Nhìn lại 1 tháng Việt Nam chống dịch "như thời chiến"

Google News

Không chỉ có biện pháp cách ly toàn xã hội và những chỉ đạo mạnh mẽ, một tháng vừa qua chứng kiến quyết sách về gói an sinh lớn chưa từng có, cả nước đồng lòng chống dịch.

Mùng 6 tháng 3 là một ngày khó quên. Chưa bao giờ người dân Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước sống trong những ngày “khác lạ” như vậy kể từ đó.
Ngày ngày không còn những dòng người và xe hối hả bon chen trên đường, thay vào đó hình ảnh những tuyến phố rộng thênh thang, vắng vẻ.
Mở màn của chiến dịch mới
Sau gần 1 tháng “bình yên” khi 16 ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam được điều trị khỏi, đêm 6/3 - ca thứ 17 - được ghi nhận. Tính đến nay, nó cũng đánh dấu Việt Nam trải qua 1 tháng kể từ giai đoạn 2 của dịch.
Ngay khi tiếp nhận thông tin về ca bệnh mới và là đầu tiên ở thủ đô, cả Hà Nội như không ngủ. Cuộc họp khẩn lúc gần nửa đêm được triệu tập với sự tham dự của cả Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng đầy đủ các sở, ban, ngành. Tất cả hệ thống chính trị của thủ đô được khởi động ngay tức để bắt đầu công cuộc chống dịch với việc khoanh vùng, cách ly các đối tượng thuộc diện có liên quan.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Biện pháp cách ly và phun khử trùng khu phố Trúc Bạch được tiến hành ngay khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Ảnh: Duy Hiệu.
Bắt đầu từ hôm sau là khoảng thời gian căng thẳng khi không chỉ ở Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác, gần như ngày nào cũng xác định có ca nhiễm COVID-19 mới. Có ca kịp thời cách ly, nhưng cũng có trường hợp đã làm lây nhiễm trong cộng đồng.
Nói về ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đã dự liệu tình huống xuất hiện ca bệnh mới lây nhiễm từ nước ngoài về và lên các giải pháp ứng phó. Ông khẳng định mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Trong khoảng thời gian này, Ban chỉ đạo quốc gia một tuần họp 3 lần dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam để bàn về quyết sách chống dịch.
Phó thủ tướng nhận định Việt Nam lúc này phải ngăn dịch từ trăm ngả thay vì vài ngả như trước đây. Nếu không làm tốt, chúng ta sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.
Theo ông, Việt Nam đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó, ngay cả khi có hàng nghìn ca nhiễm. Vì vậy, nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ.
Với tinh thần cảnh giác cao, cùng chủ trương “phòng là chính”, Việt Nam bắt đầu áp dụng các chính sách tạm dừng miễn thị thực và nhập cảnh với người nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, từ 10/3, Việt Nam thực hiện khai báo y tế trên toàn quốc.
Chính phủ liên tục họp để đưa ra chỉ đạo điều hành theo từng diễn biến của dịch. Giai đoạn này, Thủ tướng đã yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, có phương án huy động khách sạn, cơ sở lưu trú… làm nơi cách ly tập trung.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.
Bất an khi ổ dịch ở “tuyến đầu”
“Nếu 'chống dịch như chống giặc' thì phải xác định chiến trường ở đâu. Chiến trường chính là tại các bệnh viện, nơi tuyến đấu đang chiến đấu với 'giặc' COVID-19”, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần chia sẻ quan điểm này tại các cuộc họp.
Trong khi nhiều nước trên thế giới để xảy ra tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở y tế, Việt Nam với nguồn lực y tế chưa phải tốt, lại kiểm soát tương đối có hiệu quả việc này.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Bệnh viện Bạch Mai được ghi nhận là ổ dịch lớn và nguy hiểm nhất của cả nước. Ảnh: Việt Hùng.
Song đến chiều 20/3, Bộ Y tế công bố 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai - là 2 nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam nhiễm COVID-19, rồi tiếp đó là 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Chỉ vài ngay sau, liên tiếp phát hiện các ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, điển hình là các nhân viên thuộc Công ty Trường Sinh - chuyên cung cấp suất ăn, nước sôi cho bệnh viện.
Điều mà không ai mong đợi, trở thành sự thật khi Bệnh viện Bạch Mai sau một thời gian ngắn đã trở thành ổ dịch lớn và tiềm ẩn nguy cơ nhất cả nước. Đến nay, đã có 45 ca bệnh được phát hiện tại đây.
Lãnh đạo bệnh viện lên tiếng xin lỗi vì ổ dịch ở Bạch Mai đã làm ảnh hưởng lớn đến Hà Nội và hoạt động tại các địa phương khác.
Mọi sự quan tâm, lo lắng lúc này được dành cho bệnh viện tuyến cuối lớn nhất cả nước. Ban chỉ đạo quốc gia và Thủ tướng đều đưa ra chủ trương “phải tập trung mọi nguồn lực để dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai”.
Lần đầu tiên trong lịch sử, toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả với tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể từ ngày 28/3. Quân đội đã lập bệnh viện dã chiến ngay trong cơ sở y tế này.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Khoảnh khắc người hết hạn cách ly ở Khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM hân hoan gặp lại người thân của mình. Họ trao nhau nụ cười, cái ôm hạnh phúc ngày gặp mặt. Ảnh: Phạm Ngôn.
Đến tối 30/3, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm của hơn 7.200 người là nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà chăm sóc. Đa số đều cho kết quả âm tính.
Điều khó khăn lớn nhất lúc này là bệnh viện phải vừa kiểm soát để không lây lan dịch bệnh, vừa tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng không thể chuyển đi nơi khác.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 kiến nghị Chính phủ cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng để cứu chữa kịp thời, dù trong điều kiện dịch bệnh và đã được Thủ tướng đồng ý.
