Thời điểm này, các địa phương đã có phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 ở tất cả các khâu, từ việc cho học sinh đăng ký tuyển sinh, thành lập hội đồng ra đề thi, hội đồng coi thi, chấm thi…nhằm tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, an toàn nhất.
Trong các khâu đó, khâu ra đề thi được xem là quan trọng đầu tiên bởi đề thi an toàn, đảm bảo được tính bí mật và hài hòa các đơn vị kiến thức sẽ góp phần làm cho kỳ thi thành công ở mỗi địa phương.
Song, việc ra đề thi như thế nào thì rất ít người được biết tường tận vì những cán bộ, giáo viên tham gia ra đề thi tuyển sinh 10 thường làm việc âm thầm, lặng lẽ trong khu vực cách ly, và nơi ấy được bảo vệ nghiêm ngặt nhiều vòng.
Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến chuyện ra đề thi tuyển sinh 10 để bạn đọc thấy được tính bảo mật, sự vất vả của những người trực tiếp làm công tác ra đề, phản biện, in sao…cho đến khi bàn giao đề thi đến các Hội đồng thi.
|
Thí sinh ở An Giang tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 (Ảnh minh họa: Báo An Giang) |
Giáo viên căng thẳng vào khu vực…cách ly
Khoảng trên dưới 1 tuần (tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi) trước khi diễn ra kỳ thi tuyển 10 thì những giáo viên được điều động tham gia ra đề, in sao đề thi sẽ tập trung tại Sở Giáo dục và Đào tạo.
Việc đầu tiên của các cán bộ an ninh là kiểm tra hành lí của giáo viên tham gia vào Hội đồng ra đề thi. Tất cả đồ đạc đều được kiểm tra chặt chẽ, giáo viên chỉ được mang theo bên mình những tư trang cá nhân cần thiết và một số quyển sách chuyên môn để phục vụ cho công tác ra đề mà thôi.
Những vật dụng như điện thoại, những thiết bị có thể quay phim, chụp hình, ghi âm… của giáo viên đều được công an thu giữ và niêm phong cẩn thận để giữ lại. Sau đó, giáo viên được đưa đến khu vực cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Những gương mặt của giáo viên tham gia ra đề có phần căng thẳng, nhất là những giáo viên tham gia lần đầu nhưng ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình đang là sự kì vọng, tin tưởng của lãnh đạo ngành, của đồng nghiệp về tính trung thực, khách quan của các đề thi.
Khu vực cách ly được bố trí trong một không gian riêng biệt, khép kín, khi cán bộ, giáo viên bước vào là mọi cánh cửa phòng đều được cán bộ an ninh khép lại. Cánh cửa ngăn cách khu vực cách ly luôn có một cán bộ an ninh ngồi bảo vệ ở bên ngoài. Giáo viên được đưa vào khu vực cách ly và gần như cách biệt với thế giới bên ngoài.
|
Đề thi tự luận (Ảnh minh họa trên website Cao đẳng Y tế thành phố Hồ Chí Minh). |
Vì thế, ai cũng hiểu sự vất vả, căng thẳng của mình trong gần chục ngày sắp tới có đáng là gì đâu so với sự lo âu, căng thẳng của hàng mấy chục nghìn thi sinh đang ôn tập, chuẩn bị bước vào kì thi với bao nhiêu kỳ vọng.
Thông thường, kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương đều có 3 môn bắt buộc, đó là: Toán, Văn, tiếng Anh, điều này cũng đồng nghĩa mỗi môn học phải ra 4 đề thi cả chính thức và dự bị. Hai đề cho đề thi đại trà và 2 đề cho học sinh khối chuyên.
Chính vì số lượng in sao lớn hàng mấy chục nghìn đề thi nên các giáo viên Toán, Văn, tiếng Anh phải vào đợt 1 và được cách ly một khu vực riêng biệt. Những chuyên viên, giáo viên ra đề các môn chuyên còn lại thì vào đợt 2 và tập trung tại khu vực riêng biệt khác.
Sự nghiêm ngặt, tách biệt với thế giới bên ngoài khiến cho những giáo viên lần đầu tham gia luôn thấy căng thẳng. Tuy nhiên, không ai có ý kiến gì bởi ai cũng biết được tính nghiêm ngặt của công việc mình đang thực hiện.
Một cửa chính duy nhất thông với hành lang luôn có sự túc trực của cán bộ an ninh. Các cửa sổ của tất cả các phòng làm việc, phòng nghỉ bằng kính đều được đóng, khóa lại cẩn thận và dán giấy mờ bên ngoài, đồng thời đều được niêm phong ở bên trong.
Ngay cả ô thoáng của nhà vệ sinh cũng được kéo sập xuống và niêm phong cẩn thận.
Không một vật gì có thể được đưa ra ngoài nếu không có sự đồng ý của cán bộ an ninh. Bởi vì chỉ một sơ suất là phải trả bằng những cái giá đắt nhất. Việc để lọt thông tin ra bên ngoài không chỉ đơn thuần là giáo viên và Hội đồng ra đề thi bị kỉ luật mà nó còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành, sự tốn kém cho địa phương của mình.
Nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mỗi thí sinh tham gia kì thi và niềm tin của cả một địa phương đối với ngành giáo dục.
