Lời tòa soạn: Như đã nói ở kỳ trước, TAND quận Cầu Giấy đã xử cho bà Nguyễn Thị Mùi thắng kiện, yêu cầu Báo Gia đình Việt Nam phải xin lỗi bà Mùi, xin lỗi vong hồn người chết (tức tử tù Bùi Đức Lợi), chủ yếu bởi tấm ảnh chân dung bà Mùi đăng lên báo. Mặc dù, bà Mùi mời phóng viên đến nhà, cung cấp tài liệu, cho phép chụp ảnh, nhưng bà lại kiện phóng viên chụp trộm, và yêu cầu đền bù thiệt hại sức khỏe, tinh thần và thiệt hại kinh tế lên tới 300 triệu đồng.
Điều gì khiến bà Nguyễn Thị Mùi hăng hái kiện suốt nhiều năm trời? Nhóm phóng viên biết rằng, đứng sau bà Mùi là một kẻ mù quáng chống đối chính quyền. Người này là cán bộ về hưu, từng có chức vụ ở Bộ VHTT&DL, nhưng bất mãn với chính quyền và chỉ thích kiện cáo.
Người này có nhiều vụ kiện liên quan đến Công an Quảng Ninh, nên khi có thông tin bà Nguyễn Thị Mùi kiện công an Quảng Ninh tội giết con bà bán nội tạng (qua việc bà “gọi hồn” con trai bà, tức tử tù Bùi Đức Lợi lên “nói chuyện” thông qua cô đồng Sinh), thì ông ta đã gặp bà Bùi và đạo diễn toàn bộ vụ kiện cáo nhảm nhí.
Theo lời ông Hồ Minh Chiến, TBT báo Gia đình Việt Nam, năm 2013, khi báo Gia đình Việt Nam đăng loạt bài về tử tù Bùi Đức Lợi, người này đã đến tòa soạn gặp ông, nhờ đăng bài tố cáo Công an Quảng Ninh trong nhiều vụ việc, trong đó có vụ “giết người bán nội tạng”. Tuy nhiên, nhận thấy người này có dấu hiệu thần kinh không bình thường, cung cấp tài liệu toàn “vong hồn” nhảm nhí kể chuyện thông qua cô đồng, các chứng cứ hoàn toàn suy diễn, nên ông Chiến không chấp nhận yêu cầu. Ngay lập tức, ông ta kích động bà Mùi kiện báo cùng lãnh đạo và đứng sau đạo diễn toàn bộ vụ việc.
Khi đang xúi giục kiện Báo, thì ông này bị công an bắt, khởi tố tội “chống phá nhà nước”. Khi ông này đi tù, thì bà Mùi cũng “mất tích”, không theo kiện nữa. Tuy nhiên, 2 năm sau, khi ông ta ra tù, thì lại tiếp tục kiện.
Lúc đầu, TAND quận Cầu Giấy bác đơn kiện của bà Mùi, vì kiện cáo thiếu cơ sở, tuy nhiên, khi bà Mùi kiện cả TAND Cầu Giấy đến TAND Hà Nội, thì TAND Cầu Giấy phải xử lại, và đã xử bà Mùi thắng kiện.
Tòa soạn tiếp tục thông tin chi tiết vụ án, mà nhóm phóng viên VTC News cùng Gia đình Việt Nam đã điều tra, đăng tải, để bạn đọc hiểu thêm bản chất vụ việc.
Kỳ 2: “Vong hồn” tử tù và những chuyện nhảm nhí thông qua mồm cô đồng
“Nhập hồn” nhảm nhí
Như đã nói ở kỳ trước, bà Nguyễn Thị Mùi (thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh) liên tiếp được người con là tử tù báo mộng, nên bà mang niềm tin con bà bị chết oan. Ngoài việc đi tìm chứng cứ, biện hộ cho con, bà tìm đến nhà ngoại cảm để “gọi hồn” con trai lên nói chuyện. Có người hướng dẫn bà đến gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Sinh, thường gọi là cô đồng Sinh ở Hải Dương.
Chuyến xe khách đưa 3 người phụ nữ, gồm bà Mùi và hai người em, đến thôn Ngọc Cục (xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương). Ngay hôm đầu gặp cô đồng Sinh, “linh hồn” con trai bà, tức Bùi Đức Lợi đã “nhập” vào cô đồng này kêu bị giết và bị công an Quảng Ninh bán nội tạng sang Trung Quốc. Mặc dù cuộc gọi hồn diễn ra chóng vánh, nhưng niềm tin con mình bị oan trong lòng bà Mùi lớn thêm.
