Thời gian gần đây, nhiều vụ cướp giật được đối tượng phạm tội ngang nhiên ra tay trước mặt nhiều người. Nhìn từ những vụ án xảy ra cho thấy, việc thờ ơ, mất cảnh giác của bị hại khi để những món đồ, tài sản quý hớ hênh cũng là một phần nguyên nhân để kẻ xấu dòm vào.
|
Mặc dù giữa "thanh thiên bạch nhật" nhưng đối tượng Bản liều lĩnh cướp giật chiếc túi xách của nữ sinh trên tuyến phố đông người qua lại. |
Những tên cướp liều lĩnh
Vào khoảng 8h30 ngày 4-5, trong lúc đang chở khách đến khu vực trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải, anh Trần Đình Quân (SN 1981, hành nghề "xe ôm" Grab Bike) phát hiện một đối tượng cướp giật chiếc túi xách của một cô gái, liền cùng người khách ngồi phía sau xe truy bắt đối tượng.
Trong lúc truy đuổi, anh Quân hô hoán mọi người đi đường tham gia hỗ trợ. Sau một hồi tăng ga bỏ trốn, đến số nhà 43 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội thì đối tượng cướp giật đã bị tài xế "xe ôm" Grab Bike áp sát khống chế.
Ngay sau đó, đối tượng được anh Quân và người dân đưa đến trụ sở CAP Ngọc Khánh để bàn giao cho cơ quan công an xử lý. Danh tính đối tượng được làm rõ là Nguyễn Đức Bản (SN 1990, trú tại xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Kiểm tra chiếc túi xách Bản cướp của cô gái này, bên trong có 2 triệu đồng và 1 điện thoại iPhone 5S.
Trong một tình huống khác, CAH Chương Mỹ, Hà Nội đã bắt khẩn cấp Trần Văn Lam và Nguyễn Văn Đoàn (đều SN 1996, cùng trú tại xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để phục vụ công tác điều tra liên quan đến nhiều vụ cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn trong thời gian gần đây.
Tại cơ quan công an, Lam khai nhận, sau khi học xong lớp 8 thì nghỉ học ở nhà chơi bời, lêu lổng. Không công ăn, việc làm, không có tiền nên đã lên kế hoạch đi cướp giật tài sản của người đi đường. Cùng thời điểm này, biết Nguyễn Văn Đoàn, là bạn cùng xóm đang vay nợ lãi cao một khoản tiền chưa trả được nên Lam rủ Đoàn cùng đi cướp giật tài sản.
Hai đối tượng bàn nhau đi dọc QL6, huyện lộ và đường liên xã, nếu phát hiện phụ nữ đi xe tay ga có mang theo túi xách, Lam sẽ điều khiển xe áp sáp để Đoàn ngồi sau cướp giật rồi phóng xe bỏ chạy. Bởi theo Lam, những người đi xe tay ga thường có tiền, mà phụ nữ thì tay lái yếu nên dễ giật hơn.
Từ tháng 8-2017 đến tháng 3-2018, Lam và Đoàn đã thực hiện trót lọt 7 vụ cướp giật tài sản. Phi vụ cuối cùng trong gần 10 vụ án mà Lam và Đoàn gây ra trước khi bị bắt được các đối tượng thực hiện vào trưa 11-3-2018.
Vào thời điểm trên, Lam điều khiển xe máy đã tháo BKS, chở Đoàn đến địa phận xã Hợp Đồng, hướng Ba Thá - Chúc Sơn thì phát hiện một cặp vợ chồng đang điều khiển xe máy đi ngược chiều. Thấy người phụ nữ ngồi sau xe đeo túi xách, Lam quay đầu xe lại đuổi theo. Khi theo đến địa phận thôn Đạo Ngạn, xã Hợp Đồng, thấy đoạn đường vắng người, Lam đã điều khiển xe áp sát để Đoàn giật chiếc túi rồi cả hai tăng ga bỏ chạy về khu vực xã Thượng Vực ra ngoài cánh đồng.
Tại đây, Lam và Đoàn kiểm tra bên trong túi xách thấy có 2 điện thoại di động và số tiền hơn 5,2 triệu đồng. Lam đưa cho Đoàn 50 nghìn đồng đổ xăng, còn lại, cả hai chia nhau. Đối với chiếc túi xách của bị hại Lam đốt ngay tại cánh đồng, còn 2 chiếc điện thoại, Lam lấy một chiếc để sử dụng, chiếc còn lại bán được 2,4 triệu đồng.
