Hiện nay, hoạt động sáng tạo của các nhà sáng chế trong nước vẫn trong điều kiện thiếu thốn và khó khăn trong quá trình đưa sáng chế vào thực tiễn, thương mại hóa sản phẩm trí tuệ của mình.
Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động sáng tạo của các nhà sáng chế trong nước PV Kiến Thức có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.
Ông là tác giả của một số sáng chế được đánh giá cao, giúp tạo ra những vật liệu cao cấp chưa từng có trên thế giới.
- Được biết, ông vừa nhận Bằng độc quyền sáng chế “Vật liệu thủy tinh pha các nguyên tố đất hiếm dùng để chế tạo đi-ốt phát quang ánh sáng trắng”. Xin ông chia sẻ đôi điều về sáng chế, tiềm năng ứng dụng của sáng chế và quá trình lao động sáng tạo của bản thân?
Tôi được đào tạo về vật lý tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhận bằng tiến sỹ khoa học tự nhiên tại Đại học Johanness Gutenberg, Mainz, CHLB Đức, ngoài ra tôi được đào tạo theo các khoá cao cấp về thương mại hóa công nghệ tại Đại học California, David (Hoa Kỳ) và Viện Hàn lâm kỹ nghệ Hoàng gia (Vương quốc Anh). Hoạt động nghiên cứu KH&CN của tôi luôn gắn với đổi mới sáng tạo.
Tôi tập trung nghiên cứu những vấn đề mới, sáng tạo và hướng đến giải quyết những vấn đề cũng như thách thức trong đời sống. Một số công nghệ của tôi đã được ứng dụng như: công nghệ xử lý màu đá quý Ruby, chế tạo vật liệu đo liều bức xạ…
Gần đây các đèn LED, đặc biệt là đèn LED trắng, đã thu hút nhiều sự chú ý vì tính mới và lợi ích kinh tế của các nguồn ánh sáng trạng thái rắn. Sự phát triển của đèn LED cũng đã kích thích nghiên cứu về chất phát quang dùng cho đèn LED trắng.
Sáng chế của tôi cung cấp thủy tinh tellurite pha tạp các ion đất hiếm (RE), có khả năng phát quang ánh sáng trắng với tính ổn định quang học, ổn định nhiệt độ và bền về hóa học. Thủy tinh oxit là vật liệu nền ổn định nhất cho các ứng dụng thực tế do độ bền hóa học cao và ổn định nhiệt. Trong số các thủy tinh oxit, thủy tinh tellurite đã chứng tỏ là vật liệu nền hấp dẫn cho các ion đất hiếm, cả từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng. Trong số các ion đất hiếm, Ce3+ có hệ số hấp thụ cực tím cao. Do sự che phủ rộng rãi giữa phát quang của Ce3+ và hấp thụ của Tb3+ và Sm3+ trong vùng phổ cực tím gần, Ce3+ luôn được sử dụng như một chất nhạy quang hiệu quả cho Tb3+ và Sm3+ để tăng cường phát quang ánh sáng xanh lá cây của Tb3+ và sự phát quang ánh sáng đỏ cam của Sm3+. Tổng hợp của 3 màu này cho ánh sáng trắng. Thủy tinh này có thể thay thế bột đồng phát quang và vỏ nhựa bảo vệ của LED trắng thông thường và làm cho LED phát sáng hiệu suất cao hơn.
Sáng chế của chúng tôi có thể giúp tạo ra sản phẩm LED trắng hiệu suất cao hơn cho thị trường; tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng và đóng góp cho bảo vệ môi trường (giúp hạn chế xây dựng nhà máy điện không phá vỡ môi trường tự nhiên); giảm chi phí cho chiếu sáng.
|
PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. |
- Số lượng đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Theo ông đâu là khó khăn trong việc thúc đẩy đăng ký, thương mại hóa sáng chế?
Muốn thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia thì các kết quả đó cần được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Đăng ký bảo hộ sáng chế là cần phải tra cứu sáng chế xem vấn đề nghiên cứu của mình đã có ai nghiên cứu chưa và phải có kỹ năng viết bản mô tả sáng chế, hiểu Luật Sở hữu trí tuệ. Thương mại hóa các sáng chế là cả quá trình phức tạp đòi hỏi cả kỹ năng xúc tiến thương mại, maketting, triển khai... mà những việc này các nhà khoa học của chúng ta phần lớn chưa được đào tạo nên gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, Bộ KH&CN đã có chính sách phổ biến, đào tạo tra cứu, viết bản mô tả sáng chế và đào tạo kiến thức về thương mại hóa công nghệ cho các nhà sáng chế. Tôi tin rằng, trong tương lai gần, các biện pháp này sẽ giúp cải thiện tình hình hiện nay
Ở nước ta, chính sách, cơ chế hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các kết quả KH&CN chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là việc bảo hộ quốc tế trong khi nhà khoa học thì không đủ tiền để bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó, để thương mại hóa kết quả nghiên cứu (sáng chế, giải pháp hữu ích...), theo quy định hiện hành, các kết quả đó phải được định giá mà hiện nay chúng ta chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nên cũng không thể triển khai thương mại hóa.
