Cán bộ chỉ được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng
Nghị định 134/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trước đây, Nghị định 59 năm 2019 quy định người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu khi: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; hoặc hết thời gian tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác khác.
Tuy nhiên, Nghị định 134 quy định, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Dù hết thời gian tạm đình chỉ, tạm chuyển công tác mà chưa có kết luận là không tham nhũng thì cũng vẫn không được trở lại vị trí công tác cũ.
|
Ảnh minh họa. |
Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/2/2022, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.
Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Nghị định 131/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.
Điều chỉnh tiền lương, thu nhập đóng BHXH năm 2022
Mỗi năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập đã đóng bảo hiểm xã hội. Đây là hệ số giúp bù đắp lại sự mất giá của đồng tiền ở các thời điểm khác nhau, vì thế, còn được gọi là hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội. Theo Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, hệ số trượt giá năm nay có sự tăng nhẹ. Cụ thể: Giai đoạn đóng BHXH trước năm 1995: Tăng 0,09.
Giai đoạn đóng BHXH năm 1995: Tăng 0,08. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 1996 - 1999: Tăng 0,07. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2000 - 2003: Tăng 0,06. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2004 - 2007: Tăng 0,05. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2008 - 2009: Tăng 0,04. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2010 - 2013: Tăng 0,03. Giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 - 2020: Tăng 0,02.
Hệ số trượt giá BHXH năm 2022 “nhích nhẹ” so với năm 2021 khiến mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng sẽ tăng. Nhờ đó, các khoản tiền được tính dựa trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động cũng tăng theo, trong đó có tiền bảo hiểm xã hội 1 lần, tiền lương hưu hằng tháng, tiền trợ cấp tuất một lần…
Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong ngành giáo dục
Theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ và thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục tại chính quyền địa phương có hiệu lực từ 14/2/2022, các vị trí công tác về tham mưu, tổ chức ra đề thi, tổ chức thi, chọn học sinh giỏi, tuyển sinh trung học phổ thông, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ… thực hiện định kỳ chuyển đổi từ 03 năm đến 05 năm.
Bốn trường hợp đi xuất khẩu lao động không phải nộp tiền dịch vụ
Có hiệu lực từ ngày 1/2/2022, Thông tư 21 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tương đối chi tiết về khoản tiền dịch vụ mà người đi xuất khẩu lao động phải nộp khi sang làm việc tại một số thị trường lao động. Theo đó, có bốn trường hợp người lao động không phải nộp khoản tiền này gồm:
Sang Nhật Bản làm thực tập sinh kỹ năng số 3 (trường hợp không thay đổi doanh nghiệp dịch vụ và tổ chức quản lý). Sang Nhật Bản làm lao động kỹ năng đặc định (trường hợp hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc thực tập sinh kỹ năng số 3 đủ điều kiện tiếp nhận sang lao động kỹ năng đặc định).
Sang Malaysia làm giúp việc gia đình.
Sang các nước Tây Á làm giúp việc gia đình.
Trong khi đó, nếu sang Nhật Bản làm lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định; sang Đài Loan làm hộ lý và y tế tại bệnh viện, trung tâm dưỡng lão; sang Hàn Quốc làm thuyền viên đánh cá gần bờ thì người lao động phải nộp tiền dịch vụ bằng bảy tháng tiền lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng, và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
Nếu sang Đài Loan làm người chăm sóc bệnh nhân tại gia đình, giúp việc gia đình, làm nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ thì mức phí này là bốn tháng lương cho mỗi hợp đồng 12 tháng và tối đa một tháng lương cho mỗi hợp đồng từ 36 tháng trở lên.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:
Hải Ninh