Ngưỡng mộ những thầy cô giáo ươm mầm xanh nơi đảo xa

Google News

Đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống nhưng những giáo viên nơi đảo xa vẫn kiên trì bám trụ để ươm “mầm xanh” cho Tổ quốc.

2 lần lỡ tang cha, mẹ
Đó là chuyện buồn của một giáo viên nơi đảo xa khiến không ít người nghe phải ngậm ngùi. Năm 1996, cô Vũ Thị Hà, lúc đó là giáo viên Trường Tiểu học Lê Thiện (An Dương, Cát Bà, Hải Phòng) quyết định viết đơn tình nguyện ra dạy tại trường tiểu học, mẫu giáo Bạch Long Vĩ. Quyết định của cô khiến người thân rất "sốc", ai cũng nghĩ cô... có vấn đề mới từ bỏ công việc ổn định ở một trường trên đất liền để ra đảo xa tít tắp. "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ, mình còn trẻ, có sức khỏe và nhiệt huyết nên chịu đựng được mọi thử thách" - cô Hà nói.
Nguong mo nhung thay co giao uom mam xanh noi dao xa
Những học trò nhỏ trong lớp học của thầy giáo Quyết trên đảo Song Tử Tây (Trường Sa). Ảnh: NVCC.
Nghĩ là làm, cô Hà không do dự xách ba lô xuống tàu ra biển. Đúng hôm đó biển động, cô giáo trẻ lần đầu ra biển trên một con tàu đánh cá nhỏ của ngư dân đã vật vã vì say sóng: "Ai từng đi biển, từng say sóng mới có thể hiểu được. Lúc đến nơi, tôi gần như kiệt sức, không thể tự đi được. Mọi người phải dìu tôi vào giường nằm, và cứ nằm thế mất mấy hôm mới tỉnh táo được" - cô Hà kể.
Nhưng đó không phải là thử thách lớn nhất đối với cô. Điều khiến cô hơn 20 năm gắn bó với đảo chính là sự thiếu thốn và khát khao được đi học của học sinh vùng biển xa xôi này.
Cô giáo Hà kể, hồi mới ra đảo, mọi thứ đều thiếu thốn, trường lớp chưa được xây dựng, cô cùng một đồng nghiệp khác phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ ủy ban nhân dân huyện đến nhà dân. Lúc ấy, trên đảo chỉ toàn cát và xương rồng, đời sống của người dân rất khó khăn. Chính vì vậy, đồ dùng học tập, sách giáo khoa, những thứ tối thiểu nhất cho việc dạy - học cũng trở thành niềm mơ ước xa xỉ của cô trò.
"Nhiều lúc nản lắm, nhưng đổi lại giáo viên nhận được rất nhiều sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là phụ huynh và học sinh. Học sinh ở đây ít nên các cô đều coi như con cháu trong nhà. Các con chịu nhiều thiệt thòi và thiếu thốn, chính vì vậy mình luôn tâm niệm phải dạy các con bằng tất cả tình yêu thương, bổn phận giống như người mẹ thứ 2 của chúng" - cô Hà nói.
Ra đảo năm 25 tuổi, tới năm 28 tuổi, cô Hà lập gia đình trên đảo. Chồng cô cũng xung phong ra đảo vì... tiếng gọi tình yêu. Cô Hà cho biết, trước đó, 2 người đã có một thời gian dài yêu nhau khi còn ở đất liền. "Lúc tình nguyện ra đảo dạy, bạn trai không ủng hộ lắm, nhưng vì mình quyết tâm, nên anh ấy cũng muốn đi theo. Tuy gia đình không đồng nhưng anh quyết xin vào thanh niên xung phong để được gần mình" - cô Hà chia sẻ.
Những nhọc nhằn thiếu thốn về vật chất, cô Hà đều vượt qua không hề than vãn, tuy nhiên trái tim cô giáo của đảo đã từng đau đớn, thắt nghẹn vì 2 lần bố và mẹ mất cô đều không kịp trở về. Tháng 2/2002, nghe tin bố ốm nặng không qua khỏi, cô vật vã tìm tàu về đất liền nhìn mặt cha lần cuối nhưng không được. 10 năm sau, cô lại nhận được tin mẹ mất đúng vào hôm bão to, tàu không thể ra biển. Phải một tuần sau cô mới về đến nhà thắp hương trước mộ mẹ. "Những người thân yêu cứ lần lượt ra đi, tuổi thanh xuân cũng gửi lại đảo xa này, nhưng tôi không hối hận vì đã dành trọn tình yêu nơi đây" - cô Hà nghẹn ngào.
Khóc vì được ra đảo dạy học
Nguong mo nhung thay co giao uom mam xanh noi dao xa-Hinh-2