Hàng ngày, trong những giờ phút nghỉ ngơi thì những cán bộ, giáo viên sống trong khu vực cách ly chỉ theo dõi tin tức qua ti vi hoặc vài tờ báo ngành, báo địa phương mà cán bộ an ninh đưa vào mỗi buổi sáng.
Những nỗi buồn, sự tù túng rồi cũng nhanh chóng trôi đi để nhường lại cho những ngày làm việc căng thẳng, đòi hỏi sự nghiêm túc, chính xác đến từng chi tiết trong việc ra đề, phản biện và in sao đề thi.
Công việc ra đề, phản biện và in, sao đề đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận nhất
Trước áp lực công việc và đòi hỏi sự khẩn trương, nghiêm túc theo một qui trình nhất định nên ngay ngày đầu tiên bước vào làm việc thì tổ trưởng ra đề của từng bộ môn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng người trong nhóm.
Tổ trưởng bắt đầu ra đề, hai tổ viên lo khâu chuẩn bị bao bì để gói đề thi, đồng thời tranh thủ kí và đóng dấu niêm phong 3 mặt của bao bì để chuẩn bị sẵn sàng khi có đề thi là cho vào để dán lại.
Khi ra đề, giáo viên phải dùng cây thước kẻ dò từng dòng, so với từng chữ, từng dấu phẩy của phần ngữ liệu. Sau khi dò về ngữ liệu thì giáo viên bắt đầu làm bài thử như một thí sinh trong phòng thi.
Việc mỗi cán bộ, giáo viên phản biện phải làm thử bài thi cũng diễn ra vô cùng nghiêm túc theo một qui trình định sẵn. Hai giáo viên phản biện phải làm bài độc lập ở khu vực khác nhau, không được sử dụng các tài liệu tham khảo và phải làm trong một thời gian qui định của từng bài thi.
Sau khi thực hiện xong bài thi thử, cả ba cán bộ, giáo viên ngồi lại với nhau để dò lại. Từ bài làm của giáo viên phản biện sẽ so với đáp án chính thức của đề thi xem có trùng khớp và sai sót gì không.
Công việc phản biện đề thi cũng trở nên sôi nổi và thậm chí có phần gay gắt khi giáo viên ra đề và giáo viên phản biện chưa có sự đồng nhất về một đơn vị kiến thức nào đó. Tất cả điều được thể hiện rõ qua từng biên bản phản biện của mỗi cá nhân và biên bản thống nhất của cả ba người trong tổ ra đề.
Sau khi giáo viên phản biện và giáo viên ra đề thống nhất với nhau về đề thi, đáp án thì mới in bản chính và chuẩn bị cho khâu duyệt đề thi. Đúng hẹn, Chủ tịch Hội đồng ra đề và in sao đề thi đến duyệt đề thi.
Trong quá trình duyệt đề thi luôn có một cán bộ an ninh ngồi phía sau để theo dõi từng chi tiết, cử động của cả người ra đề và người duyệt đề. Khi duyệt đề xong, Chủ tịch Hội đồng sẽ trả lại đề cho bộ phận ra đề để những người này trở lại khu vực cách ly thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trở về từ phòng duyệt đề, tổ ra đề bắt tay vào công việc in và sao đề. Một người ngồi in sao, một người ngồi kiểm tra và ghim lại từng tệp. Và căn cứ theo số lượng phòng thi của từng Hội đồng thi để đóng gói. Mỗi người một việc, họ âm thầm thực hiện một cách tỉ mẩn và chính xác.
Sau khi cho toàn bộ bài thi vào các phong bì và dán lại xong xuôi thì các giáo viên bắt đầu đóng dấu niêm phong góc cuối cùng. Khi đóng dấu niêm phong hoàn thiện là các giáo viên trong tổ phải sắp xếp theo thứ tự để ngày bàn giao đề thi được thuận lợi cho việc vận chuyển.
Khi in sao đề chính thức xong là giáo viên ra đề quay sang làm và phản biện đề thi dự bị. Qui trình vẫn được thực hiện như đề thi chính thức. Chỉ khác là đề dự bị chỉ in 01 bản cho mỗi Hội đồng thi rồi bỏ vào bao bì và niêm phong lại.
Xong đề dự bị lại tiếp tục quay sang đề thi cho khối chuyên. Vì tính chất đề khối chuyên phải khó hơn và có cấu trúc đề khác với đề đại trà nên những người ra đề càng phải thận trọng hơn. Sau khi làm xong mọi thủ tục của việc ra đề là đến khâu Chủ tịch Hội đồng duyệt đề thi.
Rồi, lại tiếp tục in sao đề theo số lượng thí sinh đã được phòng Khảo thí chuẩn bị sẵn. Khi mọi công việc in sao hoàn tất cũng là lúc tổ ra đề như trút được gánh nặng, nhẹ nhàng chờ ngày bàn giao đề cho Hội đồng và chờ đợi thí sinh thi.
Khi môn thi của mình ra đề kết thúc, những bản tin thời sự được cập nhật, phản ánh, nếu như thí sinh và giáo viên đều nhận xét là đề phù hợp thì lúc đó những người ra đề mới có thể yên tâm ngồi đợi đến hết môn thi cuối cùng của kỳ thi để được ra ngoài khu vực cách ly và trở về nhà.
Theo Lê Minh/ GDVN