Đầu năm là thời điểm người dân khắp nơi đến chùa để cầu may mắn, bình an. Đây là lúc người dân thường phát lộc cho những người cho hoàn cảnh khó khăn. Nắm bắt phong tục này, nhiều người ăn xin đã tập trung đến để xin tiền. Ngoài ra, lợi dụng việc người dân lưu thông trên đường để du xuân nên tại các ngã ba, ngã tư tại nhiều tuyến đường thuộc TP.Biên Hòa, Đồng Nai cũng xuất hiện người ăn xin.
|
Người ăn xin cầu xin sự chia sẻ từ người đi lễ đầu năm bên bờ sông Đồng Nai. |
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, ngày đầu năm, người ăn xin lại xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt nhiều nhất ở cổng chùa và các ngã ba, ngã tư ở Đồng Nai. Do đầu năm mới, không muốn cả năm xui xẻo nên nhiều người rất hào phóng, sẵn sàng móc hầu bao để cho người ăn xin. Tuy nhiên, việc xuất hiện tình trạng ăn xin đã khiến nhiều người bức xúc vì bị làm phiền. Nhiều người cho rằng đó là hình ảnh không đẹp, làm mất vẻ đẹp ngày đầu năm.
|
Hình ảnh không đẹp ngày đầu năm tại khu vực ngã tư tại trung tâm TP.Biên Hòa. |
Và một điều đáng nói, khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện để "nói chuyện" thì những người ăn xin nhanh chóng vào vai người đi lễ để qua mặt cơ quan chức năng. Một số người ăn xin lại chọn cách rời vị trí để tránh mặt lực lượng chức năng.
Ghi nhận của PV cho thấy, tại khu vực lối ra vào của chùa Ông ở TP.Biên Hòa có đến 4 người ăn xin là 3 bà cụ và 1 người đàn ông. Người ngả nón xin tiền, người dùng bát và khi thấy người vào hoặc ra khỏi chùa họ nhanh chóng cầu xin sự hào phóng. Và mỗi một người đi chùa thường chìa ra phong bao đỏ chói hoặc 3-5 ngàn tiền lẻ cho người ăn xin.
Dù lê lết ăn xin, làm mất vẻ đẹp mỹ quan ngày đầu năm nhưng khi bị lực lượng chức năng mời đi thì họ sẵn sàng "trở mặt" nói rằng bản thân đi lễ chùa và không ăn xin.
Ngoài ra, khu vực bên sông Đồng Nai cũng xuất hiện người ăn xin những người đi phóng sinh cá, chim. Vì không muốn bị người ăn xin kỳ kèo xin xỏ đầu năm nên nhiều người đã tự nguyện cho tiền.
Bên cạnh đó, một số giao lộ như Nguyễn Ái Quốc - Trần Công An, lối vào khu văn miếu... thuộc TP.Biên Hòa cũng xuất hiện nhiều người phụ nữ, trẻ em ăn xin.
|
Người ăn xin tại khu vực chùa Ông đều là những cụ bà lớn tuổi. |
"Nhìn họ rất tội nên không thể không cho họ tiền được, nhưng tôi không thích hình ảnh này bởi nó nhìn rất nhếch nhác. Tôi mong con cái họ, hoặc cơ quan đoàn thể giúp những người này có chỗ ăn ở khỏi phải đi lang thang xin ăn rất tội nghiệp, nhất là trong những ngày tết", anh Nguyễn Hoàng Minh (ngụ TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Trong khi đó, chị Trần Thu Hương (ngụ huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cũng cho biết, chị rất hay thương người nên thấy những người ăn xin nhem nhuốc ngồi thu mình ở lối vào chùa là động lòng cho họ tiền. Tuy nhiên, chị Hương cũng nói, chị vẫn thích lối vào chùa thông thoáng sẽ đẹp hơn. "Không biết ở đâu mà tết họ xuất hiện nhiều đến như vậy, con cái, gia đình đâu. Chỉ mong không còn ai khổ và không còn cảnh vật vờ ăn xin như vậy nữa", chị Hương chia .
Liên quan đến vấn đề này, bà Lưu Kim Sáng, đại diện phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi năm vào dịp Tết nguyên đán, do biết trước được tình trạng ăn xin xuất hiện nhiều nên UBND TP.Biên Hòa đều ban ra rất nhiều văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng ăn xin gửi về các phường xã. Mục đích để các phường, xã phối hợp với ngành chức năng để xử lý tình trạng này, và đưa những người ăn xin vào trung tâm huấn nghệ cô nhi, đảm bảo cuộc sống của họ. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này rất khó khăn.
Dưới đây là một số hình ảnh về người ăn xin tập trung tại khu vực chùa Ông tại TP.Biên Hòa mà PV báo Người Đưa Tin ghi nhận được:
Theo Nguyễn Nhâm/Người đưa tin