Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 101 tuổi.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Người cộng sản kiên trung - một con người của hành động
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã từng viết về người tiền nhiệm của mình là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012, như sau: “Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã gần 100 nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân”.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh khi nói về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã đúc kết: “Đồng chí Đỗ Mười có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhưng rất khiêm tốn. Đồng chí sống chân thành, giản dị, gần gũi chan hòa với mọi người”.
|
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Nói rõ hơn về con người và sự nghiệp của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể rằng, sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, trong 10 năm đầu khi cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1976-1986) hậu quả cuộc chiến tranh ác liệt còn nhiều, ta chưa khắc phục được bao nhiêu.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, lạm phát trên 700%. Biên chế bộ máy nhà nước phình to, chi phí nhiều, hiệu quả thấp. Lực lượng vũ trang quân số đông, nhưng an ninh, quốc phòng không yên tâm. Ta bị bao vây cấm vận ngặt nghèo. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng, lần lượt sụp đổ. Các thế lực phản động ra sức chống phá ta...
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã làm hai việc lớn có ý nghĩa lịch sử: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có nhiều quyết sách mới để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở đó, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội lần thứ VII của Đảng thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội. Cương lĩnh đã tổng kết quá trình cách mạng Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm cho ra những phương hướng và giải pháp đổi mới toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trong hai việc lớn đó, đồng chí Đỗ Mười đều có đóng góp quan trọng. Đồng chí Đỗ Mười làm rất cụ thể và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Đỗ Mười đã cùng Đảng và Nhà nước đề xuất nhiều giải pháp chống lạm phát có hiệu quả, đưa lạm phát từ 774% năm 1986 xuống còn 34,7% năm 1989 và 14% năm 1992. Trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, việc nước ta gia nhập ASEAN, vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, đều có công đóng góp của đồng chí Đỗ Mười.
Ứng xử khôn khéo trong hoạt động đối ngoại
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Nguyễn Mạnh Cầm ấn tượng về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười bởi lối sống rất giản dị, bao giờ cũng chỉ mặc bộ đại cán bạc màu; trong tiếp xúc luôn sôi nổi nhưng chân tình, thân mật.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm nhớ mãi thời điểm ông về nước nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoài giao. Đầu tháng 11/1992, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm Trung Quốc. Một cuộc đi thăm có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu việc bình thường hóa quan hệ chấm dứt hơn 10 năm quan hệ căng thẳng, mở ra một giai đoạn mại trong lịch sử quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.
Theo trí nhớ của ông Nguyễn Mạnh Cầm, ngoài cuộc hội đàm chung giữa hai Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ hai nước còn có nhiều cuộc gặp riêng giữa đồng chí Giang Trạch Dân - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đồng chí Lý Bằng - Thủ tướng Quốc vụ viện với đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt.
|
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. - Ảnh tư liệu. |
Chính các cuộc gặp riêng này mới cụ thể hóa những nguyên tắc và phương hướng khôi phục và phát triển quan hệ được thỏa thuận trong hội đàm chung.
Hai bên trao đổi ý kiến về những biện pháp, những việc làm cụ thể để cho quan hệ nhanh chóng trở lại bình thường. Cụ thể là tiến tới ký kết hiệp định về biên giới trên bộ trước năm 2000, để xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị giữa hai nước khi bước vào thế kỷ XXI. Thực hiện việc phân định vịnh Bắc Bộ một cách công bằng, hợp lý, chậm lắm là vào năm 2000.
Đối với những vấn đề ít nhiều phức tạp, do lịch sử để lại khó có thể giải quyết một sớm một chiều thì lanh đạo cao nhất của hai Đảng, hai Chính phủ thỏa thuận giải quyết từng bước trên tinh thần đồng chí, láng giềng hữu nghị vì lợi ích của hai Đảng, hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Sau khi ký thông cáo chung về chuyến thăm, đoàn rời Bắc Kinh đi thăm thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông); đặc khu kinh tế Thâm Quyến - khu kinh tế tiêu biểu cho thành công của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc với những thành quả vượt bậc và thành phố Nam Ninh (thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây).
