Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 -2026 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. So với chương trình cũ, nhiều môn được dạy tích hợp như Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học). Vì thế, đề thi sẽ mang một "diện mạo" mới theo đúng tinh thần của đổi mới.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các địa phương triển khai, quyết định phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển.
|
Học sinh Hà Nội thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. Ảnh tuoitrethudo.vn
|
Thời điểm này, số lượng môn thi của kỳ thi chưa được công bố. Tuy nhiên, nhằm giúp các nhà trường, học sinh chủ động chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa của 7 môn gồm: Toán, ngữ văn, tiếng Anh, tin học, khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, giáo dục công dân. Trong số 7 môn này, có 2 môn thi theo hình thức tự luận là toán và ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút/môn; 5 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/môn.
Điểm mới đáng lưu ý là ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn (cho 4 phương án, chọn 1 phương án đúng - dạng thức đã quen thuộc với học sinh), các môn thi trắc nghiệm ở kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có thêm dạng thức trắc nghiệm mới như trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu hỏi có 4 ý, học sinh chọn đúng hoặc sai ở từng ý); dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn (học sinh tô vào các ô tương ứng với đáp án của mình).
Thống kê và xác suất là hai nội dung mới của môn toán học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là nội dung có tính ứng dụng thực tế cao. Do đó, không bất ngờ khi đề thi môn toán vào lớp 10 công lập năm tới sẽ có dạng toán thống kê và xác suất.
Đề thi minh họa mà Sở GD&ĐT công bố cũng cho thấy có sự tăng cường các bài toán thực tế ở cả phần đại số. Điều này phản ánh đúng định hướng của chương trình giáo dục mới, tập trung nhiều hơn vào việc kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức và tư duy tổng hợp của học sinh. Cách ra đề mới cũng đòi hỏi thí sinh vừa phải nắm chắc kiến thức vừa phải chắc kỹ năng làm bài.
Và kể từ năm 2025, học sinh không còn "tủ" để ôn thi môn ngữ văn. Hiện tượng "đoán đề" sẽ chỉ còn là quá khứ vì ngữ liệu đề văn sẽ không được lấy từ sách giáo khoa nữa. Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kĩ năng đọc hiểu tốt.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, căn cứ cấu trúc định dạng đề thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, Sở đề nghị, các phòng GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của môn học và tổ chức cho học sinh tập dượt kỹ; khuyến khích các nhà trường xây dựng thư viện số về đề kiểm tra nhằm tăng cường sự trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.
Nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, đối với môn ngữ văn, trong quá trình kiểm tra, đánh giá, các nhà trường tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, trình UBND thành phố để công bố trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 1/10, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố cấu trúc và yêu cầu đánh giá của đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026. Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập vẫn sẽ giữ nguyên 03 môn thi bắt buộc tương tự các năm trước là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Trong đó, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn gồm 2 phần: Phần đọc hiểu văn bản văn học, viết đoạn văn và phần đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin, viết bài văn nghị luận xã hộ; cấu trúc đề thi môn toán gồm 7 bài, phần hình học và đo lường chiếm tỷ lệ 45%, số và đại số 40%, thống kê và xác suất 15% của đề thi; cấu trúc đề thi môn ngoại ngữ có 4 phần, dề thi định hướng đánh giá năng lực ngôn ngữ không chỉ dựa trên kiến thức thuộc lòng ngữ pháp và từ vựng của học sinh mà phải đánh giá được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, đặc biệt là các tình huống thực tế cuộc sống. Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng lưu ý, đề thi tiếng Anh sẽ có hai câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Câu hỏi này kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.