Nhạc giang hồ làm điên đảo dân giang hồ
Một tay giang hồ thứ thiệt cảm hứng chia sẻ trên blog của mình: Băng nhạc này, ca sĩ hát trên nền nhạc guitar mộc mạc dưới dạng liên khúc, chất giọng miền Tây Nam Bộ, hơi ngọng, lời các bài hát được ca sĩ chế từ những bản nhạc vàng nổi tiếng một thời, kể về cuộc sống tiền, tình, tù tội. Theo lời kể của một số giang hồ mạng, băng nhạc có tên là “Giang hồ quận Tư”, kể về cuộc đời của các anh chị trưởng thành từ cái nôi của giang hồ Sài Gòn, nhưng mình thấy người ta vẫn thường gọi nó bằng một cái tên khác, thân thiện hơn, đúng với bản chất của nó hơn - nhạc giang hồ.
|
Tùng “chùa” - ông vua nhạc giang hồ trên mạng xã hội. |
Mãi đến sau này, tìm hiểu trên mạng mới biết, ca sĩ hát nhạc chế trong tù năm xưa chính là Lê Thanh, tên thật là Lê Thanh Tùng, biệt hiệu là Tùng “chùa”, nhiều người gọi nhạc chế trong tù là nhạc Lê Thanh. Nhưng có người lại bảo ca sĩ là Cường “nhí”. Vậy Cường “nhí” là ai, Lê Thanh là ai? Lê Thanh và Cường “nhí” có phải là một người không? Google trên mạng vẫn chưa có một thông tin thực sự chính xác.
Cường “nhí” sinh năm 1968, quê ở Đà Nẵng, đi bụi đời từ năm 20 tuổi, sở thích là uống rượu, hút thuốc, hát nhạc đường phố, chuyên môn chính là buôn ma túy, cướp giật, chém mướn, đâm thuê. Năm 1996, định cư ở Sài Gòn, 1998 bị xích, rồi giam ở Chí Hòa vì tội hát nhạc chế mất thuần phong mỹ tục, 2002 ra tù vẫn tiếp tục hát, tiếp tục gây án, 2005 lại bị bắt, kết hợp với tội trạng năm xưa nên bị kết án tử hình.
Còn Lê Thanh năm nay khoảng tầm 50 tuổi, hiện vẫn sống ở Sài Gòn, vẫn uống rượu, chế nhạc và đàn hát ở những quán khuya. Vừa rồi trên mạng có một clip dài 40 phút, được giật tít là “Huyền thoại nhạc chế trong tù 2013”, một lão đại ôm đàn guitar hát nhạc chế giao lưu với các thanh niên, mà như nhận định của tôi thì chất giọng ấy, tiếng đàn ấy chính là người hát nhạc chế trong tù những năm cuối thập niên 90. Nghe đâu người Việt ở hải ngoại cũng mê mẩn Lê Thanh.
Vậy Lê Thanh (Tùng “chùa”) với Cường “nhí” có phải là một không? Anh bạn Lê Thanh này là ai, bị kết án gì, hay chỉ là một công dân mẫu mực đi hát nhạc chế trong tù?
Thật ra Tùng “chùa” là nhân vật có thật, rất nổi tiếng trên YouTube. Tùng “chùa” tên thật là Lê Thanh Tùng, sinh năm 1974, thường xuất hiện trên các đường phố Sài Gòn với cây đàn guitar cổ điển, hát góp vui với bạn bè tại các quán nhậu. Với trang phục giản dị và đầu... không có tóc, biệt danh Tùng “chùa” ra đời từ đó.
Tùng “chùa” thường chế lại các giai điệu bolero, các ca khúc nhạc vàng mang âm hưởng dân gian, bình dân trong cuộc sống và một số ca từ hơi thô tục. Vậy, mới gọi là nhạc chế, nhạc chế của Tùng “chùa”, của đường phố.
