“Cá chuối đắm đuối vì con”
22h đêm, một bà cụ đang nằm co quắp trên chiếc chiếu đơn rách trải giữa vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), mắt trái bà bị hỏng được băng sơ sài bằng miếng gạc ngả màu. Bà là Đỗ Thị Sở (70 tuổi quê ở Vũ Thư, Thái Bình) ra Hà Nội mưu sinh đã được hơn 4 năm nay. Bà Sở cho biết, lý do vất vả mưu sinh nơi đất khách quê người là vì cô con gái duy nhất của bà. Năm 1993, khi Phạm Thị Huệ con gái bà bỏ nhà ra đi không một lời nhắn gửi. Cú sốc quá đau đớn khiến chồng bà Sở bị tai biến mạch máu não, nằm liệt một chỗ. Năm 2010, cụ Sở nhờ cậy anh em họ hàng chăm sóc cho chồng, rồi một mình lặn lội lên Hà Nội tìm con.
|
Một người vô gia cư ngủ dưới gầm cầu Chương Dương. |
Tuổi già, lại bơ vơ giữa lòng thủ đô, cụ không nơi nương tựa nên đành lấy vỉa hè làm nhà, hằng ngày đi lượm ve chai quanh khu vực nhà ga Hà Nội để mưu sinh qua ngày. Trong một lần đi lượm ve chai ở đường Đại Cồ Việt, bà Sở bị xe gắn máy tông phải rồi họ bỏ chạy. Sau vụ tai nạn đó, do không có tiền chữa bệnh nên con mắt trái của bà hỏng không nhìn thấy gì. Không còn cách nào khác, bà Sở trở về quê sinh sống họ hàng nhà chồng tỏ ra lạnh nhạt, thờ ơ khi thấy bà ốm yếu, bệnh tật. Bà Sở trở lại Hà Nội nuôi hi vọng tìm lại cô con gái để nương tựa về già.
“Đã 3 năm nay tôi tìm con khắp Hà Nội, gặp ai cũng hỏi, cũng nhờ nhưng chẳng có thông tin gì. Giờ có về quê cũng chả biết trông cậy vào ai nữa, đành ở lại đây kiếm sống qua ngày, trụ được ngày nào hay ngày đó. Tôi vẫn hi vọng sẽ có ngày tìm được con gái để hai mẹ con có thể chăm sóc nhau”, bà Sở kể.
Hơn 23h đêm, trước cổng Ga Hà Nội tôi bắt gặp bé gái đang ngồi ở vỉa hè. “Khuya rồi, sao cháu không về nhà ngủ?”, tôi hỏi. “Chưa về được, cháu còn chờ bà cháu!” Đứa bé nhanh nhảu trả lời. Cháu là Bùi Thị Phương Thu (4 tuổi, quê ở Thanh Hóa), mẹ mất sớm, bố vào tù vì nghiện. Cháu ở cùng bà nội đã gần 1 năm nay. Mỗi buổi tối bà nội đi rửa bát thuê cho nhà hàng ở quận Đống Đa, lại gửi cháu cho một chị bán nước hoặc những người vô gia cư khác trông hộ.
|
Bà Đỗ Thị Sở, 70 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình (bên phải) trông hộ cháu là Bùi Thị Phương Thu (4 tuổi, quê ở Thanh Hóa). |
“Cháu ăn tối chưa?” tôi hỏi. “Ăn mỳ tôm rồi”, đứa bé hồn nhiên trả lời cộc lốc. Gần 0h đêm, bà Nguyễn Thị Lan xong việc để về với cháu. Bà bảo hôm nay nhà hàng đông khách nên nghỉ muộn hơn. “Ở cái tuổi của bác người ta đã được sum vầy bên con cháu, còn mình thì vẫn ngày đêm làm thay trách nhiệm của con mình, cố chăm nuôi cháu khôn lớn nên người”, bà Lan nói.
Trời đã gần sáng, gần bến xe khách Mỹ Đình người đàn ông trạc 50 tuối, ôm cái chăn mỏng trải chiếu ngủ cạnh chiếc xe máy của mình. Bác Hoàng Văn Đại (45 tuổi, quê ở Thanh Hóa) làm nghề xe ôm luôn tìm một chỗ trú ngụ mỗi khi đêm về. Bác Đại cho biết, ra Hà Nội làm xe ôm được hơn 3 năm nay, để kiếm tiền nuôi con gái đang học trường Đại học Hà Nội. Công việc nay đây mai đó, nhiều khi cả đêm bác Đại vẫn đứng ở đường chờ khách. Vì thế, bác không thuê phòng trọ để tiết kiệm được một khoản tiền hằng tháng cho con gái mua sách vở.
