Ghi nhận của PV Kiến Thức tại xóm Hội 2, những cơ sở rèn của người dân khá thủ công, khu vực sản xuất nằm ngay trong nhà, tiếng ồn ào ầm ĩ đinh tai nhức óc của máy búa rèn khiến những người lạ đến đây thấy khó chịu.
Đặc biệt, do hoạt động sản xuất của làng nghề nằm trong khu dân cư nên nước thải đen kịt đổ thẳng ra kênh mương, ruộng đồng... gây nguy hiểm nghiêm trọng cho môi trường sống.
|
Trong khi, hàng trăm hộ có nhu cầu chuyển ra ngoài thì phải ở lại ngay trong thôn xóm và ghánh chịu những hậu quả độc hại của nghề rèn |
Ông Bùi Ngọc Thuật, một hộ dân sản xuất lâu năm trong xóm Hội 2 cay đắng, gia đình theo nghiệp rèn cũng gần 20 năm, hầu hết người dân làng làm nghề muốn có một nơi sản xuất tập trung, đủ các điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng để phát triển làng nghề.
Thế nhưng, kể từ khi xã thuê đất của người dân và tỉnh Nam Định có chủ trương thành lập cụm công nghiệp, gia đình ông và nhiều người trong làng không được thông báo, không hay biết gì.
Sau này, khi cụm công nghiệp thành hình, nhiều gia đình muốn di dời cơ sở sản xuất ra ngoài đó, nhưng giá "bán" đất quá cao nên họ đành ở lại và gánh chịu những độc hại của chính cái nghề gây ra.
Điều khiến người dân bức xúc hơn cả là việc, người dân cho chính quyền thuê đất rồi bị "mất đất" lúc nào không hay. Nơi lẽ ra phải là Cụm công nghiệp quy tụ nhiều nhà máy, nhà xưởng sản xuất thì lại bị "xẻ thịt" phân lô bán để xây nhà ở.
|
Ông Bùi Ngọc Thuật có nguyện vọng di dời cơ sở ra Cụm công nghiệp nhưng phải mua lại đất từ cò mồi, và giá cũng rất cao. |
Ông Nguyễn Văn Yên, một hộ sản xuất khác thì cho biết: “Đầu tiên xã có họp, bảo tất cả máy móc đều phải chuyển ra Cụm công nghiệp hết, không được để lại nơi sinh sống. Nhưng họ bán đất cả mấy nghìn mét thì dân làm sao có tiền mua được, chúng tôi còn chỗ nào mà mua nữa”.
Gia đình ông Yên là hộ rèn dao cỡ lớn trong thôn, hồi trước để chuyển ra cụm công nghiệp Quang Trung, ông phải mua lại đất từ cò. Nhưng giá cao quá, ông bỏ cuộc rồi chấp nhận sản xuất ngay tại nhà.
|
Những biển rao bán đất không khó bắt gặp tại Cụm công nghiệp Quang Trung.
|
Đối với ông Bùi Ngọc Bối, xóm Hội 2 khi nghe PV Kiến Thức nhắc lại câu chuyện quy hoạch làng rèn thì tỏ vẻ buồn bã: “thông báo thì có nhưng khi chúng tôi ra thì đất người ta mua hết rồi, đăng ký lần 2 thì xã bảo gia đình tôi sản xuất máy bé, đất không còn, nên không được ra nữa. Độc hại, ô nhiễm, gia đình tôi phải gánh hết nhưng cũng không biết phải làm sao, vì cũng không còn nghề gì sinh sống ngoài việc làm rèn ”.
|
Ông Bùi Ngọc Bối buồn bã khi không có tiền mua đất ngoài cụm công nghiệp, đành ở lại sản xuất ngay tại nhà. Ông Bối cũng không biết làm nghề gì khác tránh độc hại cho gia đình ngoài việc làm rèn. |
Gia đình bà Nguyễn Thị Thúy cũng là một hộ làm rèn lâu năm trong thôn, bà Thúy chua chát kể lại, già trẻ ốm đau mấy thế hệ trong nhà có nằm bệnh thì cũng đành di chuyển sang ở nhờ xóm khác, lúc xã “mượn” ruộng của gia đình, san lấp năm trước, năm sau bà ra hỏi thì đã bán hết sạch đất. Nhà của bà Thúy vốn chật chội, nhưng cũng đành xếp 2 cái máy rèn góc nhà gõ cành cạch.
Theo người dân, một số hộ cũng "mua" được đất trong Cụm công nghiệp Quang Trung nhưng hầu hết sau đó bán lại kiếm lời. Hiện nay, trên đất Cụm công nghiệp mọc lên hàng loạt nhà ở cao tầng, sai với mục đích sử dụng của đất dự án công nghiệp.
“Năm 2007, xã mượn 1 sào ruộng của gia đình tôi dưới hình thức trả tiền thuê hoa màu, năm 2013 hết hạn thuê tôi ra đòi lại thì mới tá hỏa, xã bảo đã làm khu công nghiệp. Xã Quang Trung bảo gia đình lấy 18 triệu tiền đền bù, chả có lý do gì, chỉ nói mồm, nên tôi không chấp nhận, rồi khiếu nại cho đến tận bây giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, bà Thúy cho biết.
Trong khi đó, ở ngoài cụm công nghiệp Quang Trung, lác đác chỉ có một vài hộ làm nghề rèn thì còn sản xuất, phần lớn ở những căn nhà khác đều trong tình trạng đóng cửa then cài, hỏi thì mới biết, toàn những người làm ngành nghề khác ra mua đất rồi ở luôn đó, ngày đi làm, tối muộn họ mới về đến nhà.
“Có một đặc điểm chung nhất ở đây, chúng tôi chuyển ra chỉ có giấy mua bán viết tay với xã, rồi cứ thế xây nhà và sản xuất, chứ làm gì đã có giấy tờ gì khác đâu”, ông Nguyễn Văn Giang, chủ một cơ sở sản xuất tại “khu dân cư” khẳng định.
Có thể thấy rằng, UBND tỉnh Nam Định đã có chủ trương rất tốt khi thành lập Cụm công nghiệp Quang Trung nhằm phát triển các làng nghề, tạo điều kiện cho những hộ kinh tế cá thể, doanh nghiệp nhỏ và những yếu tố khác, tập trung lại, ngoài việc tạo điều kiện để người ta sản xuất, và đảm bảo về mặt môi trường.