Sau khi những hình ảnh về việc nhà trường ép học sinh viết giấy báo nợ tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An được lan truyền trên không gian mạng, nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc khi biết lý do nhà trường hành động như vậy chỉ vì một số học sinh chưa đóng số tiền 162.000 đồng (tiền gửi xe đạp điện trong năm học 2018-2019).
Trong nét chữ nguệch ngoạc của những học sinh trung học, các em thật thà nêu lý do chưa nộp tiền vì "bố mẹ em không nạp". Dẫu biết rằng, đã là quy định thì mọi người đều phải tuân thủ, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, có thể trong những học sinh đó có em có hoàn cảnh khó khăn, có em phụ huynh vì bận, vì quên hoặc vì lý do nào đó chậm trễ nộp tiền cho con thì hành động ép học sinh ngây thơ viết giấy báo nợ là điều đáng lên án.
Thậm chí, nhiều ý kiến gay gắt hơn cho rằng, hành động ép học sinh viết giấy báo nợ chẳng khác nào hành động của "xã hội đen", của các băng nhóm đòi nợ kiểu chợ búa. Nó hoàn toàn không phù hợp với môi trường học đường, với những người thầy, người cô đang dạy các con kiến thức và cả đạo đức làm người.
|
Nhà trường bắt học sinh viết giấy báo nợ. |
Anh Nguyễn Văn Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, bản thân anh chưa bao giờ thấy nhà trường nào bắt ép học sinh viết giấy báo nợ như Trường THCS Hưng Tây.
Trước đây, nếu phụ huynh chưa đóng tiền thì sẽ báo phụ huynh, còn ở đây nhà trường trực tiếp ép học sinh viết giấy khiến anh liên tưởng đến các băng nhóm đòi nợ kiểu xã hội đen.
“Tôi rất ái ngại cách thu tiền của nhà trường, nhất là chỉ hơn một trăm nghìn đồng nhưng các em bị hành xử không khác gì đang mang khoản nợ lớn. Bố mẹ chưa hoàn thành việc đóng tiền, bố mẹ phải chịu trách nhiệm, nhà trường không thể xử lý con bằng cách này” – anh Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chị Đào Thị Loan Anh (trú tại Vinh, Nghệ An) đặt câu hỏi: "Với giấy báo nợ này không rõ nhà trường sẽ dùng vào việc gì? Chẳng lẽ nhà trường sẽ làm căn cứ đuổi học, không cho học sinh lên lớp, hay chỉ mang tính chất uy hiếp tâm lý học sinh?
Nếu nhà trường dùng vào các hình thức trên đều hoàn toàn không phù hợp và không khác gì “xã hội đen” áp dụng với các con nợ mà hiện nay xã hội đang lên án hàng ngày."
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Vân cho rằng cần nhìn nhận rõ hai vấn đề của sự việc.
Thứ nhất, nhà trường thu tiền gửi xe của các con có thể là hợp lý, vì phải thuê bảo vệ, trông giữ… Nhưng các khoản thu cần thông báo đến bố mẹ ở các kỳ họp phụ huynh đầu năm.
Nếu phụ huynh đồng thuận, đồng nghĩa khi con gửi xe phụ huynh cần phải đóng góp. Phụ huynh không thể để con gửi xe nhưng mấy năm không trả và lấy lý do “không hợp lý”.
Vì thế, để con rơi vào tình trạng này cũng là một phần trách nhiệm của bố mẹ. Họ không thể ngồi nhà, không trao đổi cùng nhà trường nhưng con bị ảnh hưởng lại phản đối kịch liệt. Những điều họ nói ra đều là sự biện minh, thiếu trách nhiệm với con cái mình.
Đối với nhà trường, bắt học sinh viết giấy báo nợ cũng hoàn toàn chưa phù hợp. Các em đang ở độ tuổi được bảo trợ bởi người lớn. Vì thế, các khoản này nhà trường chỉ nhắc các em báo bố mẹ đến đóng tiền chứ không thể bắt các em viết giấy báo nợ.
Hiện nay, có rất nhiều cách để liên lạc cùng bố mẹ như qua điện thoại, email hay gặp trực tiếp. Bố mẹ có nghĩa vụ đóng tiền cho con khi được nhà trường thông báo và đã đồng thuận ngay từ đầu năm. Tất nhiên, cũng không loại trừ những phụ huynh không hợp tác, chây ỳ dù họ có điều kiện kinh tế nhưng không chịu nộp, lúc này nhà trường cũng rơi vào tình trạng khó xử. Nhưng không vì thế lại bắt học sinh viết giấy báo nợ.
“Khi nhà trường bắt học sinh viết giấy báo nợ, các em sẽ ghi nhớ hành động này, áp dụng vào nhiều tình huống khác. Nhất là xã hội hiện nay, các em nhanh chóng học theo, bắt ép những người yếu thế hơn viết giấy tương tự. Như vậy vô hình trung nhà trường đã dạy những thói xấu cho trẻ nhỏ, điều này đi ngược lại quan điểm nhà trường là nơi dạy trẻ những điều hay, lẽ phải” – Thạc sĩ Nguyễn Hồng Vân cho biết.
Vì thế, trong vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, nhà trường và phụ huynh cần ngồi lại với nhau để cùng trao đổi, chia sẻ những điều chưa được xử lý nhằm tìm ra một cách giải quyết phù hợp, tránh lấy học sinh ra làm “bình phong” hay “ép nợ” dẫn đến tổn thương không đáng có.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quế, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Tây cho hay, cuối năm học có khoảng 30 học sinh còn nợ các khoản như học phí, tiền dịch vụ trông giữ xe nên nhà trường gọi các em lên để viết giấy nợ. Đây là những khoản thu bắt buộc theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Nghệ An.
Trường chỉ mời các em viết giấy báo nợ, giúp nhà trưởng tổng hợp, quản lý, không có chuyện bắt ép. Số tiền này dùng để trả cho bảo vệ trông giữ xe và sửa sang lại nhà giữ xe cho học sinh. Việc mời các em viết giấy báo nợ cũng là cực chẳng đã vì không còn cách nào khác.
Còn ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết đang kiểm tra lại sự việc.
Hà Trang