trước đó, chúng đã cưỡng chế và đưa 30 hộ gia đình ra một hòn đảo hoang gần biên giới Campuchia. Bữa đó, người tài công bị bệnh nặng, nằm bẹp trên tàu nên cũng không chứng kiến được việc gì đã diễn ra sau đó.
Chuyến đi thứ 2, bọn diệt chủng Pol Pot gom mấy gia đình sống rải rác dọc bờ phía nam đảo Thổ Chu, tầm khoảng 15 người, lên một chiếc thuyền nhỏ của ngư dân rồi buộc vào tàu chiến kéo ra biển.
Vừa mới đi được tầm chục hải lý, thì anh tài công nghe thấy tiếng nổ, rồi nhìn thấy chiếc thuyền nhỏ đứt dây, chìm dần xuống nước. Quân Khmer Đỏ đã bắn thủng chiếc thuyền để khỏi tốn công chở số lượng người quá ít ỏi về Campuchia. Riêng chiếc tàu chiến, đêm đó lại lặng lẽ quay lại và neo sát bãi Ngự.
|
Ông Tư Sĩ: "Nếu không có anh tài công tốt bụng, chúng tôi đã không thể trở về". |
Chuyện này, ông và những người dân còn lại trên đảo Thổ Chu đều không một ai được biết. Khi ấy, cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, bởi không đi cũng bị bắn chết, đi thì may chăng còn có cơ hội sống sót. Thế là, Tư Sĩ hì hục khuân dầu lửa và một ít thực phẩm, lặng lẽ chất lên chiếc ghe nhỏ bé của mình.
Kể tới đây, dòng ký ức đầy ám ảnh đã khiến cho người đàn ông đã hơn 80 tuổi này cảm thấy mệt mỏi. Trầm ngâm bên ly cà phê đen, ông Tư Sĩ bảo, cho đến giờ ông vẫn không biết người tài công tốt bụng đó còn sống hay đã mất. Mặc dù anh ta là người Campuchia, phục vụ quân Pol Pot, nhưng đó là ân nhân cứu mạng của cả gia đình mình. Ông chỉ mong một lần được gặp lại để được tạ ơn, vì không có họ, ông Sĩ cùng gia đình không có ngày hôm nay.
Bà Cái Thị Viện kể tiếp cho chúng tôi nghe, nối vào ký ức của chồng: Mới tờ mờ sáng hôm sau đã nghe thấy tiếng loa kêu gọi ầm ỹ, kèm một vài loạt súng bắn chỉ thiên. Cả gia đình ông Sĩ chạy ra bãi Ngự thì đã thấy cả một tiểu đoàn Pol Pot tập trung ở đó, tên nào tên ấy lăm lăm súng ống.
Phía bãi đá, ngoài chiếc tàu chiến còn có thêm hai chiếc tàu khác, là loại tàu cá của ngư dân Thái Lan. Có lẽ quân Khmer Đỏ đã cướp của dân Thái để sử dụng.
Chờ đến khi những cư dân còn lại trên đảo Thổ Chu có mặt đầy đủ, gã chỉ huy cao giọng bảo nhận được tin tàn quân Ngụy sắp quay lại chiếm đảo, sẽ có bắn nhau dữ dội, không đảm bảo được an toàn cho mọi người, nên cách tốt nhất là phải theo chúng trở về đất liền.
|
Cột mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo (Ảnh tư liệu). |
|
Đảo Thổ Chu hôm nay (Ảnh tư liệu). |
Nhận ra sự không chân thật trong những lời nói của quân Khmer Đỏ kể từ khi chúng đặt chân lên đảo, mọi người ầm ầm phản đối. Gã chỉ huy tức mình quát lớn: “Ai đi theo thì ngồi yên, còn ai từ chối không đi thì giơ tay đứng lên”.