Lời hiệu triệu của Tổng bí thư và yêu cầu “cách ly xã hội của Thủ tướng
Cuối tháng 3, khi dịch diễn biến ngày càng phức tạp, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lời kêu gọi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng, Nhà nước như một lời hiệu triệu để “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”. Ông mong toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.
Tiếp sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, ghi nhận đây là đại dịch toàn cầu.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cách ly xã hội từ 0h ngày 1/4 đến 15/4.
Trước đó một ngày, ông ký ban hành Chỉ thị 16 - là chỉ thị thứ 6 trong vòng 3 tháng, kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu tất cả phải thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch; tranh thủ từng phút để truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với những các trường hợp có nguy cơ lây bệnh.
Đặc biệt, trong Chỉ thị 16, khái niệm "cách ly toàn xã hội" lần đầu xuất hiện. Giải thích trên Zing ngay sau đó, người phát ngôn Chính phủ khẳng định “cách ly xã hội” không phải phong tỏa đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau đó cũng giải thích đây là giải pháp mới mang tính “tiền khẩn cấp” để giãn cách xã hội, chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành.
Theo ông, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh chứ không phải phong tỏa, ngăn cấm giao thông.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Ngày 6/4, thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Ảnh: VGP.
Dù vậy, ngay sau chỉ thị này, một số nơi đã xuất hiện tình trạng “rào làng”, người dân vì lo sợ dịch bệnh xâm nhập đã dựng tường đất, chặn khối bê tông hay hàng rào bằng sắt để ngăn người ở khu vực khác. Thậm chí, có tỉnh còn cấm dân Hà Nội vào địa bàn.
Những hình ảnh này lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và nhanh chóng được Chính phủ nắm bắt. Chia sẻ với Zing, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã sớm gọi điện trao đổi với lãnh đạo một số tỉnh yêu cầu gỡ bỏ ngay “lệnh giới nghiêm” làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ khẳng định đang kiểm soát được dịch nên không có lý do gì đóng cửa mọi thứ, mà vẫn cần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Gói an sinh “lớn chưa từng có”
“Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 5/4 về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh cho người dân.
Thực tế, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam thời gian qua cùng với hàng loạt chính sách “như thời chiến”, ngừng nhiều hoạt động giao thương, lao động, kinh tế, khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Có nhiều người mất việc, mất thu nhập, không đủ tiền ăn.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
Gói hỗ trợ an sinh dành cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được trình Chính phủ lên tới 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD).
Theo đó, các đối tượng như người công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo; lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập… sẽ được hỗ trợ từ 500.000 đến 1,8 triệu đồng/tháng.
Số tiền này, Thủ tướng yêu cầu giải quyết thật nhanh, thật sớm để đưa đến tay người dân vì người dân không thể chờ đợi, vì nhiều người dân “khổ lắm”, thất nghiệp, không có việc làm, cuộc sống khó khăn.
Chia sẻ với Zing, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh gói hỗ trợ an sinh này đặc biệt có ý nghĩa bởi nó chính là gói hỗ trợ của "lòng dân, ý Đảng", kêu gọi người dân và doanh nghiệp chung sức cùng Chính phủ vượt qua khó khăn trong thời điểm này.
“Mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ những người lao động, người dân bị ảnh hưởng, giảm sâu thu nhập, mất - thiếu - giãn việc làm dẫn đến mức sống không đạt mức tối thiểu”, ông Dung chia sẻ.
Nhin lai 1 thang Viet Nam chong dich
 Nhiều điểm phát miễn phí gạo, mì tôm cho người nghèo, hỗ trợ những người khó khăn qua đại dịch COVID-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Ngoài chính sách của Chính phủ, những tấm lòng vàng cũng lan tỏa nhiều trong xã hội, đúng như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói “dịch bệnh lây lan, tình người cũng được lan tỏa”. Nhiều địa phương xuất hiện các điểm hỗ trợ gạo, mì tôm và thực phẩm thiết yếu cho người dân. Những tấm băng rôn, hoặc đơn giản là tấm bìa carton xuất hiện khắp nơi với dòng chữ đã trở nên quen thuộc: “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày”; "Nếu khó khăn, hãy lấy 1 phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác".
Ở đầu cầu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nơi tiếp nhận nguồn ủng hộ phòng, chống dịch), ngày nào cũng có các cá nhân, đơn vị đến ủng hộ, tiếp sức. Từ một cậu bé lớp 2 dành hết tiền tiết kiệm để “các bác Chính phủ” chống dịch đến chị bán hàng online dành toàn bộ lợi nhuận mua khẩu trang y tế tặng các bác sĩ, cùng rất nhiều cơ quan, đơn vị dành tiền lương ủng hộ. Tổng số tiền ủng hộ đến nay đã lên tới hơn 750 tỷ đồng.
“Những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, trình độ, ý nghĩa quyết định, mà tất cả đều xuất phát từ trái tim mình. Lúc gai góc, khó khăn nhất là lúc người dân thể hiện bản sắc, chí khí của con người Việt Nam. Tôi có niềm tin Việt Nam sẽ chặn đứng đại dịch, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Theo Hoài Thu/Zing