Luôn đề cao cảnh giác
Trong tháng 4-2018, lực lượng Chống cướp giật tài sản, Phòng CSHS Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an các quận, huyện trên địa bàn đã tập trung điều tra, khám phá 15 vụ, bắt 34 đối tượng phạm tội cướp giật tài sản. Mở rộng điều tra, làm rõ 38 vụ cướp giật tài sản khác.
Đáng chú ý, lực lượng Chống tội phạm cướp giật tài sản, Phòng CSHS còn khám phá ổ nhóm chuyên cướp giật tài sản trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm. Chỉ tính trong vòng tháng 4 và đầu tháng 5-2008, ổ nhóm tội phạm này đã gây liên tiếp hơn 20 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố. Có ngày chúng gây ra gần 10 vụ cướp giật tài sản của các cô gái đi một mình trên những tuyến phố vắng người qua lại.
Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, Đội phó Đội CSHS CAQ Ba Đình, Hà Nội cho biết, mặc dù nhiều vụ cướp giật xảy ra đã được báo chí, cơ quan công an tuyên truyền nhưng người dân vẫn còn thờ ơ, mất cảnh giác khi đi ra ngoài mang theo những tài sản có giá trị lớn nhưng lại để rất hớ hênh.
“Để hạn chế, tránh xảy ra những việc không mong muốn, đối với những trường hợp đi xe máy, xe đạp ra ngoài nếu thấy không cần thiết, nên hạn chế mang theo các loại trang sức đắt tiền như dây chuyền, vòng đeo tay..., còn nếu cần thiết thì bỏ túi xách, ví vào cốp xe, nếu xe không có cốp nên để ở phía trước, buộc chặt, dùng áo trùm lên, tránh bị kẻ xấu phát hiện nhằm vô hiệu hóa hành vi cướp giật. Đối với trường hợp đi ôtô nên để túi xách ở ghế phụ, chú ý khóa cửa xe, tránh trường hợp đối tượng lợi dụng đường đông, hoặc giả vờ va chạm giao thông để đồng bọn mở cửa giật túi hay tài sản khác”, Thiếu tá Bùi Mạnh Cường chia sẻ.
Phân tích thủ đoạn hoạt động của tội phạm qua các vụ cướp tài sản đã được khám phá vừa qua, Thiếu tá Tống Quang Hiếu - Đội trưởng đội CSHS CAH Chương Mỹ cho biết, tội phạm cướp tài sản thường là các đối tượng mới lớn, đua đòi, cần tiền chơi game, sử dụng ma túy đá và trang trải các khoản chi phí cho cuộc sống bụi đời, vạ vật tại các nhà nghỉ, nhà trọ bình dân sống theo kiểu tụ tập thành bầy đàn để tìm cơ hội gây án.
Hoạt động của tội phạm có sự liên kết giữa đối tượng tỉnh ngoài với đối tượng ở Hà Nội, chủ yếu quen biết và liên kết với nhau thông qua mạng xã hội. Mục tiêu tội phạm cướp giật tài sản cũng rất đa dạng. Ngoài các cô gái đi làm ca đêm, hay các đôi trai gái tâm sự ở nơi vắng vẻ vào ban đêm, tội phạm cướp tài sản còn tìm đến những người hành nghề "xe ôm", taxi, “điều” họ đến những nơi vắng vẻ để gây án.
Thiếu tá Đào Hồng Dương, Đội trưởng Đội CSHS - CAQ Long Biên, Hà Nội cũng chia sẻ, người dân không được chủ quan, tạo sơ hở để tội phạm cướp tài sản lợi dụng gây án. Không nên đi một mình trên các tuyến đường vắng ở ngoại thành, nhất là trên các tuyến đê và mang nhiều tiền, tài sản có giá trị.
Thực tế hiện nay, có nhiều đôi trai gái tìm đến đến những khu vực, tuyến đường vắng người qua lại vào ban đêm để tâm sự. Điều này rất nguy hiểm, bởi đây chính là cơ hội để đối tượng xấu ra tay thực hiện hành vi tội phạm. Nếu gặp phải tình huống này, bị hại cần bình tĩnh, chủ động bảo vệ tính mạng, không nên chống đối quyết liệt khiến cho tội phạm manh động, gây ra hậu quả xấu.
Theo Quang Trường/ANTĐ