Liên quan đến thông tin Nhà hát Nhân dân Thủ Đức (thuộc Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức, đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TP.HCM) suốt nhiều năm qua có dấu hiệu xuống cấp, ít tổ chức các chương trình nghệ thuật có quy mô xứng tầm với Nhà hát hơn 1.000 chỗ ngồi.
Trao đổi với PV
Kiến Thức, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức khẳng định, hiện nay
Nhà hát Thủ Đức vẫn đang hoạt động hiệu quả và cần thiết cho người dân trên địa bàn quận Thủ Đức.
|
Nhà hát Nhân dân Thủ Đức, quy mô khoảng 1.000 chỗ ngồi, tọa lạc giữa trung tâm Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức. |
Theo bà Thúy, Nhà hát Nhân dân Thủ Đức được xây dựng từ năm 1984 với kinh phí hơn 1 tỷ đồng do UBND huyện Thủ Đức (cũ) làm chủ đầu tư. Năm 1986, Nhà hát chính thức đưa vào hoạt động với quy mô 1000 chỗ ngồi nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân địa phương.
|
Nhà hát Nhân dân Thủ Đức được xây dựng từ năm 1984 với kinh phí hơn 1 tỷ đồng do UBND huyện Thủ Đức (cũ) làm chủ đầu tư. |
|
Năm 1986, Nhà hát chính thức đưa vào hoạt động với quy mô 1000 chỗ ngồi nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân địa phương. |
Tháng 7/1991, Nhà hát Thủ Đức được sáp nhập vào Nhà Văn hóa huyện và chính thức trở thành Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức (sau khi huyện Thủ Đức được tách ra thành 3 quận 2, 9, Thủ Đức từ ngày 1/4/1997).
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, do nhà hát được thiết kế không có máy điều hòa nên không thể lắp được máy điều hòa. Tuy nhiên, nhà hát cũng được lắp đặt 8 máy lạnh hơi nước (tương đương máy lạnh) và quạt thông gió.
|
Hơn 30 năm qua, Nhà hát chỉ sử dụng quạt điện trong hoạt động các chương trình khiến không khí vô cùng ngột ngạt, nóng bức. Tuy nhiên, lãnh đạo quậnThủ Đức khẳng định Nhà hát được tranh bị 8 máy lạnh hơi nước (tương đương máy lạnh) và quạt thông gió nên không gây ảnh hưởng gì đến các hoạt động tại Nhà hát! |
|
Do hoạt động không hiệu quả và trải qua thời gian dài, hiện trạng Nhà hát đang xuống cấp. Thỉnh thoảng nơi đây chỉ tổ chức vài chương trình nhưng không xứng tầm với Nhà hát có quy mô rộng lớn, hàng nghìn chỗ ngồi. |
“Với quy mô 1.000 chỗ ngồi, nhà hát đang được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích. Hiện nhà hát thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật như ca nhạc, xiếc; tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn; đặc biệt là phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Quận ủy, UBND quận (huy động cả ngàn đại biểu); các sự kiện như mít tinh, họp mặt chào mừng các ngày lễ lớn, các lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật, nói chuyện chuyên đề của Quận, của các ban ngành đoàn thể quận, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…với số lượng từ 500 đến 1.000 người”, bà Thúy thông tin.
Tuy nhiên, trao đổi thêm với PV
Kiến Thức, ông Vũ Huy Lộc, giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức thừa nhận, các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp, chương trình nghệ thuật… đến thuê nhà hát để biểu diễn bán vé nhưng hiệu suất hoạt động chưa cao do vắng khán giả. Vì vậy nguồn thu này không khả quan, nhà hát phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện… là chính.
|
Vào năm 2017 dịp kỷ niệm 40 năm thành lập, Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức đã tổ chức chương trình kỷ niệm ngay sảnh dưới Nhà hát. |
Trước thông tin nói trên, không ít người dân quận Thủ Đức tỏ ra không đồng tình và cho rằng, nhà hát là nơi để tổ chức các chương trình nghệ nghệ thuật, giải trí mới đúng.
“Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã khẳng định việc lãnh đạo UBND huyện Thủ Đức (cũ) hơn 30 năm trước đầu tư số tiền không phải nhỏ (hơn 1 tỷ đồng thời điểm năm 1984) từ ngân sách, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân. Đến nay, nhà hát này chủ yếu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, họp mặt, tập huấn, nói chuyện chuyên đề… thì liệu nhà hát có thật sự hoạt động hiệu quả theo đúng chủ trương ban đầu là đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân nữa hay không?”, ông Lê Minh Phúc, một người dân ngụ gần Nhà hát Thủ Đức bày tỏ.
Trong khi đó, bà Phan Thị Phượng, ngụ quận Thủ Đức, nguyên cán bộ ngành Bưu điện TP.HCM thẳng thắn góp ý: “Tôi nghĩ đã là nhà hát Nhân dân thì phải hoạt động đúng tên gọi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ cho nhân dân. Nếu thật sự nhà hát không còn hiệu quả vì không phù hợp với thiết kế, cơ sở hạ tầng… thì chính quyền nên tìm giải pháp tối ưu nhất, để tránh lãng phí”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Nguyễn Thị Kim Thúy, Nhà hát Thủ Đức cũng thường xuyên được sửa chữa, tu bổ. Cụ thể, năm 2011 được đầu tư 8 máy lạnh hơi nước (kinh phí 300 triệu đồng); năm 2014 sửa chữa, tu bổ với kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2019, UBND quận đã phê duyệt sửa chữa Trung tâm Văn hóa quận Thủ Đức với dự toán kinh phí 4,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục sửa chữa, cải tạo sảnh đón khách, mái tôn, trần tường, cửa, sân hội trường; nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, cấp điện.
Vũ Sơn