Chính những vấn đề này là rào cản hạn chế số lượng sáng chế và khả năng thương mại hóa sáng chế của các nhà KH&CN ở nước ta.
- Kinh nghiệm thế giới trong việc giải quyết các vấn đề này như thế nào, thưa Ông?
Các quốc gia phát triển các chính sách luôn được bổ sung hoàn thiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà sáng chế và việc thương mại hóa sáng chế. Về tài chính, ở các nước như Mỹ, Canada, Anh, Bỉ ngoài việc tài trợ cho nghiên cứu để tạo ra các sáng chế, đặt hàng cho các sáng chế, giải pháp hữu ích mang tính chiến lược, chính phủ còn thực hiện các biện pháp ưu đãi khác như ưu đãi về thuế, cho phép khấu hao nhanh thiết bị, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ chi phí đăng ký sáng chế (chi phí đăng ký chiếm 10% tổng chi phí tạo ra sáng chế), cấp tín dụng cũng như bảo lãnh tín dụng tại các ngân hàng cho các nhà sáng chế…
Ngoài ra, để khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, chính phủ nhiều nước như Mỹ và Thụy Điển còn tránh đánh thuế 2 lần, kéo dài thời gian ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp và nhiều ưu đãi khác. Hay rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế như Nhật Bản.
- Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã hỗ trợ các nhà sáng chế đăng ký, thương mại hoá thế nào?
Bằng sở hữu trí tuệ của Viện tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây (trung bình gần 30%). Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hiện sở hữu 71 bằng sáng chế, 134 bằng giải pháp hữu ích và có gần một trăm đơn xin cấp bằng sở hữu trí tuệ đang được xem xét.
Để có kết quả này, Viện thường xuyên tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức của nhà quản lý, nhà khoa học về sở hữu trí tuệ, tổ chức các khóa đào tạo về tra cứu, viết bản mô tả sáng chế, xây dựng các chương trình KH&CN mà sản phẩm, đầu vào của đề tài/dự án được đánh giá bởi văn bằng sở hữu trí tuệ, có chính sách khen thưởng và phân chia lợi nhuận ưu đãi nhà sáng chế tạo động lực cho các nhà khoa học sáng tạo, nâng cao số bằng sở hữu trí tuệ của Viện. Ngoài ra, Viện chúng tôi cũng thực hiện giao quyền sở hữu sáng chế cho đơn vị chủ trì đề tài/dự án để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị chủ trì và chủ sáng chế triển khai thương mại hóa. Nhiều đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm cũng đã rất chủ động trong việc này và đem lại nhiều kết quả đáng trân trọng.
- Để các nhà sáng chế có điều kiện được cống hiến tối đa năng lực và đam mê sáng tạo, theo ông chúng ta cần chú trọng tới các giải pháp nào trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải đồng hành sát hơn nữa với các nhà sáng chế và có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ thật cụ thể đối với các nhà sáng chế, không để các nhà khoa học, các nhà sáng chế phải “tự bơi”. Các nhà sáng chế xứng đáng được biểu dương và hỗ trợ để có thể nuôi dưỡng đam mê sáng tạo và cống hiến cũng như có thêm động lực thương mại hoá sản phẩm trí tuệ của mình. Và sau đây là một số vấn đề then chốt cần giải quyết:
Một là, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi việc chuyển giao công nghệ nội sinh trong các lĩnh vực xác định đã được cấp bằng sáng chế.
Hai là, cần tăng cường nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và quản lý về đổi mới sáng tạo, khuyến khích các đề tài/dự án về KH&CN giải quyết các thách thức của doanh nghiệp, xã hội và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ba là, cần xây dựng cả chính sách hỗ trợ bảo hộ, thương mại hoá sáng chế của các nhà sáng chế “nội” ở thị trường nước ngoài bởi nhiều sáng chế của các nhà khoa học Việt Nam có tính ưu việt, được thế giới đáng giá cao nhưng điều kiện ứng dụng ở trong nước có thể nói là còn hạn chế.
Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ công bố Sáng kiến kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam: “Không phải công nghệ mà chính là con người với tư duy sáng tạo sẽ quyết định sự thành bại của một quốc gia trong cuộc đua phát triển để mang lại sự thịnh vượng cho người dân và đất nước".
Thiết nghĩ, các nhà sáng chế trong nước cũng là nguồn vốn trí tuệ rất quý mà chúng ta cần phải trọng dụng, phải có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để họ có động lực sáng tạo tiếp ra các giá trị vật chất và tinh thần cho đất nước. Không nên để họ phải tự bơi!”.
Đến nay, các nhà khoa học trong nước đã công bố 846 bằng độc quyền sáng chế, 1.093 bằng độc quyền giải pháp hữu ích thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) khác nhau, trong số đó có nhiều sáng chế được đánh giá cao trên thế giới.
Đỗ Hương Lan