Đèo Pha Đin tọa lạc trên độ cao 1.000m so với mực nước biển, với tổng chiều dài khoảng 32km. Pha Đin cùng với Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pì Lèng làm nên tứ đại đỉnh đèo huyền thoại của vùng cao Tây Bắc. Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, “Phạ” là trời, Đin là “đất”. Tên của con đèo này có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời - cái tên đủ để giúp người ta hình dung về sự xa xôi, hiểm trở ở đây. Đây được xem là ranh giới giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La. Ở trên đỉnh đèo ấy, có những kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đang ngày đêm, thầm lặng nối làn sóng phát thanh bay cao, bay xa tới người dân ở khu vực Tây Bắc.
Trạm phát sóng FM Pha Đin, có tổng công suất phát sóng 35KW, nằm ở huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Công trình khánh thành tháng 5/2004, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Suốt từ đó đến nay, cán bộ, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã thay phiên trực phát sóng. Hằng ngày, đều đặn tiếp sóng và phát sóng các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các chương trình phát thanh các thứ tiếng dân tộc thiểu số Thái, Dao, Mông; chương trình ca nhạc các dân tộc thiểu số… tới thính giả là đồng bào các dân tộc thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, đặc biệt là vùng biên giới Việt - Lào. Theo anh Hà Minh Giang, kỹ thuật viên tại trạm phát sóng Pha Đin, nơi đây có khí hậu khá khắc nghiệt. Mấy năm nay, mùa hè cũng có lúc nắng nóng gay gắt, còn mùa đông, có khi mấy tháng liền không có một chút ánh nắng mặt trời nào, sương mù dày đặc từ sáng sớm tới đêm khuya. Có thời điểm, nhiệt độ mùa đông trên đỉnh Pha Đin xuống tới -1 độ C. Phòng nghỉ có tới hai máy sưởi mà vẫn cảm thấy rõ cái rét buốt thấu xương.
Giữa mùa hè, ở Pha Đin vẫn có những ngày mờ sương không thấy mặt trời.
Nằm cách xa trung tâm huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nên trước khi lên trạm phát sóng Pha Đin, các kíp trực đều phải tự chuẩn bị đồ dùng sinh hoạt cho phiên trực 11 ngày liền của mình. Từ gạo, nước, thức ăn, rau, củ, quả... đa phần đều được mua từ dưới chợ huyện rồi đèo xe máy lên. Nếu thiếu gì, cần gì thì phải gọi điện nhờ người dân đi bán hàng qua Trạm mua giúp mang lên. Nước sinh hoạt cũng phải tiết kiệm bởi trên đỉnh núi cao, nguồn nước khan hiếm hơn những nơi khác. Hàng ngày, các anh phải bơm từ điểm du lịch trên đèo Pha Đin của huyện Thuận Châu cách đó gần 1km về dùng.Vào những tháng mùa khô, nguồn nước cạn, có ngày bơm cả tiếng đồng hồ mới được 1 khối nước. Nước được trữ trong bể ngầm 12m3 dưới sân sau đó mới bơm tiếp lên bể trên cao để sử dụng. Bình thường đã phải tiết kiệm vì không chủ động được nguồn nước, mùa khô lại càng phải tiết kiệm. Anh Hà Minh Giang chia sẻ: “may mắn ở đây bà con rất nghĩa tình, thương anh em ở Trạm, vì thế cho dù nguồn nước tại điểm du lịch có khan hiếm, nhưng chưa bao giờ anh em ở trạm phát sóng Pha Đin bị thiếu nước sinh hoạt”.
KTV Hà Minh Giang: Canh sóng là không được ngại thức khuya dậy sớm.
Kỹ thuật viên Hà Minh Giang công tác tại trạm phát sóng Pha Đin từ năm 2012, cùng với 3 đồng nghiệp khác nhà ngay tại Sơn La, nên vẫn được cho là "sướng" hơn 2 bạn trẻ, nhà dưới xuôi. Kỹ thuật viên Trần Minh Sơn, 30 tuổi, người trẻ nhất ở trạm, gia đình bố mẹ, vợ con ở Hà Nội, hàng tháng vẫn đi về tổng cộng 800km để lên trực tại trạm phát sóng Pha Đin. Anh Sơn kể: trước mỗi phiên trực 11 ngày, anh phải chuẩn bị đầy đủ quân tư trang, thực phẩm, đem theo cho đủ, nhiều khi trời mưa phùn rét buốt, đường lên dốc, trơn trượt, đi lại khó khăn, nhưng khi đã lên tới Trạm thì mọi mệt mỏi tan biến và lại chuẩn bị cho ca làm việc trong ngày”.
KTV trẻ nhất trạm phát sóng Pha Đin ghi sổ theo dõi sóng trong ca trực hàng ngày.
Đều đặn 365 ngày trong năm, cứ 4h30 phút sáng, các kỹ thuật viên lại dậy chuẩn bị để 4h45 phút bắt đầu phát sóng. Công việc kéo dài tới 12h đêm. Khi mà nhiều người đã chìm sâu trong giấc ngủ thì ekíp trực của các kỹ thuật viên ở trạm Pha Đin mới kết thúc ngày làm việc. Nghe thì có vẻ đơn giản chỉ bật máy phát sóng đúng giờ, tới giờ thì chuyển hệ, rồi theo dõi sóng nhưng có trực tiếp chứng kiến mới thấy công việc không cho phép các kỹ thuật viên lơi là một phút, một giây nào. Luôn luôn phải lắng nghe, theo dõi máy để xem có mất tín hiệu đầu thu vệ tinh không, chất lượng sóng từ máy phát có đảm bảo không?....
Khí hậu khắc nghiệt, công việc vất vả là vậy nhưng hiện nay, 3 kíp trực với 6 kỹ sư, công nhân vẫn luôn đều đặn 365 ngày trong năm giữ cho sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam an toàn, ổn định, bay cao, bay xa ở miền núi Tây Bắc.
Những người bạn bốn chân của các KTV trạm phát sóng Pha Đin.
Mặc dù hệ thống giao thông đã được cải tạo, nâng cấp, nhưng đường lên Pha Đin vẫn vô cùng hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Điểm cao nhất của đèo Pha Đin cao 1.648m so với mực nước biển. Độ dốc của đèo từ 10% đến 19%. Cung đường đèo ngoằn ngoèo với 125 khúc cua tay áo nguy hiểm, với bán kính đường cong dưới 15m. Điểm khởi đầu của đèo cách thành phố Sơn La 66km, còn điểm cuối cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84km. Tuy vậy, mỗi mùa, đèo Pha Đin mang một vẻ đẹp khác nhau. Mùa đẹp nhất ở Pha Đin là mùa xuân và mùa hạ. Mùa xuân là mùa hoa đào rừng, hoa mận khoe sắc. Tháng 3 là mùa hoa ban nở rộ. Nếu có qua Pha Đin, mời bạn ghé thăm Trạm phát sóng FM Pha Đin, nơi có những kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, vẫn đang ngày đêm thầm lặng nối dài cánh sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo Thu Trang - Đình Châu/VO