Bác Đại bảo, ngủ đêm ở ngoài đường đôi khi lại gặp may, vì khoảng 11 giờ đêm trở đi, bác ngồi ngủ gật ở chỗ ngã ba, ngã tư gần bến xe hay gặp khách đi. Nhiều người khách thương còn bo thêm tiền. Điều mà bác Đại lo lắng hằng đêm không phải là mưa gió, rét mướt mà lo cho chiếc xe máy là “cần câu cơm” của mình trước bọn “đạo chích”. Bác phải trang bị một bộ khóa thực sự chắc chắn và thường chọn ngủ ở những nơi nhiều người qua lại.
“Nhìn con cái người ta mà tôi khổ tâm”
4h sáng bên lề đường gần trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu, bà Dương Thị Vinh, 67 tuổi (quê Hà Tĩnh) vẫn đang ngồi bán nước. Kể về mình, bà Vinh không kìm được nước mắt. Bà chỉ có mỗi 1 người con gái, chồng mất sớm một mình bà nuôi nấng con gái trưởng thành. Lớn lên con gái bà lập nghiệp ở Hà Nội, thương con bà bỏ quê ra Hà Nội phụ giúp gia đình con và trông cháu. Những tưởng bà sẽ được con phụng dưỡng về già, nhưng trong một lần con gái bà Vinh đi xem bói, thầy “phán” rằng: Gia đình cô làm ăn không phát đạt vì cô không hợp tuổi với mẹ. Muốn giàu sang thì bà Vinh phải ra khỏi nhà. Vì vậy con gái đuổi bà ra khỏi nhà mấy năm nay, hằng đêm bà ngủ ở lề đường gần trung tâm thương mại.
“Nếu tôi khổ, vất vả mà con cái giàu sang tôi cũng cam lòng. Nhưng đôi khi nhìn con cái người ta dắt bố mẹ vào trung tâm thương mại mua sắm tôi cũng tủi thân lắm”, bà Vinh nói trong nước mắt. Bà Vinh cho biết, bà phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt và giấc ngủ của bà thường bị quấy nhiễu. Khi ngủ không có giường chiếu tử tế, mùa đông thì rét mướt, mùa hè thì nóng nực, có khi đang ngủ trời lại bất ngờ đổ mưa, lại phải tìm chỗ trú mưa không thì ướt hết. Mỗi lần như thế là giấc ngủ bị mất trắng.
Cũng hoàn cảnh như bà Vinh, Bà Đào Thị Lớ, 71 tuổi, quê ở Hà Nam hàng ngày nhặt ve chai ở gần cầu Long Biên, tối đến bà ngủ ngay dưới gầm cầu. Để đỡ đau lưng bà dùng ngay những chiếc bao tải đựng túi nylon nhặt hằng ngày làm đệm cho mình khi đêm xuống.
Bà Lớ có 2 người con một trai, một gái. Đứa con trai bà đánh nhau nên phải đi tù, còn con gái lấy chồng tận trên Lai Châu. Mỗi ngày bà kiếm được 40.000 - 60.000đ tiền bán ve chai, không đủ tiền thuê trọ bà ở ngay dưới chân cầu đã gần 2 năm nay.
Khi hỏi về việc tắm giặt bà Lớ cho biết: “Những người vô gia cư như tôi thì nhiều cách lắm, tắm giặt ở sông Hồng, nếu vào phố thì ra hồ nước các công viên tắm. Không thì xin nước ở can rồi tìm chỗ khuất tắm. Đi vệ sinh vào các chỗ cây cối rậm”, bà Lớ nói.
Mong ngày sum vầy
Tạm biệt những người vô gia cư ở Hà Nội, tôi trở về phòng lúc bình minh. Những gì đọng lại trong tôi là những hi vọng, ước mơ giản dị, tình phụ tử, mẫu tử của họ. Chạy xong “cuốc” xe ôm giữa đêm về người mệt lả, nhưng mắt bác Đại vẫn sáng lên khi tự hào kể về cô con gái: “Cháu nhà tôi học giỏi lắm, học đại học mà năm nào cũng được học bổng chú ạ! Năm nay nữa cháu cũng ra trường rồi, hi vọng cháu kiếm được công việc ổn định. Lúc đó, tôi sẽ về quê chứ không chịu cực thế này nữa”.
Còn bà Lan cho biết: “Vào đầu năm học mới tôi cũng cố kiếm tiền thuê phòng ở cho Phương đi học, cháu có học hành tử tế mới khôn lớn nên người”. Bị con gái ruồng bỏ, nhưng bà Vinh, bà Lớ vẫn không hề oán trách con mình mà thường giấu đi thân phận của bản thân vì sợ nếu bạn bè, đồng nghiệp cơ quan con mà biết sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của con. “Con tôi nó có con. Mai sau nó cũng sẽ già, lúc đó nó sẽ hiểu những hi sinh mà bố mẹ dành cho con cái nó lớn thế nào. Tôi vẫn hi vọng trước lúc nhắm mắt có thể sum họp quanh con cháu”, bà Lớ nói, mắt bà nhìn về ánh đèn điện mờ ảo.
Quang Lộc - Đức Lợi