Liên quan đến tượng đài chiến sĩ phòng cháy chữa cháy và Cảnh sát giao thông đang được xây dựng tại Hà Nội gây xôn xao, mới đây thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) cho biết, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022), từ nay đến ngày 20/7, Bộ Công an sẽ chủ trì khánh thành quần thể tượng đài lực lượng CSGT, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).
Tượng đài trên được xây dựng giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn gần ngã ba giao nhau giữa phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
Được biết, tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, một phụ nữ lớn tuổi và một em nhỏ. Ngoài ra, tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa.
Tượng đài tái hiện công việc thường ngày của lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH, rất gần gũi với nhân dân. Cụ thể, nam chiến sĩ CSGT giúp một phụ nữ lớn tuổi qua đường, nữ CSGT điều tiết giao thông; 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH làm nhiệm vụ cứu hỏa, chiến sĩ còn lại bế em bé trên tay - thể hiện vừa cứu em nhỏ này khỏi đám cháy.
Về lý do tại sao Bộ Công an chọn lực lượng CSGT và Cảnh sát PCCC và CNCH để dựng tượng đài, thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy cho biết: "Các lực lượng công an nhân dân nói chung đều vì nhân dân phục vụ. Nhưng trước mắt 2 lực lượng gần gũi nhân dân nhất là lực lượng CSGT và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Đặc biệt 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM rất cần có tượng đài như vậy, việc này cũng để nhắc nhở cho quần chúng nhân dân ý thức hơn trong việc tham giao thông và ý thức trong việc PCCC. Công trình này khánh thành để tuyên truyền cho truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân".
Tượng đài Cảnh sát giao thông và PCCC tại bên ngoài công viên Thống Nhất
Bên cạnh những ý kiến đồng tình về tượng đài thì trên mạng xã hội cũng xôn xao nhiều ý kiến trái chiều bày tỏ: "xấu xí, không truyền tải được thông điệp gì".
Một họa sĩ đến từ Hà Nội cho rằng, ý nghĩa của tác phẩm là tôn vinh lực lượng Cảnh sát nhân dân là một điều rất tốt, đáng ghi nhận. Song, ở mức độ nghệ thuật, đây là tác phẩm có quá nhiều điều đáng tiếc.
Trao đổi trên báo Giao thông, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - là người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng, cho rằng cụm tác phẩm này thiếu tính thẩm mỹ, bố cục rời rạc, rơi vào kể lể. Ngoài ra, chất liệu cũng không phù hợp với chủ đề này.
"Cách làm này cho thấy không có sự nghiên cứu kỹ về tác phẩm, thể hiện tư duy lắp ghép minh họa từ hình ảnh báo chí, chẳng hạn như công an giúp cụ bà qua đường. Do đó, về mặt ngôn ngữ điêu khắc ở tác phẩm này là rất yếu", họa sĩ Thế Sơn bày tỏ.
Ngoài ra, vị trí đặt cụm tượng đài cũng là điều khiến giới họa sĩ, điêu khắc băn khoăn. Họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng cho rằng, tác phẩm đặt tại ngã ba Trần Nhân Tông - Quang Trung, mặt tượng hướng về phố Quang Trung. Nhưng đây là đường một chiều, như vậy, tác phẩm lại đặt ở sau lưng người đi đường là thiếu thẩm mỹ.
Còn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thẳng thắn bày tỏ, cụm tượng đài còn làm hỏng cả cảnh quan cây xanh của công viên phía sau.
Thiên Tuấn