Ngoài “linh hồn” tử tù Bùi Đức Lợi nhập về, thì “linh hồn” bà nội của Bùi Đức Lợi cũng “nhập” vào cô đồng Sinh. Thời điểm đó, bà cụ mới mất được 73 ngày. Khi sống, bà già yếu, không biết gì về vụ án của Bùi Đức Lợi, nhưng khi chết, bà lại “kể” rành mạch những “oan khuất” của Lợi. Những điều bà kể cũng có nội dung y hệt “linh hồn” Bùi Đức Lợi thông qua cô đồng Sinh kể với mọi người. Rồi tiếp tục đến em trai bà Mùi, chết hồi 6 tuổi, cũng “nhập” vào cô đồng Sinh và nói những điều tương tự, về chuyện “oan khuất” của tử tù Bùi Đức Lợi.
|
Cảnh tử tù Bùi Đức Lợi "nhập vong" vào cô đồng Sinh kêu oan nhảm nhí. |
Sau ngày “gọi hồn” con trai và những người thân đã mất, bà Mùi càng củng cố quyết tâm… theo kiện. Bà lên Hà Nội gửi đơn thư khắp nơi. Một lần, ăn ngủ vật vờ ở nơi tiếp dân, bà gặp một người phụ nữ ở Lào Cai, là chỗ quen nhau vì cùng cảnh đi kiện cáo. Chị này là nhân vật trong một vụ án oan sai, sắp được bồi thường. Chị hẹn mọi người tụ tập buổi trưa để chị khao. Đang kể chuyện của mình, chị phụ nữ này bỗng quay sang phía bà Mùi bảo: “20 âm lịch này có hội ngoại cảm tâm linh họp ở…”. Bà Mùi sực “hiểu” rằng, con trai bà vừa “nhập” vào cô kia để thông báo một việc quan trọng, chính vì thế, cô này vừa nói khỏi miệng nhưng quên ngay.
Tin rằng “con trai mượn xác” cái cô ở Lào Cai nói, nên mấy ngày bà Mùi không ngủ được, cứ bồn chồn đợi đến ngày 20 âm lịch. Từ tối hôm trước bà đã lên Hà Nội, rồi sáng sớm tìm đến hội trường diễn ra hội nghị tâm linh. Mọi người đến đó phải có giấy mời, riêng bà thì không có. Chẳng biết có vào được không nhưng bà cứ tìm đến.
Đến cổng, gặp anh bảo vệ, bà hỏi đã diễn ra hội nghị chưa, ông bảo vệ bảo diễn ra rồi. Anh bảo vệ không kiểm tra giấy tờ gì cả, mời bà vào luôn. Bà ngồi hàng ghế cuối, nghe hết ông nọ đến ông kia lên phát biểu, mà chẳng hiểu họ nói gì. Lúc sau, hỏi người ngồi bên cạnh, mới biết đây là đại hội của một công ty tàu biển.
Biết mình vào nhầm, nên bà bỏ ra. Bà hỏi bảo vệ là ở đây có mấy hội trường, anh ta bảo chỉ có một. Bà hỏi hội nghị tâm linh ngoại cảm diễn ra ở đâu, thì anh này à lên, cười ngặt nghẽo, bảo đó là hội nghị tổng kết của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người. Anh ta bảo bà cứ ra ghế ngồi đợi, khi hội nghị của công ty đóng tàu xong, đến 8h30 thì mới đến hội nghị của trung tâm nghiên cứu ngoại cảm.
Đến giờ ấy thì hội nghị tàu biển kết thúc, và những người ở tâm linh ngoại cảm kéo đến. Có mấy người kiểm tra giấy mời từng người mới cho vào. Anh bảo vệ lúc nãy gọi bà, bảo đã đến hội nghị tâm linh, mời bà vào. Bữa ấy, bà Mùi nhét đầy đơn thư trong người. Bà lấy dây buộc vòng quanh người, rồi khoác áo rét che kín. Bà sợ mang đơn thư khiếu kiện người ta đuổi, nên phải giấu kỹ. Mục đích hàng đầu của bà khi đó chỉ là tìm đến đây xem có ông nào to không để gửi đơn kêu oan cho con. Bà ngồi cạnh một cô là phóng viên báo Hà Nội Mới. Bà hỏi có ông nào làm to không, cô ấy nhìn một lượt và bảo không thấy có ông to nào.
