Ngày 24/7, Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết đã kiểm tra đột xuất, lập biên bản đối với Công ty Cổ phần Sô đa Chu Lai (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Theo đó, ngày 23/7, đoàn bất ngờ có mặt, sau khi nhận được tin báo của người dân phản ánh nhà máy của công ty này xả thải ra môi trường không qua xử lý làm cá chết trắng kênh.
|
Cá chết trắng kênh khi nhà máy sô đa xả thải bị phát hiện vào ngày 23/7. |
Đoàn thanh tra đã ghi nhận nước tại khu vực kênh cạnh tường rào nhà máy có màu đen sẫm, cá chết nổi trắng mặt nước. Qua xem xét, kênh này chỉ tiếp nhận nguồn nước thải từ nhà máy. Kiểm tra, đoàn xác định hai cửa xả từ cống thoát nước mưa có lẫn cặn than cám xả vừa được lấp. Đoàn lấy mẫu tại mương và tại cửa xả thải. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy nồng độ pH vượt cao hơn mức cho phép, khiến cá chết hàng loạt.
Đoàn cũng xác định Công ty Sô đa Chu Lai đã thực hiện không đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại… Đặc biệt, công ty chưa có giấy phép xả nước thải. Đoàn yêu cầu Công ty Sô đa Chu Lai phải khắc phục những tồn tại nói trên và phải thu gom toàn bộ nước vệ sinh công nghiệp để xử lý trước khi xả thải ra môi trường.
“Công ty chỉ được vận hành trở lại khi được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc khắc phục hậu quả, cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường” - đoàn yêu cầu.
Ngoài ra, đoàn thanh tra còn yêu cầu Công ty Sô đa Chu Lai chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của Tổng cục Môi trường trước đó. Cụ thể, ngày 8/2, Tổng cục Môi trường ban hành kết luận xử phạt bổ sung Công ty Sô đa Chu Lai hơn 731 triệu đồng. Nhưng đến nay công ty này chỉ nộp phạt 200 triệu đồng.
Ngoài phạt tiền, Công ty Sô đa Chu Lai cũng được yêu cầu dừng hoạt động có phát sinh nước thải vượt quy chuẩn trong ba tháng kể từ ngày 8/2. Tuy nhiên, gần một tháng sau công ty này có thông báo hoạt động trở lại và xảy ra tình trạng nước thải tràn ra đường của khu công nghiệp. Người dân còn phát hiện công ty xả nước thải gây ô nhiễm sông Bến Ván nên họ bức xúc, lấp miệng cống của công ty này.
Theo Huy Trường/Pháp Luật TP HCM