|
Chùa Ngọc Hoàng là địa chỉ nhiều Phật tử tìm đến cầu tự.
|
Ngôi chùa đặc biệt giữa lòng Sài Gòn
Dịp Tết Tân Sửu, phóng viên được một người bạn giới thiệu tới vãn cảnh tại chùa Ngọc Hoàng, tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu (quận 1, TP.HCM). Đây là ngôi chùa có rất nhiều điểm khác lạ so với các cơ sở thờ tự khác mà phóng viên từng có cơ hội ghé thăm.
Chùa Ngọc Hoàng còn tên gọi khác là chùa Phước Hải. Chùa rộng hơn 2000 mét vuông được xây dựng từ năm 1892, trong 16 năm mới hoàn thành. Gọi là “chùa”, nhưng nơi đây không thờ Phật, mà thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Trong chùa chỉ có duy nhất một điện thờ Phật Dược Sư. Kiến trúc của chùa mang đậm phong cách của người Hoa, với nhiều hoa văn họa tiết độc đáo, được xây dựng bằng gạch xưa, mái lợp ngói lưu ly. Theo sử sách ghi lại, ban đầu ông Lưu Minh (người Quảng Đông) xây dựng chùa để thờ cúng cho việc làm ăn thuận lợi. Đến năm 1982, chùa được hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản. Kể từ đó, ngôi chùa thuộc quản lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Màu sắc chủ đạo của chùa Ngọc Hoàng là màu đỏ khá bắt mắt và hoa mỹ. Những viên ngói lưu ly ánh lên lóng lánh trong nắng đầu xuân, mang lại cảm giác tươi mới. Sân chùa là một không gian rất rộng, nhiều cây cổ thụ to lớn bao trùm tỏa bóng. Hai bên sân chùa là bể cá đủ loại, bên phải là bể rùa. Bể nào cũng đầy ắp cá, rùa nhiều con to quá cỡ. Những người xung quanh cho tôi biết, chúng là do những người đến khấn nguyện thả vào.
Thì ra, người ta có hẳn một danh sách con vật để cúng vái, tùy theo mong muốn. Ví như thả cá chép vàng, chép đỏ thì cầu làm ăn, cầu tài lộc; cá trê cầu sức khỏe, giải hạn; cá rô bí, ba ba để phóng sanh theo tuổi hạn; chim phóng sanh thì cầu siêu cho người đã mất. Đặc biệt nhất là rùa để cầu con cái. Những cặp vợ chồng đến đây thường thả một cặp rùa ghi tên tuổi của mình. Nghe đâu nếu là cặp rùa mang bầu thì càng ứng nghiệm.
|
Những bà mụ trong điện Kim Hoa chuyên lo việc sinh đẻ.
|
Chuyện cầu tự
Bước qua cánh cổng sơn đỏ rực rỡ, không gian bên trong chùa Ngọc Hoàng được chia làm nhiều gian điện thờ khác nhau. Người đến cầu tài cầu lộc thì qua điện Ngọc Hoàng. Người đến cầu tự thì vào điện Kim Hoa thánh mẫu…
Phóng viên bắt chuyện với một Phật tử làm công quả tại chùa. Bà là “bà Bảy đốt nhang” – tức chuyên giúp đỡ khách thập thương việc hương đèn. Bà đã làm công quả tại chùa Ngọc Hoàng hơn 20 năm có lẻ, vì thế, những việc xảy ra tại chùa này, bà rõ như lòng bàn tay. Hỏi về chuyện cầu tự tại chùa Ngọc Hoàng, bà Bảy hào hứng cho hay: “Người ta đến chùa hầu hết là cầu con thôi. Vì thế, điện Kim Hoa bao giờ cũng đông nhất, đặc biệt là dịp Tết vừa rồi.
Kim Hoa thánh mẫu là vị thánh chuyên lo việc sinh đẻ trên chốn nhân gian. Bên dưới bà là 12 bà mụ, mỗi bên 6 người với 6 tư thế khác nhau. Mỗi bà lo một việc, người nắn tay, kẻ nắn chân, người nắn đầu, kẻ nắn mắt, người dạy trẻ tập bước, tập nói… Chỉ cần thành tâm khấn nguyện, những ai sinh khó hay hiếm muộn khi cầu khẩn đến tai các bà sẽ được bà cứu khổ cứu nạn, dùng phép tiên cho được như ý”.
Khi bà Bảy đang hăng hái giải thích, một phụ nữ xinh đẹp chừng hơn 30 tuổi bước vào thắp hương khấn nguyện. Bà Bảy nhanh nhẹn quay sang hỏi: “Nữ chủ cầu gì?”. Người này ấp úng: “Dạ cầu con!”. Bà Bảy vội lấy một dây chỉ màu đỏ đeo vào tay khách rồi kêu chị này khấn nguyện.
Bà hướng dẫn tỉ mỉ: Nếu cầu con trai thì khấn nguyện xong treo vòng chỉ vào các bức tượng bên phải, nữ thì bên trái. Sau đó, xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng đứa con nít dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại xoa vào bụng mình 3 cái nữa.