Mọi người ổn định chỗ ngồi, thì hội nghị tâm linh diễn ra. Ông Chu Phác, rồi các ông giáo sư, tiến sĩ, các nhà ngoại cảm lần lượt đứng lên phát biểu. Những gia đình tìm được mộ liệt sĩ cũng lên đọc lời cảm ơn nhanh gọn. Bà Mùi đang say sưa nghe, thì bỗng có một người phụ nữ đi vào hội nghị kêu lớn: “Có bác nào tên là Mùi ở Vân Đồn không hả? Nếu có thì xin mời đứng lên, ra ngoài sân gặp đứa cháu”. Bà Mùi nghe thấy vậy thì đứng lên bảo: “Có tôi đây, tôi lên là Mùi, đúng là ở Vân Đồn”. Bà đứng lên, thì một người đến nơi, dắt bà ra ngoài sân.
Hóa ra là cô đồng Sinh, đang ngồi khật khừ ở ngoài sân. Có đến mấy chục người vây quanh cô Sinh. Lúc đó, “vong hồn” nhập vào cô đồng Sinh không phải Bùi Đức Lợi con bà, mà lại là cháu Lâm, con trai của bà Duân, là nạn nhân trong một vụ giết người do Bùi Đức Lợi gây ra. (Trong bản án, thì chính Bùi Đức Lợi, con trai bà Mùi, là kẻ giết chết cháu Lâm, cùng chị gái tên Mai - PV).
Cô đồng Sinh nói giọng như trẻ con. Linh hồn cháu Lâm bảo rằng không phải anh Lợi giết cháu, mà là ông L., là tình nhân của mẹ cháu hãm hại. Chính vì sợ lộ chuyện mẹ ngoại tình, nên ông L. mới giết cả 2 chị em để bịt đầu mối. Linh hồn cháu Lâm còn bảo dắt cả Lợi về, và Lợi đang đứng cạnh nhưng bị mù, không nhìn thấy gì cả.
Khi đó, bà Mùi và mọi người xung quanh cùng xúm vào hỏi rằng, sao Lợi không giết cháu mà người ta lại bắt Lợi? “Linh hồn cháu Lâm” bảo cháu đã cố gắng nhập vào ông L. để bắt ông ấy tự thú, nhưng ông này là dạng đầu gấu, buôn bán ma túy, nên không nhập vào được.
Khi mọi người đang xúm vào hỏi han, thì ông Chu Phác (Thiếu tướng Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý – Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người - PV) đi ra. Trò chuyện một lát, thì cháu Lâm ra khỏi nhà ngoại cảm Sinh. Đúng lúc đó, thì “vong” Lợi “về”. Ông Chu Phác dỗ dành bảo: “Cháu muốn gì?”. “Vong” Lợi bảo: “Cháu muốn được minh oan cho cháu”. “Vong” Lợi kể lại mọi chuyện như những lần nhập hồn trước. Ông Chu Phác bảo: “Cứ đi đi, có gì rồi lo sau”. Nhưng “vong” Lợi không chịu đi, mà bảo: “Cháu không tin người trần đâu, toàn hứa rồi để đó. Ông phải hứa thì cháu mới đi. Cháu đến nhà ông mấy lần rồi đấy”. Khi đó, ông Chu Phác không hứa gì, mà chỉ bảo: “Thôi đi đi, ông mệt lắm rồi, để cho ông nghỉ chứ”. Tuy nhiên, “vong” Lợi nhất định không đi, cứ đòi ông Chu Phác hứa.
Khi đó, hội nghị đang diễn ra, hàng ngàn người có mặt. Mọi người đã bỏ hết hội trường ra ngoài sân xem “vong” Lợi nhập vào cô đồng Sinh. Ông Chu Phác bảo Lợi đi mãi không được, nên một bà chạy đến. Bà này cầm đèn pin, vạch mắt cô đồng Sinh, rọi thẳng đèn vào mắt, dùng tay đập mấy cái vào đầu, thế là “vong thăng”.
Sau lần ấy, bà Mùi liên tục đến nhà cô đồng Sinh. “Vong” Lợi, “vong” Lâm (nạn nhân bị Lợi giết) thay nhau nhập vào cô đồng Sinh kêu oan.
Giải mã trò ma
Để hiểu về hiện tượng lạ lùng “hồn ma tử tù” nhập vào nhà ngoại cảm lên tiếng kêu oan, tôi đã mang những video, ghi âm về chuyện này đến gặp các nhà khoa học thần kinh. Xem xét tất cả các video “vong hồn” nhập vào bà Sinh, thì đây là hiện tượng lên đồng, là hiện tượng ám thị, là trò lừa đảo nhảm nhí của những kẻ thần kinh không bình thường.
