|
Nhiều trường học tại Hà Nội xây dựng 2 phương án kiểm tra trực tiếp và trực tuyến đối với học sinh lớp 1, 2. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn. |
Băn khoăn từ văn bản chỉ đạo
Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo một Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) bày tỏ băn khoăn về văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm tra học kỳ đối với học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, ứng phó dịch COVID-19 của Sở GDĐT Hà Nội.
Vị này cho biết, theo văn bản, các cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GDĐT để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Phòng GDĐT tổng hợp báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo.
"Vậy Phòng GDĐT không có thẩm quyền và trách nhiệm quyết định hình thức kiểm tra định kỳ của các cơ sở giáo dục mà phải báo cáo để Sở quyết định hay sao?" - vị này đặt câu hỏi.
Vị này cũng cho biết, với văn bản như trên, quận sẽ tiến hành xin ý kiến của UBND quận và Sở GDĐT để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, quan điểm của quận là "Không để học sinh đến trường kiểm tra trong khi học sinh không được đến trường".
Đọc đi đọc lại văn bản nêu trên, chị Nguyễn Khánh Huyền - phụ huynh học sinh lớp 1 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn không khỏi băn khoăn, bối rối.
"Văn bản ghi "trường hợp bất khả kháng học sinh không thể đến trường sẽ kiểm tra trực tuyến". Vậy bất khả kháng ở đây là ốm đau, bệnh tật hay không thể đến trường do dịch bệnh?" - chị Huyền đặt câu hỏi.
Là địa phương thuộc khu vực an toàn và đã tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9, khối 12, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng Phòng GDĐT huyện Ba Vì khẳng định:
"Học sinh tiểu học trên địa bàn huyện sẽ kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Quan điểm của huyện là khối nào đã được đi học trực tiếp sẽ kiểm tra trực tiếp. Học sinh chưa được đến trường sẽ kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến".
Giao quyền chủ động cho nhà trường
Ông Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho biết, ngay khi có văn bản chỉ đạo của Sở, Phòng GDĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường chuẩn bị, xây dựng phương án kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.
“Hiệu trưởng nhà trường sẽ quyết định phương án kiểm tra phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở. Sau đó, báo cáo cơ quan quản lí và Phòng GDĐT.
Học sinh tiểu học chưa tiêm mũi nào trong khi số ca nhiễm COVID-19 tại Hà Nội tăng cao trong nhiều ngày liên tiếp khiến phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng. Dù rất muốn đón học trò tới trường nhưng chắc chắn, các thầy cô sẽ lựa chọn phương án an toàn và phù hợp nhất” – ông Ngát chia sẻ.
Bà Cao Thị Lan Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hưng (Hà Đông) cho biết, nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng 2 phương án kiểm tra trực tiếp hoặc trực tuyến đối với học sinh và trình phương án lên Phòng GDĐT.
“Khả năng là nhà trường sẽ tiến hành kiểm tra cuối kỳ theo hình thức trực tuyến thay vì trực tiếp. Bởi văn bản hướng dẫn của Sở GDĐT cũng tương tự như hướng dẫn của Bộ GDĐT đã ban hành. Tức là học sinh có thể kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp. Với bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, rất khó để kiểm tra theo hình thức trực tiếp” – bà Hương nói.
Theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, đối với lớp 1, lớp 2: Bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế đảm bảo an toàn trong phòng dịch.
Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục tiểu học có trách nhiệm báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng Giáo dục và Đào tạo để được kiểm tra các điều kiện đảm bảo theo quy định trước khi thực hiện. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo Tường Vân - Thiều Trang/Lao Động