Trong suốt 9 năm, trên cương vị là Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, để lại trong lòng nhân dân ấn tượng khó phai về một vị Thủ tướng gần dân.
|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. |
Lèo lái kinh tế Việt Nam vượt bão tố
Tháng 7/1997, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra khiến nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gồm cả Việt Nam "lao đao". Tháng 9/1997, đồng chí Phan Văn Khải được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam.
Lúc bấy giờ, tình hình kinh tế hết sức căng thẳng, mức độ tăng trưởng liên tụt sụt giảm từng năm một. Điều đáng nói, vốn đầu tư ở nước ngoài trực tiếp đăng ký nếu trong năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, thì năm 1997 chỉ còn 5,6 tỷ USD… Đến năm 1999 đạt 2,6 tỷ USD.
Ngoài ra, lạm pháp cũng tăng rất cao, năm 1996 là mức 4,5 %, năm 1997 là 3,6 %... Đến năm 1998 tăng vọt lên 9,2 %... Ngoài ra, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, thì đến năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%...
Trước nền kinh tế Việt Nam khủng hoảng trầm trọng, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các cán bộ chính phủ nỗ lực hết sức đưa con thuyền đất nước ra khỏi bão tố. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam trong hội nhập đổi mới nền kinh tế, sau đó nền tăng trưởng GPD đạt trung bình 7%.
Thời kỳ năm 2000, GDP tăng 6,8% và giữ nguyên đến năm 2006-2007. Lạm phát trong suốt thời gian Thủ tướng Phan Văn Khải lãnh đạo đất nước luôn giữ ổn định dưới mức 10%/năm.
Chẳng thế mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”.
Nhà lãnh đạo đầu tiên của chính phủ Việt Nam thăm Hòa Kỳ sau 30 năm
Không chỉ ghi dấu ấn về mặt kinh tế, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng để lại ấn tượng khó phai về mặt ngoại giao. Đó là việc ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ sau 30 năm (năm 2005).
|
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức nước Mỹ. |
Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh rằng: “Cuộc gặp của tôi và Tổng thống Bush tại Nhà Trắng chứng tỏ quan hệ của hai nước chúng ta đã bước sang tầm cao mới, cùng nhau xua tan bóng đêm của quá khứ, đón nhận ánh sáng của tương lai. Đó là tương lai của mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.
Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ đã được ký kết đưa Mỹ lên các nước hàng đầu về kim ngạch buôn bán hai chiều với Việt Nam.
Bên cạnh đó, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn gặp gỡ tỷ phú Bill Gates - nhà sáng lập hãng công nghệ Microsoft. Ngay sau đó, Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thỏa thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.
Cùng thời điểm nay, sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada đầu tiên từ khi hai nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1973. Trong chuyến thăm, cũng đã có nhiều hiệp định được, thỏa thuận đối tác phát triển giữa hai nước được ký kết.
Đặc biệt, trong năm 2006, sự kiện đàm phán gia nhập WTO thành công và quan trọng hơn là những chỉ số kinh tế vĩ mô vượt trên sự mong đợi.
Nhận lỗi trước nhân dân vì để xảy ra tham nhũng
Trong suốt quá trình lãnh đạo chính phủ suốt gần 10 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải luôn "dám chịu trách nhiệm, không đổ lỗi và dám nhìn thẳng vào vấn đề".
Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội ngày 16/6/2006 của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Phát biểu trước Quốc hội khi đó, cố Thủ tướng Phan Văn Khải nói: "Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công diễn ra có phần tệ hại hơn mấy năm qua. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và QH. Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho được thôi chức Thủ tướng”.
Điểm lại những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong 9 năm điều hành Chính phủ, ông Khải xúc động: “Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế, xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục, nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn; tình trạng lãng phí thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài. Giáo dục, đào tạo còn nhiều hiện tượng tiêu cực, cải cách hành chính và phát huy dân chủ còn chậm trễ, bất cập, bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp”.
Ngày 27/6/2006 ông được Quốc hội miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ trước 1 năm kết thúc nhiệm kỳ.
Có thể nói, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đã kế tục một cách xuất sắc người tiền nhiệm của mình - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đưa việc điều hành nền kinh tế lên một tầm cao mới.
Sáng 17/3, TTXVN dẫn tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương cho biết nguyên uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3/2018 tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM.
Tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức với nghi thức quốc tang trong 2 ngày 20 - 21/3. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban lễ tang.
Khánh Hoài (T/H)