Cô Vũ Thị Hà. T.L.
Cô Vũ Thị Hà và thầy Lê Xuân Quyết là 2 trong số 42 thầy cô giáo đang công tác tại các huyện đảo, xã đảo vừa được T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương.
Câu chuyện của thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết, Trường Tiểu học Song Tử Tây, Trường Sa thêm một lần nữa khiến cho nhiều người nể phục vì tâm huyết của những giáo viên trẻ thế hệ mới dám đương đầu với sóng gió nơi biển tiền tiêu để gieo chữ.
Sinh năm 1990 trong một gia đình nghèo, thầy giáo Quyết từng chứng kiến nhiều bạn bè cùng lứa tuổi vì nhà nghèo mà phải bỏ học giữa chừng. Vì vậy, ngay từ nhỏ Quyết đã có mơ ước trở thành giáo viên để đem con chữ đến với học sinh ở những vùng khó khăn nhất. Từ khi còn là sinh viên năm 2, năm 3 ĐH Sư phạm Nha Trang, Quyết đã nhiều lần chủ động lên Sở GDĐT Khánh Hòa hỏi về việc tuyển giáo viên ra Trường Sa. Ngay sau khi tốt nghiệp, Quyết đã viết đơn tình nguyện ra đảo dạy học.
"Tôi đã khóc khi cầm trong tay quyết định ra Trường Sa dạy học. Lúc đó, tôi chưa biết những khó khăn cụ thể như thế nào, chỉ biết mong ước tột cùng của mình đã thành hiện thực, rất hạnh phúc" - thầy Quyết chia sẻ.
Sau chuyến đi biển dài đến 14 ngày, vật vã vì say sóng, cuối cùng thầy Quyết mới đến được địa điểm dạy học tại đảo Song Tử Tây. "Lúc đầu, điều kiện trường lớp chưa có, thầy trò chỉ học tạm trên một lô cốt của bộ đội lợp mái tôn. Những lúc trời nắng, nhiệt độ trong lớp học lên cao, không có điện nên không có quạt mát, cả thầy và trò đều đầm đìa mồ hôi. Thương các em, tôi động viên các em nghỉ đợi bớt nắng nóng rồi học, nhưng rất ngạc nhiên là tôi lại được những học sinh nhỏ xíu động viên lại: Chúng em vẫn học được" - thầy Quyết xúc động kể.
Không chỉ trường lớp, điều kiện sinh hoạt ngoài đảo cũng rất khắc nghiệt. Thầy Quyết cho biết, giống như các đảo khác, điện và nước ngọt là hai thứ quý hiếm nhất trên đảo. Những khi điện phập phù, thầy Quyết phải ôm tập vở ra ngoài đường để ngồi chấm bài dưới ánh đèn đường. Vào mùa mưa, nước sạch sẵn hơn thì điện... tịt hẳn. "Những lúc như thế thường xuyên phải thắp nến ngồi chấm bài. Nước ngọt khan hiếm, nhiều khi đánh răng, rửa mặt xong cốc còn dư thừa chút nước cũng phải đổ lại bình để dành lần sau dùng tiếp" - thầy Quyết chia sẻ.
Theo thầy Quyết, hiện điều kiện trường lớp cũng khang trang, sạch sẽ và đầy đủ hơn bởi được sự quan tâm của ngành giáo dục địa phương. Cả trường hiện chỉ có 14 học sinh lứa tuổi từ mầm non tới tiểu học. Thầy và một thầy giáo nữa thay phiên nhau đứng lớp. "Trường ít thầy, ít trò nên giáo viên vừa giống như gia sư, lại giống như anh trai. Ngoài việc dạy học, thầy trò cùng nhau tăng gia sản xuất: Trồng rau, đánh cá... quây quần chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống" - thầy Quyết nói.
Thầy Quyết chia sẻ, học sinh vùng biển đảo, em nào em nấy da rám nắng, nhưng sống rất tình cảm. "Năm nào cũng thế, cứ đến 20.11 là các em ấy "bàn bạc" nhau mất mấy ngày liền để chuẩn bị quà cho thầy. Trên đảo không có hoa tươi, cũng không có thiệp đẹp. Các em tự tay làm những bông hoa từ giấy xé trong tập vở cũ của mình rồi viết thiệp cũng bằng giấy ô li để tặng thầy. Những lời chúc rất giản dị, những bông hoa giấy rất đơn sơ nhưng tôi hiểu, đó là tất cả tình cảm mà học trò nơi đây dành cho thầy giáo của mình. Chính những bông hoa giấy ấy đã níu chân, giữ vững trái tim mình quyết tâm với hành trình mình đã chọn ở nơi đảo xa" - thầy Quyết xúc động nói.
Theo Tùng Anh/Dân Việt