Nhằm phản đối quyết định điều chuyển luồng, tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô tại Hà Nội được bắt đầu thực hiện từ ngày 2/1/2017, hàng loạt các nhà xe tại bến xe Mỹ Đình chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình đồng loạt từ chối chở khách.
Hành vi của các nhà xe khiến việc di chuyển của nhiều người dân gặp phải khó khăn lớn, đặc biệt trong thời gian nghỉ lễ. Vậy câu hỏi đặt ra, liệu việc các nhà xe đồng loạt từ chối khách có vi phạm pháp luật?. Để giải đáp câu hỏi, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Quang Bá, đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
|
Nhiều khách về quê trong dịp nghỉ lễ nhưng không có xe về. |
Theo Luật sư Bá: “Hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể việc đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải từ chối chở khách. Tuy nhiên, với việc nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đồng loạt từ chối vận chuyển hành khách dẫn đến ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông cần phải xem xét nghiêm túc.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thì đơn vị kinh doanh vận tải có quyền từ chối vận chuyển với hành khách có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây cản trở công việc của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, gian lận vé hoặc hành khách đang bị dịch bệnh nguy hiểm”.
Luật sư Bá phân tích: “Ở đây, cần hiểu kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô vận tải hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Do vậy, việc vận chuyển hành khách là trách nhiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải khi thực hiện mục đích kinh doanh của mình.
Đối với dịch vụ vận tải khi tiến hành hoạt động đơn vị kinh doanh vận tải phải xây dựng hoặc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và phải đăng ký chất lượng dịch vụ với Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu chạy xe.
Hành khách đi xe có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ đã đăng ký và niêm yết. Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện đúng dịch vụ theo tiêu chuẩn, chất lượng đã đăng ký và niêm yết thì hành khách có quyền khiếu nại, kiến nghị, phản ánh những hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có)”.
Về hình thức xử lý, luật sư Bá chỉ rõ, tại Thông tư 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có quy định, với hành vi đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định không thực hiện đầy đủ các nội dung chất lượng dịch vụ đã đăng ký có thể bị đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến 1 tháng.
Theo Dương Nhung/Người đưa tin