Ngày 8/7, TAND TP Hà Nội tuyên án Vũ Thị Liễu (SN 1990) 15 tháng tù, Phạm Thiên Thuấn (SN 1987, ở Hải Dương, chồng Liễu) 15 tháng tù, và Hoàng Huy Quang (SN 1976, ở Hoàng Mai) 2 năm tù về tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Các bị cáo Quang, Thuấn, Liễu được xác định là nhóm cầu đầu đường dây tổ chức mang thai hộ, đẻ thuê với giá 500 triệu đồng. Để thực hiện được hành vi, nhóm đối tượng trả tiền cho các cô gái trẻ mang thai hộ, sau đó đẻ thuê cho những trường hợp hiếm muộn, muốn có con. Mỗi ca đẻ thuê, các cô gái nhận được khoảng 18 triệu đồng.
Dư luận đặt câu hỏi, với việc nhận tiền để mang thai hộ, đẻ thuê như vậy thì các cô gái này có vi phạm pháp luật? có bị xử lý hình sự sau khi đã sinh nở?
|
Các bị cáo tại tòa |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, có thể nói rằng trong xã hội ngày nay có rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, rất nhiều người đi chữa chạy nhiều nơi, nhiều năm nhưng không thể sinh con hoặc rất khó khăn trong việc sinh con.
Bởi vậy nhu cầu nhờ người khác mang thai hộ trong xã hội rất lớn. Bên cạnh đó, rất nhiều cô gái trẻ, nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin hoặc vì hoàn cảnh khó khăn mà chấp nhận mang thai hộ để được có một khoản tiền giải quyết khó khăn trong đời sống. Chính vì nhu cầu và điều kiện xã hội như vậy nên các đối tượng dễ dàng tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại để thu lợi bất chính.
Pháp luật Việt Nam cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
Cụ thể, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con...
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được pháp luật cho phép và quy định rất cụ thể về điều kiện chủ thể, đối tượng, trình tự thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên và lường trước các tranh chấp khiếu kiện có thể xảy ra để có hình thức xử lý đảm bảo quyền lợi của các bên, đảm bảo ổn định xã hội và quyền lợi của trẻ em trên cơ sở pháp luật.
Hành vi mang thai hộ hoặc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ 1/1 2018 và vụ án đầu tiên được xử lý năm 2019) xác định đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị xử lý bằng các chế tài hình sự.
Do vậy, với tội danh này thì đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự là đối tượng tổ chức mang thai hộ, còn người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà có thể bị xử phạt hành chính.
Bản thân họ có thể cũng được xác định là nạn nhân trong vụ việc này bởi họ có thể bị tổn hại về sức khỏe, tinh thần, bị lạm dụng, bóc lột về sức khỏe, tài sản.
Theo cáo trạng, Quang vốn không nghề nghiệp, gặp Liễu vào khoảng đầu năm 2019 khi chị ta cũng không việc làm, phải bán trứng (noãn) cho bệnh viện để kiếm tiền.
Thấy nhiều người muốn có con nhưng không sinh đẻ tự nhiên, Quang rủ Liễu lập đường dây mang thai hộ, nhằm thu lời bất chính.
Rủ thêm chồng là Thuấn tham gia, Liễu thống nhất sẽ chịu trách nhiệm tìm người mang thai hộ, mỗi trường hợp nhận mang thai hộ sẽ được Quang trả 290- 310 triệu đồng. Ngoài ra, toàn bộ chi phí tiền khám, xét nghiệm, cấy phôi do Quang chi trả...
Cáo buộc VKS cho rằng, từ 4/2019- 8/2019, các bị cáo đã tổ chức 5 vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tổng số tiền Quang được hưởng lợi là hơn 1,2 tỷ đồng. Vợ chồng Liễu, Thuấn hưởng lợi hơn 189 triệu đồng.
>>> Xem thêm video: Mang thai hộ và những góc khuất
Vi Di