Sau khi giúp đỡ người phụ nữ nọ làm lễ cầu tự, bà Bảy tiếp tục giới thiệu: “Rất nhiều trường hợp hiếm muộn đến đây xin con chỉ hai ba tháng sau đã có thai. “Kỷ lục” ở chùa là một phụ nữ luống tuổi, lấy chồng 18 năm không có con, tưởng đã vô vọng nhưng sau khi đến chùa khấn xin đã đạt được tâm nguyện. Trong số 10 người đến chùa này cầu con, có tới 8 người có kết quả như ý muốn. Bởi vì 10 người đến đây làm lễ thì tám, chín người quay lại tạ lễ. Tôi ở đây lâu nên nhẵn mặt”, bà Bảy cho hay.
Bà Bảy nói thêm rằng hàng năm, vào đúng ngày sinh của “đứa con cầu tự”, các gia đình đều tìm đến chùa Ngọc Hoàng để làm lễ tạ. Dù xa xôi mấy, trong Nam ngoài Bắc, kể cả Việt kiều cũng đều đặn quay lại tạ lễ. Người có điều kiện hơn thì may áo và tham gia vào lễ thay áo cho 12 bà mụ được tổ chức hàng năm.
Để xác minh lời nói của bà Bảy, phóng viên tiếp cận với cặp vợ chồng dắt tay cháu bé bụ bẫm hồng hào. Gia đình nhỏ đó đang tất bật chuẩn bị vào lễ tạ. Người vợ vui vẻ cho biết tên là Hằng, quê ở tận Nghệ An. Chị 37 tuổi, có con 3 năm trước. Thằng bé khôi ngô nũng nịu trên tay mẹ. Chị Hằng cho hay: “Năm nào dịp này gia đình tôi cũng đến chùa tạ lễ. Nhờ phước lành của chùa mà tôi mới có được cháu như ngày hôm nay”.
|
Phật tử thành tâm cầu tự.
|
Chia sẻ thêm, chị Hằng tiết lộ rằng chị lấy chồng từ năm 25 tuổi nhưng mãi chẳng có con. Cả hai vợ chồng đều khám chữa Đông Tây y đủ cả nhưng không thể có thai. Đến lúc tưởng vô vọng thì chị được mách bảo đến chùa Ngọc Hoàng cầu tự. Nửa tin nửa ngờ, song, do tình thế “căng thẳng”, hai vợ chồng cất công lặn lội từ Nghệ An vào Sài Gòn rồi tới chùa Ngọc Hoàng. Như một phép màu, chỉ 3 tháng sau, chị Hằng đã mang thai rồi hạ sinh một bé trai lành lặn khỏe mạnh. Người phụ nữ hạnh phúc nói: “Tôi tin có phép màu. Thằng bé này là một quà tặng, một diễm phúc thật sự của trời đất dành cho hai vợ chồng tôi”.
Khá lạ lùng là trong số những người đến khấn nguyện, rất nhiều người đang mang thai. Họ giải thích rằng dù đã chắc chắn có con trong bụng nhưng vẫn đều đặn đến để cầu trời Phật phù hộ cho con mình. Người đến chùa ai cũng đều rạng rỡ, những gương mặt ngời niềm tin, dù không phải lúc nào cầu xin cũng mang lại thành quả như ý muốn.
Thực tế, không ít người vẫn không có thai dù đã cầu xin tại chùa Ngọc Hoàng nhiều lần. Bà Bảy thật thà cho hay: Những trường hợp thiếu may mắn thi thoảng vẫn xảy ra. Nhưng nhiều người vẫn kiên nhẫn đi xin lại và được phù hộ. Rất nhiều người vào chùa này xin con nhưng họ nói rằng con cầu khó nuôi. Đứa trẻ sinh ra thường rất khó tính. Chùa có tên Ngọc Hoàng nên nhiều người bảo con xin về là “con trời” càng khó nuôi hơn. Xin được đã khó, giữ được cái thai đến ngày sinh ra thành hình hài, nuôi dạy chăm bẵm còn khó bội lần. Tất nhiên, đó chắc chỉ là mấy bà mẹ chiều con quá nên con khó tính, chứ không phải ai cũng thế. Tôi quen biết nhiều người, xin chùa một lúc hai ba đứa vẫn khỏe mạnh, ngoan hiền và thông minh nữa”.
Lý giải về chuyện cầu tự linh nghiệm tại chùa Ngọc Hoàng, một nhà tu hành bày tỏ: “Tín ngưỡng tôn giáo vốn là để con người khi khổ đau, tuyệt vọng nhất trao gửi niềm tin và là chỗ dựa. Nhưng tin tưởng không có nghĩa là mê tín, để kẻ xấu lợi dụng moi tiền của. Phật tử hiếm muộn, trước tiên nên nhờ đến y học. Cầu con hay cầu duyên là biện pháp giúp tâm an, tăng thêm sự tin tưởng. Song song đó, Phật tử nên làm nhiều việc thiện, tâm an bình thì phước lành sẽ sớm đến”.
Theo Hoài Sơn/Tuổi Trẻ Đời Sống