Nhạc giang hồ và định mệnh của ông trùm Năm Cam
Ngày đó, khi bán được căn nhà ở quận 5 (TP.HCM), Năm Cam dẫn tôi ra phố bia bọt Thi Sách ăn cánh gà chiên nước mắm.
Chủ quán là anh Bảy Lộc, đến từ Hóc Môn. Lát sau, Tài Ngạn đến, Năm Cam giới thiệu đây là chủ nhà hàng P.L.M ở quận 1, câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng hát phát ra từ chiếc loa sắt của người bán vé số dạo: “Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. Cuộc sống mong manh…”.
Tiếng hát mê hồn như ru người vào cõi xa xăm, Năm Cam gõ chén hát theo nhưng lời khác đi: “Mai kia chết rồi Bình Hưng Hòa giàu khó như nhau. Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao”.
Tài Ngạn hỏi: “Anh Năm chơi nhạc tù hả, học ở Chí Hòa hay Mạc Đĩnh Chi? (tên 2 trại tạm giam, gọi theo cách thông thường).
Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến nhạc tù, giọng Năm Cam chùng xuống: “Buồn, câu này anh nghe mấy đứa nhỏ hát, có làm gì thì cũng đi Bình Hưng Hòa (tên một nghĩa trang), cái ông thầy ở Bình Thới nói sau này anh sẽ chết chẳng toàn thây… Anh Đại (Đại Cathay) năm xưa cũng rất thích bài “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, ảnh sửa lời bắt mấy đứa nhỏ ca, nghe cũng êm tai, sau đó thì bỏ mạng…
Nhạc tù thường là những bản nhạc có giai điệu bolero, đặt lời trên nền những bản nhạc có sẵn được nhiều người biết. Nhiều bài nhạc tù nổi tiếng hơn cả bài hát gốc, nhưng không ai biết tác giả của nhạc tù là ai, không có chữ ký nào. Bài nhạc giang hồ được dân đường phố ưa thích nhất trên mạng là bài “Ba mươi đêm pháo giao thừa”: “Ba mươi đêm pháo giao thừa con nằm trong chốn lao tù/ Trại giam bốn bức tường cao, con ăn năn biết nói sao/ Ngày đó lúc con còn nhỏ con quậy phá trong gia đình/ Đến năm 16, con cãi lời của mẹ cha/ Giờ đây khôn lớn con bơ vơ Đồng Phú Ba” (tên thường gọi của một trại giam ở miền Đông Nam Bộ)…”.
Nghe kể, trại giam nào cũng nghe tù hát bài “Ăn năn” trong những đêm buồn. Có lẽ tâm trạng ăn năn hối hận, thương nhớ vợ con, mẹ già là điểm thiện lương còn lại trong những con người, cho dù đó là tội đồ hay người phạm tội lần đầu, sa chân lỡ bước vào chốn lao tù. Và một lẽ khác, với hành vi đã được định tội, bị xã hội lên án, người quen ghẻ lạnh xem thường, vợ con là chỗ dựa cuối cùng của những người tù. Tù sợ nhất là bị gia đình bỏ rơi, không thăm nuôi.
Dũng Bắc Kạn (người trong giang hồ được Dương Tự Trọng, nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng nhờ đưa anh là Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài) giải thích: “Được thời bẻ ná bắn cung/ Hết thời chỉ có cọng thun bắn ruồi!”.
Tù tội nhiều và ra vẻ dửng dưng nhưng khi nghe tử tội hát, Dũng Bắc Kạn đã quay mặt vào tường để giấu những giọt nước mắt thương nhớ vợ con. Bị bắt tại Hà Nội, Dũng Bắc Kạn được di lý vào Nam bằng máy bay để ban chuyên án Năm Cam điều tra việc liên quan đến ông trùm ma túy Dũng Đui.
“Trở về tu luôn”, đó là câu nói quen thuộc của những người tù, với những gì họ phải trải qua, có lẽ đó là lời nói thật. Chỉ vì lòng tham, sự nghiện ngập, hay đơn giản hơn chỉ vì thiếu kềm chế, nóng giận… mà nhiều người đã phạm tội, tự hủy hoại mình và kéo theo thảm kịch cho gia đình. Chỉ có sự ăn năn hối hận thật sự và sự thông cảm của người thân mới giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường.
