Ngày 20/9, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị sẽ chính thức kết thúc hợp đồng với 500 giáo viên hợp đồng trên toàn huyện vào dự kiến từ ngày 30/10.
Những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng của huyện này cho biết, hiện tại các giáo viên đã viết tâm thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để cầu cứu.
|
Tâm thư của các giáo viên chấm dứt hợp đồng gửi Thủ tướng. |
Theo nội dung tâm thư gửi Thủ tướng, các cô giáo viết: "Khi chúng cháu bước chân vào cổng trường sư phạm, chúng cháu rất vui mừng vì đã chạm tới ước mơ của mình và càng vui mừng hơn khi ra trường được cầm trong tay quyết định hợp đồng lao động dài hạn do Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk ký.
Gần 10 năm giảng dạy, chúng cháu đã cống hiến phần lớn tuổi thanh xuân cho nền giáo dục huyện nhà. Khi bước chân vào nghề, chúng cháu đã gặp rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần. Có những bạn bỏ lại sau lưng gia đình và quê hương để công tác, có những bạn phải đánh đổi cả mạng sống của mình trên đường đến trường ở vùng III.
Với mức lương 640 ngàn đồng/tháng nhưng chúng cháu vẫn kiên nghị bám lớp, bám trường với hy vọng huyện sẽ tổ chức xét tuyển vào thời gian sớm nhất để được chính thức vào ngành, cống hiến hết tâm lực cho giáo dục, đồng thời ổn định cuộc sống."
Trong tâm thư, các giáo viên cũng nêu ra thực trạng "hoàng hôn nhiệm kỳ" và việc các lãnh đạo huyện ký "bừa phứa" hợp đồng giáo viên.
"Tại huyện Krông Pắk, từ năm 2010-2018, qua 3 đời Chủ tịch huyện đã ký dôi dư hơn 500 giáo viên hợp đồng.
|
Các cô giáo của huyện Krông Pắk đang rất hoang mang không biết tương lai sẽ ra sao. |
Sau đó, chính Chủ tịch UBND huyện lại ký quyết định thôi việc các giáo viên. Lỗi này không thuộc về giáo viên hợp đồng mà thuộc về người ra quyết định.
Người ký sai chịu nhận quyết định cảnh cáo còn chúng cháu giờ đây chuẩn bị mất việc. Có những giáo viên hợp đồng đang mang thai khi nghe tin đã không chịu được cú sốc dẫn đến sảy thai rồi mất con.
Chúng cháu khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ vào cuộc tìm hiểu và có cách xem xét hợp tình, hợp lý, nhân văn hơn nhằm mang lại niềm tin vào sự công bằng, dân chủ cho chúng cháu vào tạo niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với toàn xã hội", tâm thư nêu.
Một giáo viên bức xúc: "Chúng tôi là người lao động, trong khi đó chủ sử dụng lao động là huyện Krông Pắk gây ra lỗi này, lãnh đạo huyện ký hợp đồng sai quy định và chỉ bị kỷ luật cảnh cáo. Còn chúng tôi là những nạn nhân thì lại mất việc đồng loạt”.
Thay mặt 500 giáo viên sắp mất việc, cô giáo này mong bức tâm thư sẽ đến tay Thủ tướng và sẽ được các cơ quan có trách nhiệm xem xét.
Trước đó, ngày
9/3, UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng hơn 200 giáo viên khiến những người này bức xúc.
Theo UBND huyện Krông Pắk, khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai thành phần là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (200 người); giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế chỉ cho 83 người.
Theo đó, tổng số hơn 600 giáo viên dôi dư sẽ tuyển 83 người, còn lại sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Sau khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn và yêu cầu UBND huyện Krông Pắk dừng việc chấm dứt hợp đồng, đồng thời tìm hướng giải quyết.
THANH HẢI