Mới đây, một số cơ quan báo chí dẫn bản danh sách những người tham gia CLB Tình người – một tổ chức thuộc Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng thời gian qua bị phanh phui có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh cho thấy, ngoài những doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp lớn, thành viên tham gia còn có cả những cán bộ công chức, viên chức.
Trong đó, không ít người có chức, có quyền hiện đang công tác tại các cơ quan trọng như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội… Thậm chí còn có nguyên Phó Chủ tịch TP Hà Nội và cả những lãnh đạo đang tại chức nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền...
|
Một buổi sinh hoạt của CLB Tình người. |
Ngay trong báo cáo của UBND quận Cầu Giấy nêu rõ, theo điều tra của lực lượng chức năng quận Cầu Giấy, CLB sử dụng hình ảnh, uy tín của một số cán bộ đã nghỉ hưu, có chức vụ trong các cơ quan nhà nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh.
Dư luận đặt câu hỏi, những cán bộ công chức, viên chức tham gia câu lạc bộ Tình người với nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công chức, viên chức, thậm chí là người có chức vụ quyền hạn được phép tham gia các tổ chức xã hội được cho phép, được Nhà nước công nhận. Tuy nhiên, đối với những tổ chức không được Nhà nước công nhận, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ Đảng viên tham gia các tổ chức này là bất hợp pháp.
“Do vậy, nếu là cán bộ Đảng viên cần phải xem xét trách nhiệm. Tại sao anh tham gia mà không báo cáo tổ chức. Còn công chức, viên chức không phải Đảng viên cũng cần phải dựa vào Luật Công chức, viên chức để xem xét xử lý các đối tượng này. Tùy theo mức độ tham gia có vi phạm hay không để kiểm điểm, làm rõ, thậm chí phải thi hành kỷ luật” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Ông Hòa cho rằng, CLB Tình người là một tổ chức của công ty tư nhân, không được Nhà nước công nhận, Đảng viên mà tham gia là điều cấm kỵ. Đối với người giữ chức vụ thì cần phải xem xét trách nhiệm nêu gương. Do đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải làm rõ, xử lý theo quy định đối với đảng viên, công chức, viên chức.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo thông tin mà báo chí đăng tải thời gian gần đây cho thấy, CLB Tình người có nhiều dấu hiệu sai phạm về hoạt động tôn giáo, có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan gây ảnh hưởng đến đời sống, xã hội. Ngoài ra, tổ chức này còn lập quỹ, bán hàng, thu tiền trái phép của một số người nhẹ dạ cả tin có dấu hiệu trục lợi tâm linh.
Đáng chú ý, số lượng người tham gia câu lạc bộ này rất lớn, có thể tác động tiêu cực đến xã hội, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, thậm chí những người có trình độ học thức, có uy tín, có chức vụ trong xã hội. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ, có kết luận chính thức để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo Hướng dẫn số 03/HD-UBKTTW của Uỷ ban kiểm tra Trung ương hướng dẫn quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm nêu rõ những quy định Đảng viên không được:
“Điều 1. Nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”.
Điều 3 cũng quy định đảng viên không được: “Truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, có tính chất mê tín (mua, bán, in, sao, tàng trữ, tán phát, tuyên truyền bằng sách, ấn phẩm, băng, đĩa, phim, ảnh và các loại thiết bị lưu giữ tài liệu khác)”.
Điều 18 quy định đảng viên không được “ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi”.
Điều 34, Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kỷ luật đảng viên vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo cũng nêu rõ:
Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: Biết mà không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn để vợ (chồng) hoặc con cùng sống chung trong gia đình tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, truyền đạo trái phép; Mê tín, dị đoan: Tổ chức lễ cầu lên chức; xem bói, xóc thẻ, nhờ thầy yểm bùa trừ tà ma và những việc mê tín, dị đoan khác; Có hành vi cưỡng ép, ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của người khác.
Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): Tự ý theo tôn giáo hoặc nhận giữ các chức sắc của các tổ chức tôn giáo mà không báo cáo, xin ý kiến chi bộ và tổ chức đảng quản lý trực tiếp hoặc đã báo cáo nhưng chưa được các tổ chức đảng có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản; Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức; Tổ chức, vận động, dụ dỗ, kích động, lôi kéo, đe dọa, ép buộc người khác tham gia tôn giáo bất hợp pháp.
Ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân tác động xấu đến đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; Bao che, tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan trong các lễ hội; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức để trục lợi.
Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Tổ chức kích động nhằm chia rẽ đoàn kết giữa các tôn giáo trong nước và ngoài nước; Hoạt động mê tín, dị đoan đến mức cuồng tín, mù quáng; hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy địa lý nhằm trục lợi hoặc vì mục đích khác; Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của tổ chức, cá nhân; gây cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; Chủ trì, tham gia hoặc vận động, ủng hộ hoặc bao che, tiếp tay cho cá nhân, tổ chức lập mới và xây mới đền, chùa, miếu thờ, điện thờ, cơ sở thờ tự của các tôn giáo khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Luật sư Cường cho rằng, trường hợp đảng viên vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo, tùy vào tính chất mức độ có thể bị áp dụng các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo hoặc hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
Nếu trường hợp được xác định là hoạt động mê tín dị đoan đến mức cuồng tín hoặc chủ trì tham gia vận động, bao che tiếp tay cho cá nhân tổ chức xây dựng các cơ sở tôn giáo chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức mà vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan cũng sẽ bị xem xét kỷ luật theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Do đó, luật sư Cường cho rằng, vấn đề này cần phải có vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.
“Trong trường hợp xác định đây là tổ chức hoạt động tôn giáo trái phép, hành mê mê tính dị đoan gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, khi đó sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của những người đã tổ chức hoạt động cơ sở tôn giáo có tên là câu lạc bộ Tình người này. Đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm của những người tham gia, kêu gọi, nuôi kéo người khác cùng tham gia câu lạc bộ này theo các quy định của pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Câu lạc bộ Tình người truyền bá mê tín dị đoan
Hải Ninh