Ngày 12/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã thẩm vấn nhóm bị cáo về hành vi nhận hối lộ.
Cựu Trợ lý Phó Thủ tướng khai không đưa tiền cho ai khác
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ) cho biết, trước khi bị khởi tố, nhiệm vụ của bị cáo là giúp việc cho Phó Thủ tướng thường trực. Bị cáo có vai trò rà soát thủ tục, đề xuất của các đơn vị của Văn phòng Chính phủ xem nội dung đó có phù hợp với văn bản kèm theo hay không.
"Bị cáo không có thẩm quyền ngăn chặn bác bỏ, nhưng có quyền báo cáo Phó Thủ tướng văn bản đúng hay sai. Theo quy trình, khi nhận các tổ chức xin cấp phép sẽ qua văn thư rồi qua Vụ Quan hệ quốc tế. Sau đó, Vụ này thẩm định, tham mưu đề xuất lên lãnh đạo Văn phòng Chính phủ bút phê rồi mới trình lên Phó Thủ tướng phê duyệt", bị cáo Linh khai.
|
Bị cáo Nguyễn Quang Linh
|
Theo lời khai của Linh, thông qua ông Vũ Ngọc Quyền, phó vụ trưởng Vụ Thư ký - biên tập, giới thiệu bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) đến gặp bị cáo Linh xin cấp phép chuyến bay. Tuy nhiên, thời điểm đó, bị cáo Linh chỉ giúp đỡ hướng dẫn hồ sơ sao cho hợp lệ.
Đối với Công ty Cổ phần dịch vụ Lữ hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt), bị cáo Linh khai đã tư vấn về thủ tục và cũng giới thiệu Hoàng Anh Kiếm với Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế, để giải quyết công việc. Sau khi giúp đỡ, bị cáo Linh đã nhận 180.000 USD từ Hoàng Anh Kiếm và nhận 100 triệu đồng từ Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế.
Trả lời HĐXX về việc sau khi nhận tiền, bị cáo có đưa cho ai, bị cáo Linh nói: "Bản thân bị cáo luôn làm việc đúng thời gian quy định, đảm bảo sớm nhất có thể, không để xảy ra sai sót gì. Sau khi nhận tiền, bị cáo không đưa tiền cho bất kỳ ai".
Bị cáo Nguyễn Quang Linh cho biết, bản thân nhận thức việc doanh nghiệp đưa tiền là "cảm ơn". Sau khi bị điều tra, bị cáo đã động viên gia đình nộp lại 4,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng: “Chỉ nhận thức đó là quà doanh nghiệp cảm ơn”
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai trước tòa, được phân công thay mặt Bộ Ngoại giao tham gia thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, phụ trách chỉ đạo Cục Lãnh sự liên quan đến vấn đề bảo hộ và hỗ trợ đưa công dân về nước.
Quy trình tiếp nhận hồ sơ cấp phép các chuyến bay, chủ yếu phân công cho Cục Lãnh sự, từ tiếp nhận hồ sơ, đơn của doanh nghiệp cho đến nắm bắt nhu cầu từ nước ngoài, khả năng đáp ứng cách ly trong nước. Sau đó, Cục Lãnh sự trình để ông Dũng xem xét chủ trương phối hợp với 5 bộ xây dựng kế hoạch.
Bị cáo Dũng thừa nhận có tiếp xúc với 13 đại diện doanh nghiệp như cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Ngoại giao cho rằng bản thân không chủ động mà chủ yếu các doanh nghiệp thông qua mối quan hệ và có nhu cầu tham gia liên hệ với mình.
“Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia và bị cáo "nể nang", muốn nghe xem doanh nghiệp có khó khăn vướng mắc gì không. Trong quá trình giải quyết, bị cáo cũng cũng chỉ hỏi thăm năng lực của doanh nghiệp và hướng dẫn với họ phối hợp với Cục Lãnh sự làm tốt hơn chứ không ra điều kiện hay yêu cầu gì", ông Dũng nói.
|
Bị cáo Tô Anh Dũng và bị cáo Vũ Hồng Nam tại tòa. |
Theo lời khai của ông Dũng, trong số 13 doanh nghiệp bị cáo tiếp xúc cũng đã có 7 doanh nghiệp tham gia và được Văn phòng Chính phủ phê duyệt. Các doanh nghiệp xin cấp phép phê duyệt chuyến bay sau khi được tham gia, tổ chức xong các chuyến bay đã chủ động liên hệ để gửi quà cảm ơn. "Bị cáo không chủ động, không yêu cầu và cũng không có mưu đồ gì"- bị cáo Dũng trình bày.
Về số tiền nhận hối lộ, bị cáo Dũng thừa nhận đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng như cáo trạng quy kết.
Trong đó, nhiều lần nhận của bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, tổng số tiền 8,5 tỷ đồng; nhận của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky 5 tỷ đồng; nhận của bà Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH MTV ATA Việt Nam 115.000 USD; nhận của bà Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife khoảng 30.000 USD; nhận của ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh 40.000 USD… và một số công ty khác mà bị cáo không nhớ rõ.
Về hành vi nhận tiền hối lộ của mình, bị cáo Dũng nói: "Xin lỗi hội đồng xét xử thời điểm đó, bị cáo không nhận thức được hành vi đã vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi bị cơ quan chức năng khởi tố, bị cáo đã nhận thức hành vi của mình là trái với pháp luật. Bị cáo không dám làm sai với chủ trương, chính sách. Khi gặp bị cáo cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bị cáo cũng muốn nghe xem họ có khó khăn gì không. Khi doanh nghiệp họ đến cảm ơn cũng nghĩ vì đã tạo điều kiện, bị cáo rất ăn năn hối lỗi khi làm việc với cơ quan điều tra".
Đến nay, bị cáo Dũng đã nộp khắc phục khoảng 17 tỷ đồng. Bị cáo đã bàn với luật sư cố gắng cùng với gia đình nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ "do nhận thức trước đây không rõ, trót vi phạm, rất ăn năn hối lỗi".
Cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị cáo Vũ Hồng Nam khai, quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều doanh nghiệp liên hệ, nhưng bị cáo đều từ chối, chỉ đồng ý duy nhất Công ty Nhật Minh của ông Lê Văn Nghĩa. Do tình hình nguy cấp nên bị cáo chấp nhận đề nghị hợp tác đưa công dân về Khánh Hòa cách ly. Ngoài ra, thời điểm đó, duy nhất có khách sạn của ông Nghĩa mở cửa, nơi đây cũng được UBND tỉnh phê duyệt làm nơi cách ly.
Theo bị cáo Nam, ông Lê Văn Nghĩa đã 2 lần đưa quà biếu cho bị cáo. Về nhà khi mở gói quà ra mới biết bên trong là tiền, lần một 450 triệu và 10.000 USD, lần hai là 50.000 USD.
"Khi mở quà ra biết là tiền bị cáo hơi hoảng. Bị cáo liên hệ trả lại nhưng Nghĩa từ chối. Bị cáo đã sai lầm khi không kiên quyết trả lại tiền, điều này đã khiến bản thân vào vòng lao lý. Đến nay bị cáo rất ân hận", bị cáo Nam khai và cho hay hiện đã nộp lại toàn bộ khoản tiền này.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
Tâm Đức