Tối ngày 6/3, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết chiều cùng ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận một trường hợp ở Hà Nội dương tính với Covid-19, tên Nguyễn Hồng Nhung (26 tuổi, làm quản lý khách sạn, ở 125 Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).
Theo đó tại cuộc họp khẩn về diễn biến phát hiện trường hợp mới nhất dương tính với COVID-19, Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh nhân Nhung kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
|
Toàn cảnh cuộc họp khẩn của lãnh đạo thành phố Hà Nội đêm ngày 6/3. Ảnh: VGP |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh nhân Nhung xuất cảnh ngày 15/2 bay sang London (Anh), ngày 18/2 bay sang Milan (tỉnh Lombardy, Italia) du lịch. Tại thời điểm này, tại tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch COVID-19 bùng phát. Ngày 20/2, bệnh nhân quay trở về Anh. Ngày 25/2, bệnh nhân sang Paris, Pháp du lịch 1 ngày. Ngày 29/2, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện ho, nhưng không đi khám. Đến ngày 1/3, bệnh nhân bị thêm đau mỏi người, không rõ sốt.
Sau đó, Nhung lên máy bay trở về Việt Nam trên chuyến bay có số hiệu VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4h30 sáng ngày 2/3.
Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp bệnh nhân Nhung giấu bệnh, khai dối hành trình di chuyển có thể bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thông tin về một người phụ nữ 26 tuổi trú tại thành phố Hà Nội là bệnh nhân thứ 17 nhiễm covid- 19 đã kết thúc 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới là một thông tin rất đáng buồn, gây lo lắng cho nhiều người.
Khi có thông tin vụ việc nêu trên, TP Hà Nội đã họp khẩn cấp trong đêm để tìm cách phòng và chống dịch từ tình huống cấp 100 này. Trước tiên sẽ cần phải làm rõ thông tin mà người phụ nữ này khai báo y tế xem có chính xác hay không? Tại sao tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 (là chị gái của nữ bệnh nhân này) mà nữ bệnh nhân này không khai báo? Căn cứ nào cho thấy người chị gái của bệnh nhân này nhiễm bệnh dịch, tiếp xúc với bệnh nhân này diễn ra như thế nào, sau khi tiếp xúc với chị gái, Nhung đã tiếp xúc với bao nhiêu người, kể cả những người trên chuyến bay cùng về Việt Nam?
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì người tiếp xúc với người bệnh dịch truyền nhiễm khi trở về nước bắt buộc phải cách ly y tế... Việc người này tiếp xúc với người nhiễm bệnh dịch và sau đó có biểu hiện của bệnh dịch này (mệt mỏi, ho, sốt...) mà không khai báo y tế, không thực hiện thủ tục cách ly theo quy định của pháp luật là không tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng và chống bệnh truyền nhiễm.
Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều đáng trách hơn là sẽ làm tất cả những người đi cùng chuyến bay về Việt Nam và những người mà người phụ nữ này tiếp xúc gần từ đó đến nay buộc phải cách ly y tế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Theo điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, các trường hợp thuộc diện phải cách ly y tế nhưng cố tình không khai báo thông tin thì có thể bị xử phạt hành chính và bắt buộc phải cách ly y tế theo quy định pháp luật. Biện pháp hành chính bắt buộc có thể áp dụng để hạn chế quyền công dân trong trường hợp nhiễm bệnh dịch là cách ly y tế.
Điều 49 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định Tổ chức cách ly y tế quy định, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Nghị Định Số: 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch nêu rõ về áp dụng biện pháp cách ly y tế và biện pháp cách ly tại cơ sở y tế, biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu.
Theo điều 36 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 thì khai báo y tế được áp dụng với các đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới gồm: Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam; Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam. Kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
Đối với việc cách ly y tế, tại điều 49 quy định, Cơ sở y tế trong vùng có dịch chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cách ly theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo chống dịch. Trường hợp Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly, không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế sẽ bị xử phạt theo Điều 10.
Cụ thể, Hành vi Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng ; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, người mắc bệnh cố tình che dấu tình trạng bệnh là hành vi vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau như : a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; b) Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; b) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; c) Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.
5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; b) Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; c) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch; b) Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; c) Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; d) Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.
Điều 12 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi Vi phạm quy định về kiểm dịch y tế biên giới như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện khai báo về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định; b) Từ chối kiểm tra y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không chấp hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra thực tế của kiểm dịch viên y tế đối với đối tượng phải kiểm dịch y tế; b) Không báo tín hiệu xin kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật đối với chủ phương tiện vận tải đường thủy nhập cảnh; c) Không thực hiện biện pháp chống chuột và trung gian truyền bệnh khác trên phương tiện vận tải khi các phương tiện đó đỗ, neo đậu vào ban đêm hoặc quá 24 giờ tại khu vực cửa khẩu, khu vực kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật;
d) Không liên lạc bằng vô tuyến điện cho tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tại cửa khẩu trước khi tàu bay hạ cánh trong trường hợp hành khách hoặc phi hành đoàn trên chuyến bay có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy chứng nhận kiểm dịch y tế; b) Vận chuyển thi hài, hài cốt, tro cốt, chế phẩm sinh học, vi trùng, mô, bộ phận cơ thể người, máu và các thành phần của máu qua cửa khẩu mà chưa được tổ chức kiểm dịch y tế kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch y tế; c) Che giấu hoặc xóa bỏ hiện trạng phải kiểm dịch y tế.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; b) Giả mạo giấy chứng nhận kiểm dịch y tế.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này; b) Buộc tiêu hủy giấy chứng nhận kiểm dịch y tế biên giới đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều này.
Trước sự việc mới xảy ra, ban chỉ đạo phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ tiến hành tích cực hơn các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông và tiến hành các hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật.
Hải Ninh