Hôm nay (ngày 5/9) cháu lên cấp THCS, được dự lễ khai giảng năm học mới ở một ngôi trường mới. Một trong ba tiêu chí cậu học sinh 11 tuổi đặt ra cho bố mẹ khi chọn trường là "có nhà vệ sinh sạch sẽ".
Nhà vệ sinh trường học là một trong những điểm tham quan đầu tiên của con trai tôi khi đến thăm trường mới, trước thềm năm học.
Ở dưới xuôi là vậy, trên các tỉnh vùng cao, công trình nhà vệ sinh trường học lại càng cấp thiết, quan trọng hơn đối với các em học sinh.
Mỗi năm, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng các nhà tài trợ xây dựng nhiều điểm trường tặng cô trò các tỉnh vùng cao, những nơi đặc biệt khó khăn. Trong gói dự toán, thường chỉ có công trình phòng học, bàn ghế, trang thiết bị học tập.
Tuy nhiên, giáo viên các điểm trường luôn tha thiết đề nghị đoàn công tác có thể hỗ trợ xây dựng thêm cho các cháu nhà vệ sinh hay bể nước sạch. Nhà vệ sinh trường học ở vùng cao bên cạnh chức năng phục vụ vệ sinh còn là nơi để các cô hướng dẫn những cô, cậu học trò nhỏ sống gần với rừng núi bắt đầu có ý thức vệ sinh cá nhân, có kỷ luật giữ gìn môi trường học tập.
Tôi còn nhớ, sau chuyến khánh thành điểm trường ở Sơn La năm ngoái, cô hiệu trường trường mầm non nhất quyết mời các nhà tài trợ về thăm điểm trường chính.
Sau khi ngồi hội trường giới thiệu ngắn gọn, cô hiệu trưởng dẫn cả đoàn công tác đi thăm khu vực nhà vệ sinh của trường. Tên gọi là nhà vệ sinh nhưng thật sự không có chút vệ sinh nào cả.
Cả khu trường đã được xây dựng kiên cố, có thể gọi là khang trang ở vùng cao nhưng nhà vệ sinh lại không nằm trong dự toán ban đầu nên chắp vá, được đâu hay đó. Mấy trăm học sinh cùng các thầy cô nhiều năm phải giải quyết nhu cầu "bức xúc" trong người một cách tạm bợ.
|
Thủ tướng kiểm tra nhà vệ sinh trường học và đề nghị Trường Tiểu học Thị trấn Tân Lập quan tâm hơn nữa tới công tác vệ sinh môi trường. Ảnh: Nhật Bắc |
Trở lại dưới xuôi, ngay tại thủ đô, bên trong những ngôi trường khang trang, bề thế phụ huynh không khó để tận thấy những nhà vệ sinh không hợp vệ sinh chút nào. Hầu hết các trường học, khu nhà vệ sinh của giáo viên và học sinh là hai khu vực khác biệt.
Có thể thấy, đối với học sinh, nhà vệ sinh trường học có một vị trí "đặc biệt quan trọng" nhưng trong ngành giáo dục, nhà vệ sinh vẫn là một công trình phụ trong trường học.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến hết năm học 2020 các trường học trong cả nước đã có 270.695 nhà (phòng) vệ sinh nhưng tỷ lệ đạt chuẩn chỉ là 69,4%, tỷ lệ kiên cố hóa mới đạt 77,2%.
Theo Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ ban hành, mục tiêu đến năm 2025 100% trường học có nhà vệ sinh. Trong đó có 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh.
Đây thật sự là mục tiêu thách thức nếu ngành giáo dục vẫn coi nhà vệ sinh là công trình phụ.
Trong chuyến thăm tại Phú Thọ trước thềm năm học mới 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hết sức lưu ý vấn đề vệ sinh, môi trường, nhà vệ sinh cho các em học sinh, không coi đây là "công trình phụ".
Đây không phải lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở ngành giáo dục lưu tâm đến vấn đề này, không được coi nhà vệ sinh trường học là công trình phụ.
Tại lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng đã nhấn mạnh: "Cách gọi nhà vệ sinh là công trình phụ cũng đã cho thấy nhận thức, sự quan tâm không đầy đủ tới vấn đề nhà vệ sinh trường học".
Vì là công trình phụ nên còn thừa đất chỗ nào, nguyên vật liệu dư thừa mới mang để xây dựng.
Thủ tướng yêu cầu phải suy nghĩ nhà vệ sinh và nhà bếp trường học là những công trình chính trong trường học, phải thay đổi từ tư duy, nhận thức mới chuyền thành hành động, tổ chức thực hiện cụ thể.
Kỳ vọng sau lần nhắc nhở tiếp theo của Thủ tướng, ngành giáo dục sẽ biến công trình phụ thành công trình chính, việc phụ thành việc chính.
Hô hào nâng cao sức khỏe học đường, cải thiện thể chất cho người Việt, cần bắt đầu từ việc giải quyết "đầu ra" một cách hợp vệ sinh cho các em học sinh.
Thanh Hải/Báo Dân Việt