Nhưng nếu chỉ như vậy, nhạc giang hồ đã trở thành “thánh ca”, “tụng ca” của những người lầm đường lạc lối. Tiếc rằng, nhạc của 4 bức tường khép kín còn thể hiện sự lệch lạc của những tâm hồn đầy thương tích.
|
Đại Cathay - ông trùm giang hồ khét tiếng - cũng rất thích nhạc giang hồ. |
Lệch lạc, đầy thương tích
Giang hồ thời nào cũng vậy, nhưng trước 30.4.1975, hầu như không có nhạc giang hồ mang màu sắc kỳ lạ như điều chúng tôi sắp nói sau đây.
Lâm Chín Ngón khi còn sống nói với tôi rằng, không có nhạc tù, những người tù ở Chí Hòa chỉ hát nhạc tình cảm, tù chính trị - sinh viên học sinh thì hát nhạc tranh đấu… Nhạc tù hay nhạc giang hồ chỉ bắt đầu xuất hiện sau những năm 80, cùng với tội phạm gây ra bởi những băng nhóm giang hồ cắc ké, phạm tội do học đòi ăn chơi…
Đó cũng là ý kiến cá nhân, nhưng soi lại nhiều bản nhạc giang hồ mà giới trẻ trong và ngoài nhà tù thích hát thì rõ ràng có cái gì đó lệch lạc và đáng sợ trong cách nghĩ của những người trẻ này. Cũng theo Lâm Chín Ngón, giang hồ trước đây rất thích bài hát “Ngựa hoang” và bài “Loan Mắt Nhung”.
Nhưng đó không phải là nhạc giang hồ, đó là hai bài hát viết cho phim do những nhạc sĩ tài hoa sáng tác. Đơn cử như bài “Ngựa hoang” hay còn gọi “Vết thù trên lưng ngựa hoang” là ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy viết cho phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang”: “Ngựa hoang về tới bến sông rồi/ Thảm cỏ bình yên dưới chân mình/Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục/ Và trên lưng nó ôi còn nguyên những vết thù”.
Ca từ bay bổng, nhưng người nghe cũng dễ dàng hiểu đây là bài hát nói về con đường hoàn lương khó khăn của những người sa chân vào chốn giang hồ. Nghe các bậc tiền bối kể lại, có một thời thanh niên Sài Gòn đã chết mê chết mệt với bài hát “Ngựa hoang” và ca sĩ Elvis Phương còn làm tăng thêm sự mê hoặc bằng tiếng huýt sáo khi thể hiện ca khúc này.
Còn bài “Loan Mắt Nhung” ít được phổ biến hơn vì ca từ không có điểm nhấn ấn tượng, bài hát nói về gã giang hồ lang thang trong ngõ tối của chính cuộc đời mình, mà nhà tù là đích đến cuối cùng: “Đường khuya vắng bước chân buồn âm thầm/Đèn khuya hiu hắt ánh điện câu/ Giữa đêm sầu ngõ không màu sống lạc loài thân đơn côi/ Chôn tuổi xanh chìm trong bóng tối vực sâu nhiều đắng cay/ Lòng phố khuya bước chân còn khua dài/ Tìm về thơ ấu đêm ngày qua/ Khóc chi nhiều đã bao chiều chỉ riêng mình… thêm đơn côi/ Qua vùng thương hận thêm tóc rối tù đày ngõ tối đam mê”.
Tôi đã vài lần gặp nhà văn Nguyễn Thụy Long, tác giả truyện Loan Mắt Nhung và nhiều cuốn khác về giang hồ trước 1975, ông nói: “Không có điều gì tốt trong cái thế giới ấy!”.
Mời quý độc giả xem video về tiểu sử giang hồ Thành Chân (nguồn Youtube):
Theo Lao Động