Nhiều quan tâm, nhưng vẫn chỉ định
Tháng 9/2013, báo cáo Thủ tướng xin chủ trương đầu tư Dự án BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho rằng, Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy đã có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tuy nhiên, lượng phương tiện đông nên thường xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Do đó, từ năm 2009, Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, Sau đó, Bộ GTVT trình Thủ tướng xin chủ trương đầu tư tuyến đường này theo hình thức BOT.
Tại Thông báo số 55 ngày 21/2/2012, Thủ tướng kết luận về Đề án mở rộng Quốc lộ 1 giai đoạn 2012-2020: “Riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét sau”. Như vậy, tuyến tránh qua thị trấn Cai Lậy không thuộc diện ưu tiên đầu tư. Ngoài ra, trong dự kiến tới năm 2020, qua địa phận Tiền Giang còn có cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
|
BOT Cai Lậy.
|
Bộ GTVT lúc đó cho rằng, quy mô Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy như trên không đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, kể cả khi có cao tốc. Trên cơ sở đó, bộ này vẫn đề xuất Chính phủ cho chủ trương đầu tư tuyến tránh thị trấn Cai Lậy.
Sau khi được Thủ tướng thông qua chủ trương đầu tư tuyến tránh Cai Lậy, tháng 12/2013, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản xin được chỉ định thầu. Theo bộ này, sau khi đăng tải danh mục dự án kêu gọi đầu tư đã nhận được văn bản đăng ký của một số nhà đầu tư. Trong đó, có Liên danh Cty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Cty CP đầu tư và dịch vụ Nam Phương. Do việc đầu tư tuyến tránh thị trấn Cai Lậy là cấp bách, nên Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư cho dự án. Nhà đầu tư dự kiến là Liên danh giữa 2 công ty trên.
Thực tế, có không ít dự án BOT nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, như trường hợp của BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cũng thừa nhận có nhiều nhà đầu tư gửi văn bản ngỏ ý tham gia.
Không ai quan tâm nên phải chỉ định?
Trả lời PV Tiền Phong về chỉ định thầu tại các dự án BOT giao thông, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải: Với BOT Cai Lậy, dù lúc đầu có vài nhà đầu tư đăng ký tham gia, nhưng sau đó cũng chỉ còn lại 1 nhà đầu tư, nên không tổ chức đấu thầu.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tháng 8 vừa qua cũng chỉ rõ, hầu hết dự án BOT giao thông đều chỉ định thầu dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, theo Luật Đấu thầu, với dự án có nhiều nhà đầu tư tham gia đều phải thực hiện đấu thầu rộng rãi. Chỉ định thầu chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách, có 1 nhà đầu tư tham gia. “Thẩm quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư do các bộ ngành, địa phương quyết định theo quy định, Bộ KH&ĐT không tham gia”, ông Trương nói. Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi một công trình được chỉ định thầu sẽ có nguy cơ cao dẫn tới tiêu cực, xin - cho, lợi ích nhóm. Ngoài ra, do không có sự cạnh tranh, nên các dự án dễ bị “đẩy” giá lên cao để tăng thời gian thu phí, công nghệ lạc hậu, tuổi thọ công trình ngắn...
Theo Lê Hữu Việt/Báo Tiền Phong