Theo luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Everest, trong quá trình các cơ quan điều tra, tố tụng xử án, có một số tình tiết chưa rõ ràng, chưa hoàn toàn chính xác, bị đem ra suy diễn… khiến bà Mùi có niềm tin con mình vô tội. Bà Mùi cứ tin vào những dấu hiệu nhỏ đó, mà vô tình hoặc cố ý bỏ qua những chi tiết quan trọng nhất, khái quát nhất, khiến bà bị lạc hướng.
Đặc biệt, khi đào mộ con, thấy một mẩu xương cánh tay bị gãy, bà lập tức nghi ngờ con mình bị sát hại, thủ tiêu… Rồi có thể những lời đồn bà Duân (nạn nhân bị Lợi giết hụt) có quan hệ với ai đó ngoài chồng, khiến bà, hoặc ai đó nảy sinh nghi ngờ tình địch sát hại hai đứa con của bà Duân, chứ không phải con của bà.
Tất cả những chi tiết đó được bà tổng hợp lại, nhào nặn lại và nó in đậm trong suy nghĩ của bà Mùi, khiến bà càng có đức tin lớn là con mình vô tội, bị chết oan. Bằng một cách nào đó, những thông tin này đến tai nhà ngoại cảm là bà Sinh, có thể qua bà Mùi kể, có thể người khác kể, hoặc chỉ là câu chuyện vu vơ, hoặc thông tin cứ tiết lộ dần dần qua những lần gọi hồn. Khi gọi hồn, cô đồng Sinh chỉ cần nghĩ đến nạn nhân là cháu Lâm, mong muốn cháu Lâm “về” và cùng mang suy nghĩ Phạm Đức Lợi bị oan như suy nghĩ của bà Mùi, thì lập tức “cháu Lâm” sẽ nói “anh Lợi bị oan”.
Những thông tin oan sai mà “cháu Lâm” đưa ra cũng rất ít ỏi và đơn giản như suy nghĩ của bà Mùi. Đó thực ra chỉ là những thông tin ám thị mà bà Mùi hoặc những người xung quanh đưa vào bộ não của cô đồng Sinh.
Khi cô đồng Sinh nghĩ đến Bùi Đức Lợi, bà nội của Lợi, hay người em mất khi 6 tuổi của bà Mùi, thì cô đồng Sinh cũng chỉ nói được vài thông tin như suy nghĩ của bà Mùi mà thôi, không có thông tin gì mang tính đột phá.
Theo một số chuyên gia tâm linh, nếu linh hồn Bùi Đức Lợi và cháu Lâm là có thật, thì sẽ dễ dàng dẫn mọi người đi tìm con dao giết chết chị Duân, chém chết cháu Lâm, cháu Mai. Hoặc nếu có đồng phạm trong vụ giết ông Hùng ở TP. Hạ Long trong vụ giết người cướp của như lời khai của Lợi, thì “linh hồn” của Lợi, cháu Lâm và những người khác sẽ dễ dàng tìm ra chúng, chỉ cho mọi người đi tìm chúng…
TS. Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA tuy đặt ra một số nghi vấn, song cũng bác bỏ chuyện “hồn ma tử tù” kêu oan như trong những video mà ông được xem tràn lan trên mạng. Ông Khanh cho biết: “Bà Nguyễn Thị Sinh ở Hải Dương chỉ là một cô đồng bình thường, không thể được coi là nhà ngoại cảm. Việc cô đồng Sinh gọi hồn lung tung bừa bãi, phán này nọ là đáng lên án. Hành động đó làm rối loạn thêm cho vụ án đã khép lại, và đặc biệt là gây hoang mang, hiểu lầm thêm cho gia đình nạn nhân, gia đình tử tội. Qua xem xét những ghi âm, ghi hình, tôi bác bỏ tính chính xác của việc tử tù kêu oan. Tôi khẳng định đây là hiện tượng ma giả ma, hoặc người giả ma. Cứ cho đó là linh hồn thật của tử tù, thì cũng không có nghĩa tử tù này bị xử oan. Bản thân Liên hiệp UIA cũng nghiên cứu, thực nghiệm nhiều vụ kiểu này. Ngay ở Quảng Ninh cũng từng có một vụ tử tù nhập vào nhà ngoại cảm, rồi nhập cả vào người nhà kêu oan. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, thì chúng tôi nhận thấy cơ quan công quyền xử đúng người, đúng tội, không oan sai gì cả”.
Theo Nhóm PV/VTC News