Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo luật, cảnh sát cơ động được Nhà nước ưu tiên đầu tư trang bị hiện đại, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ cho các hoạt động của cảnh sát cơ động.
|
Kết quả biểu quyết thông qua Luật cảnh sát cơ động sáng 14/6 . |
Cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cảnh sát cơ động được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện một số nhiệm vụ khác và ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật khác, sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ "để chống khủng bố, giải cứu con tin" để rõ ràng hơn về phạm vi và mục đích vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân và thống nhất với nội dung của điều luật.
Về đề xuất bổ sung quyền nổ súng vào tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để thực hiện quyền "ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ" quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, cảnh sát cơ động có thể sử dụng các biện pháp, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại (phá sóng, chế áp điện tử…) mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Quy định tại khoản này không bao gồm việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.
Khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.
Thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân được quy định sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ thuộc cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ độc lập; người chỉ huy trực tiếp của cảnh sát cơ động tại hiện trường quyết định huy động người, phương tiện, thiết bị khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức.
Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Trường hợp người, phương tiện, thiết bị được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định.
Mai Loan