Khi gặp lãnh đạo các địa phương này, đồng chí Đỗ Mười đặt rất nhiều câu hỏi, từ chủ trương cải cách mở cửa, những biện pháp tiến hành, những chủ trương cụ thể đến kết quả đạt được, so sánh với tình hình trước khi tiến hành cải cách. Đến đâu đồng chí cũng yêu cầu được đi xem một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân
Lúc này chúng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới được 5 năm, tôi hiểu đồng chí muốn tìm hiểu kinh nghiệm của các địa phương bạn để đối chiếu với cách làm của ta nhằm rút ra những bài học thiết thực cho quá trình tiếp tục công cuộc đổi mới về sau. Một số cuộc trao đổi, ý kiến hay đi thăm cơ sở đồng chí chia sẻ ngay với chúng tôi những điều đồng chí tâm đắc những điều ta nên học tập.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Cầm về dấu ấn của đồng chí Đỗ Mười trên lĩnh vực đối ngoại tôi không thể kể hết được, nhưng không thể không nói đến ý kiến quyết định của đồng chí đối với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, bước mở đầu quá trình đưa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Khi đồng chí Võ Văn Kiệt với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bộ trướng dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ ta thăm các nước ASEAN nhằm cải thiện và thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, được thông qua tại Đại hội toàn quốc lần thử VII của Đảng (tháng 6-1991).
Trong dịp này một số nhà lãnh đạo ASEAN gợi ý Việt Nam xem xét vấn đề gia nhập ASEAN. Đồng chí Võ Văn Kiệt trao đổi với chúng tôi, các thành viên trong đoàn để thống nhất ý kiến về báo cáo với Bộ Chính trị.
Khi về nước, ông Nguyễn Mạnh Cầm được giao đến báo cáo với đồng chí Tổng Bí thư. Sau khi nghe trình bày xong, đồng chí Đỗ Mười nói ngay: "Tình hình đã thay đổi, căn cứ kết quả chuyến đi thăm của anh Kiệt với thái độ của các nước ASEAN đã thay đổi so với mấy năm nước khi còn vấn đề Campuchia. Họ lại chủ động hợp tác để đưa khu vực phát triển. Lúc này ta gia nhập ASEAN là thích đáng. Gia nhập ASEAN sẽ làm tăng thêm sức mạnh của ta, tăng thêm vị thế của ta". Vấn đề sau đó được đưa ra xin ý kiến Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm còn có một ấn tượng khó quên về đồng chí Đỗ Mười trong chuyến thăm Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cầm, trong hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc, có một việc đồng chí Đỗ Mười không hề đề cập, không nói ra nhưng phía Hàn Quốc lại rất chú ý.
Sau hội đàm trong một cuộc gặp riêng với đồng chí Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc thẳng thắn và chân thành nêu: "Tôi rất cảm phục sự tế nhị của người Việt Nam. Có một việc do lịch sử để lại tuy trong hội đàm ngài Tổng Bí thư không đề cập đến vì tế nhị nhưng chúng tôi vẫn canh cánh trong lòng. Đó là việc quân đội Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam và đã gây nhiều thiệt hại cả về người và của cho nhân dân Việt Nam. Đó là món nợ mà chúng tôi phải trả. Tôi hứa với ngài Tổng Bí thư sẽ yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn và công ty Hàn Quốc hợp tác tốt với Việt Nam để trả món nợ này. Mong ngài Tổng Bí thư thông cảm".
Sau chuyến thăm của đồng chí Đỗ Mười, Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập đại diện các bộ ngành và tập đoàn, công ty Hàn Quốc giao trách nhiệm. Chỉ một thời gian ngắn sau ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc đã đưa quan hệ với Việt Nam phát triển.
*(Bài viết sử dụng tư liệu Cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm 2012).
Thiên Nga