Thanh tra tỉnh Hải Dương vừa ban hành kết luận thanh tra việc thu, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đối với UBND huyện Tứ Kỳ; các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND huyện Tứ Kỳ và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Tứ Kỳ.
Nhiều khoản chi chưa phù hợp
Thanh tra tỉnh Hải Dương đã kiểm tra, xác minh việc thu, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí tại một số đơn vị dự toán huyện gồm Văn phòng HĐND và UBND; Trung tâm Văn hóa-Thể thao; Trung tâm bồi dưỡng chính trị; Phòng Tài chính - Kế hoạch; 6 xã gồm Bình Lãng, Quang Trung, Minh Đức, Đại Hợp, Đại Sơn, Hưng Đạo và 4 trường THCS Phan Bội Châu, Dân chủ, Quang Trung, Nguyên Giáp. Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót.
|
Trụ sở UBND huyện Tứ Kỳ. |
Theo đó, UBND xã Đại Sơn, Hưng Đạo, Đại Hợp và Minh Đức ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với các hộ dân, tổ chức chưa đúng quy định Luật Đất đai số 13 và Luật Đất đai số 45.
Cụ thể, UBND xã Đại Sơn ký 40 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với các hộ dân có thời hạn trên 5 năm đến 50 năm; ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với Công ty CPSXTM Tân Thuận Cường; UBND xã Hưng Đạo ký 7 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với các hộ dân có thời hạn trên 10 năm đến 50 năm; ký 2 hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với 2 hộ dân sử dụng làm ki ốt, quán bán hàng; UBND xã Đại Hợp ký hợp đồng giao khoán đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích với 119 hộ dân có thời hạn 20 năm và thu tiền hằng năm; UBND xã Minh Đức, lãnh đạo thôn Mép ký hợp đồng thỏa thuận cho phép các đơn vị viễn thông đặt trạm phát sóng trên diện tích đất thuộc quỹ đất công ích do UBND xã quản lý.
Đáng chú ý, một số khoản chi được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ chưa phù hợp theo quy định tại Quyết định 32 của UBND tỉnh Hải Dương. Cụ thể, trong hai năm 2021,2022, UBND xã Đại Sơn và Hưng Đạo chi tiền công tác phí khoán cho toàn bộ cán bộ, công chức nhưng không giải trình được căn cứ phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng là chưa phù hợp (xã Đại Sơn năm 2021 là 73,2 triệu đồng, năm 2022 là 28,6 triệu đồng; xã Hưng Đạo Năm 2021 là 44,4 triệu đồng, năm 2022 là 20,1 triệu đồng).
Chi hỗ trợ tiền ăn tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm (xã Hưng Đạo); chi tiền nước uống các cuộc họp triển khai nhiệm vụ của ngành, họp giao ban, họp triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ (xã Đại Sơn, xã Hưng Đạo); xã Hưng Đạo quy định chi hỗ trợ tiền ăn bao gồm cả các đại biểu, khách mời có trong danh sách hưởng lương của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp (thực tế không chi) là chưa phù hợp theo quy định.
Việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc dự toán mua sắm thường xuyên thực hiện chưa đầy đủ trình tự. Cụ thể, UBND xã Hưng Đạo, xã Đại Sơn không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với những gói thầu được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Năm 2016, UBND xã Đại Hợp nhận tiền bồi thường trạm bơm Cống Bía và trạm bơm Độ Trung, số tiền 1.160.312.000 đồng không nộp Ngân sách là không đúng quy định Luật Ngân sách.
Đối với các phòng ban trực thuộc UBND huyện Tứ Kỳ, quy chế chi tiêu nội bộ của phòng Tư pháp quy định chi đồng phục cho cán bộ công chức tại mục chi hoạt động chuyên môn là là chưa đúng quy định (thực tế không chi); chi hỗ trợ học phí cho 2 cán bộ, công chức đi dự lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước năm 2023 không quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ (Đài phát thanh huyện); Trung tâm Chính trị huyện thực hiện công khai dự toán Ngân sách đầu năm chậm so quy định; không thực hiện kiểm kê tài sản hằng năm; một số khoản chi không có hóa đơn tài chính theo quy định.
Một số chứng từ chi chưa đầy đủ thủ tục theo quy định như: Chi thanh toán xăng xe nhật ký sử dụng xe ghi chưa đầy đủ (Văn phòng HĐND&UBND); chi tập huấn thiếu kế hoạch, chương trình tập huấn (Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp); chi khen thưởng bầu cử đại biểu Quốc hội thiếu danh sách người nhận (Phòng Nội vụ)…
Trung tâm Văn hóa Thể thao, chi tiền ăn của Ban chỉ đạo, ban tổ chức, các tiểu ban chuyên môn, trọng tài, giám sát điều hành, thư ký cao hơn tại Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh Hải Dương; một số gói thầu thuộc dự toán chi thường xuyên chưa thực hiện đầy đủ theo quy định Nghị định 63 của Chính Phủ, Thông tư 58 của Bộ Tài chính; một số chứng từ chi tiền ăn, tiền bồi dưỡng cho đối tượng tham gia hội thi, giải thi đấu thể thao thiếu danh sách vận động viên, huấn luyện viên....tham gia tập luyện, tham dự hội thi làm cơ sở thanh toán.
Đối với các trường THCS, các trường căn cứ vào một số văn bản pháp luật hết hiệu lực thi hành để ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; chi khoán công tác phí cho Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhưng không giải trình được căn cứ phải thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng là chưa đúng quy định; thực hiện công khai ngân sách chưa đầy đủ. Trường THCS Phan Bội Châu sử dụng tiền dạy thêm, học thêm chi mua điều hòa cho phòng Hiệu trưởng, phòng hội đồng, ổn áp lioa nhà hiệu bộ là chưa phù hợp theo quy định.