Bà Viện là người giơ tay đầu tiên, sau đó là một loạt cánh tay khác giơ lên tua tủa. Thấy quá nửa dân chúng không đồng ý, tên chỉ huy lại thay đổi giọng điệu, ngon ngọt dụ dỗ rằng sẽ không làm gì ai cả, vì dân là bố mẹ của chúng, mà bộ đội Việt Nam lại là “đàn anh”, chúng chỉ mang dân đi theo, chờ sau này hòa bình lập lại sẽ tiến hành trao trả cho “đàn anh” của mình, đảm bảo không có ai thiệt một cọng tóc.
Biết không thể nào chối được, bà Viện đành hỏi xin được buộc chiếc thuyền của gia đình vào đuôi tàu của chúng để cùng đi. Bà bảo gia đình quá đông con, nên buộc phải mang theo ghe để còn làm ăn, vì cả gia đình sống bằng nghề chài lưới. Bà còn tuyên bố, nếu không cho mang theo ghe thì thà có bị bắn chết, gia đình bà cũng nhất quyết không chịu đi.
|
Bà Cái Thị Viện - vợ ông Tư Sĩ. |
Một phần vì nể cả gia đình Tư Sĩ vốn là những con người thật thà, tốt bụng, phần khác lại sợ ảnh hưởng tới tất cả dân chúng đang tập trung ở đó, rốt cuộc gã chỉ huy buộc phải đồng ý.
Tối hôm ấy, ngày 23/5/1975 (13/4 âm lịch), nhưng trăng không sáng bởi mây đen kéo đến che khuất. Trong ánh sáng lờ mờ, những người dân còn lại của đảo Thổ Chu im lặng nhẫn nhục lục tục kéo nhau lên 2 con tàu đánh cá Thái Lan. Tàu nhỏ, người đông chen chúc, nên không ai được mang theo bất cứ đồ đạc sinh hoạt gì. Vì không đủ chỗ chứa, quân Khmer Đỏ cho phép thêm 2 chiếc ghe nữa chạy cùng ghe ông Tư Sĩ để chở người.
8h tối, 3 chiếc tàu ròng theo 3 chiếc ghe nhỏ dập dềnh theo ngọn sóng nối đuôi nhau kéo về hướng Campuchia. Không một người dân vô tội nào, từ trẻ em đến cụ già hay biết đó là chuyến đi định mệnh. Số phận của họ sẽ được định đoạt bởi bàn tay của những tên Khmer Đỏ khát máu.
Bản thân ông Sĩ và bà Viện sau một đêm thức trắng đều mệt lử. Cả hai đành phó mặc cho số phận, lăn ra nằm ngủ thiêm thiếp trên ghe. Đêm hôm ấy mưa rất to. Đến gần sáng, lúc tỉnh dậy cũng là lúc ông Tư Sĩ nghe thấy tiếng máy ồm ồm của chiếc tàu chiến của bọn diệt chủng Pol Pot cứ bé dần rồi tắt hẳn. Định thần lại, ông nhận ra chiếc ghe của gia đình đang trôi tự do trên biển, không một ánh đèn hay tiếng còi hụ nào.
“Lúc đó tôi mừng quýnh, biết là mình có thể thoát được. Tôi ra đầu ghe kiểm tra thì nhận thấy chiếc dây thừng to tướng đã bị chặt đứt. Chợt nhớ lại lời dặn của anh tài công bảo phải mang đủ nhiên liệu dự phòng, và xin buộc dây để tàu chiến ròng ghe tôi chạy theo. Tôi chắc chắn anh ta đã lén chặt đứt dây cứu cả gia đình”, ông Tư Sĩ tiếp lời vợ.
Ngay tức khắc, Tư Sĩ nổ máy ghe, mở hết tốc lực quay đầu chạy về hướng ngược lại. Chuyến đi định mệnh đó cũng là lần cuối cùng ông được nhìn thấy những gương mặt thân quen đã một thời gắn bó với mình trên đảo Thổ Chu trước khi quân Khmer Đỏ đổ bộ vào chiếm đảo, bởi họ không bao giờ trở về nữa.
Còn tiếp…
Theo VTC News