Một số khoản chi chưa đầy đủ thủ tục được nêu rõ như trường THCS Dân Chủ có một số chứng từ chi sửa chữa biên bản nghiệm thu, bàn giao không đầy đủ thành phần; chi mua hàng hóa dịch vụ có giá trị trên 200.000 đồng một lần không có hóa đơn; chi tiền % mua sách, vở học sinh cho bộ phận thu, chi chưa được qui định trong qui chế chi tiêu nội bộ; Trường THCS Nguyên Giáp, các khoản chi sửa chữa thành phần nghiệm thu chưa đầy đủ; Trường THCS Quang Trung, một số chứng từ chi sửa chữa thành phần nghiệm thu chưa đầy đủ, thiếu biên bản kiểm tra hiện trạng; thanh toán tiền công bảo vệ cao hơn quy chế chi tiêu nội bộ; Trường THCS Phan Bội Châu, các khoán chi từ nguồn thu tiền sách giáo khoa, vở học sinh, tiền đồng phục học sinh; tiền bán trú của học sinh không có hóa đơn theo quy định.
Nhiều hạn chế trong thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản
Về thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã tiến hành thanh tra 42 dự án, công trình với tổng giá trị xây lắp được thanh tra là hơn 208,1 tỷ đồng, trong đó, UBND huyện làm chủ đầu tư 8 công trình, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư 34 dự án, công trình.
Kết luận thanh tra nêu rõ, tại giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chưa xác định cụ thể nguồn vốn do vậy đến thời điểm thanh tra các xã, thị trấn còn nợ 53,8 tỷ đồng, chiếm 38% giá trị quyết toán; có công trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự kiến quy mô đầu tư chưa sát nhu cầu thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi quy mô.
Giai đoạn thực hiện đầu tư, chủ đầu tư không tổ chức việc giám sát công tác khảo sát xây dựng; chưa có văn bản thông báo chấp thuận nghiệm thu kết quả khảo sát xây dựng; chưa phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát; Chất lượng công tác lập nhiệm vụ thiết kế, lập thiết kế bản vẽ thi công của một số công trình còn hạn chế.
Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế không tổ chức lập thiết kế biện pháp thi công chi tiết đối với công tác đào, đắp đất (cát) theo điều kiện thi công phù hợp thực tế hiện trạng của công trình mà phân chia khối lượng thi công bằng cơ giới và thủ công theo tỷ lệ % là chưa phù hợp; Lập tổng mức đầu tư, tổng dự toán xây dựng công trình chưa tính chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là chưa đảm bảo theo quy định; Công tác lập dự toán các công trình còn tính sai tăng về khối lượng thiết kế, áp dụng định mức, đơn giá chưa phù hợp, nhưng chưa được phát hiện để điều chỉnh, giảm trừ khi phê duyệt giá gói thầu, nghiệm thu, quyết toán với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng; Thẩm tra, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán một số công trình còn hạn chế, chưa phát hiện được những sai sót trong thiết kế, lập dự toán…
Giai đoạn thi công, nghiệm thu, giám sát công trình xây dựng, cũng còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trong đó, có 14/42 công trình do UBND các xã, thị trấn làm chủ đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư là chưa đảm bảo quy định; Công tác giám sát thi công xây dựng còn chưa chặt chẽ, không có biên bản nghiệm thu biện pháp thi công của nhà thầu thi công xây dựng;
Công tác nghiệm thu, quyết toán khối lượng xây lắp hoàn thành giữa chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công xây dựng còn có sai sót. Cụ thể, nghiệm thu, quyết toán căn cứ theo khối lượng thiết kế, dự toán được phê duyệt nên không phát hiện được những sai sót do dự toán thiết kế tính sai tăng khối lượng và áp dụng đơn giá, định mức chưa phù hợp; nhà thầu thi công thiếu khối lượng, thi công chưa đúng vật liệu dẫn tới quyết toán tăng giá trị các công trình với tổng số tiền 3.141.272.979 đồng, gồm:
Nghiệm thu, quyết toán sai tăng giá trị công trình do chưa giảm trừ khối lượng dự toán thiết kế tính sai tăng và áp dụng đơn giá, định mức chưa phù hợp với số tiền 1.435.611.044 đồng; Nghiệm thu quyết toán sai tăng giá trị công trình do chưa giảm trừ khối lượng nhà thầu thi công thiếu khối lượng, thi công chưa đúng vật liệu với số tiền 1.705.661.935 đồng.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn quản lý dự án thực hiện việc quản lý khối lượng xây lắp, chi phí đầu tư xây dựng công trình còn hạn chế, chưa phát hiện và loại bỏ những sai sót trong công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, 14 công trình do UBND xã, thị trấn làm chủ đầu tư được đưa khai thác, sử dụng khi chưa đủ điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ (chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu).
Từ những sai phạm được chỉ ra, Thanh tra tỉnh Hải Dương kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ chỉ đạo UBND huyện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót trong công tác thu, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được nêu trong kết luận.
UBND các xã, thị trấn được thanh tra tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót được nêu trong Kết luận thanh tra. Tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những hạn chế, thiếu sót trong thu, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã được nêu.
Các trường THCS, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót được nêu; tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những hạn chế, thiếu sót trong thu, quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tiến độ dự án bất động sản hàng hiệu tại TP. Hồ Chí Minh
Hải Ninh