Chiều 22/7, sau khi VKS công bố xong bản cáo trạng vụ án Trịnh Văn Quyết, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo.
HĐXX xét hỏi một số bị cáo bị truy tố hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán. Nhiều bị cáo là người thân, anh em, cháu, thông gia của bị cáo Trịnh Văn Quyết; đều thừa nhận tội danh bị truy tố.
Lời khai của những người này thể hiện không góp vốn, không phải cổ đông Công ty Faros, nhưng được nhờ đứng tên khi Faros tăng vốn điều lệ. Vì thế họ bị truy cứu về hành vi giúp sức ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc niêm yết và bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros.
Những người này còn cho mượn giấy tờ cá nhân theo đề nghị của bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết) để mở các tài khoản chứng khoán, đứng tên pháp nhân phục vụ cho chuỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
|
Các bị cáo bị xét hỏi chiều 22/7. |
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land, là chồng của bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ruột ông Quyết thừa nhận có cho bị cáo Huế mượn CMND để mở tài khoản chứng khoán, thành lập pháp nhân, nhưng không nhớ là bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu pháp nhân.
Bị cáo Mạnh trình bày không biết việc bị cáo Huế sử dụng các tài khoản để mua bán chứng khoán ra sao, bị cáo không được hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận các tội danh bị truy tố.
Bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, là anh họ bị cáo Quyết. Tại phiên tòa, ông Đại nói rằng không nộp tiền góp vốn, không nhận tiền vay của Công ty Faros, nhưng được bị cáo Huế nhờ đứng tên cổ đông.
Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Tuân, cựu giám đốc Công ty FLC Land, là cháu họ ông Quyết, trình bày rằng bị cáo vào làm từ 2009 với vị trí nhân viên vật tư, đến năm 2020 là trưởng phòng vật tư chuyên tìm nhà cung cấp cho FLC.
Bị cáo Tuân khai, bản thân không phải là cổ đông Công ty Faros, không góp vốn. Sau khi lên làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới nhớ có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền mua cổ phần trị giá 15 tỉ đồng và một số chứng từ chưa có nội dung. Đến lúc này mới biết bị cáo có góp vốn vào Công ty Faros.
Ông Tuân khai được bà Trịnh Thị Minh Huế nhờ nên cho mượn giấy tờ tùy thân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán và nghĩ ký chứng từ là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Về Công ty FLC Land, ông Tuấn khai “con dấu công ty do cô Huế quản lý, bị cáo chỉ ký khi được nhờ, không biết hoạt động công ty ra sao”.
Ở hành vi thao túng chứng khoán, bị cáo Tuân thừa nhận có cho mượn giấy tờ để thành lập 1 pháp nhân và 33 tài khoản chứng khoán.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung khai gia đình bị cáo là thông gia với gia đình bị cáo Quyết. Bà Dung trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền. Tuy nhiên, do được nhờ, nên bà Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Huế và không được hưởng lợi gì.
Cũng như các bị cáo nói trên, bà Dung thừa nhận có cho mượn CMND để mở tài khoản nhưng không nhờ bao nhiêu tài khoản.
Ngoài ra, khi được hỏi về mối quan hệ "làm ăn" với Trịnh Văn Quyết, một số bị cáo cho biết là do Trịnh Văn Quyết chỉ đạo hoặc nhờ đứng tên, ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Thậm chí, việc nhận cổ phần cũng chỉ trên giấy tờ chứ không có thực và cũng không hưởng lợi từ số cổ phần này.
Trong ngày 22/7, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 50 bị cáo trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Thao túng thị trường chứng khoán; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).
Ngoài cựu Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết, 49 bị can khác cũng bị đưa ra xét xử về các tội danh tương tự. Trong số đó, có ông Lê Hải Trà - cựu Ủy viên hội đồng thường trực, Phó tổng giám đốc thường trực, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Các bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết), cùng bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó chủ tịch FLC, bị truy tố về hai tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Phiên tòa được Thẩm phán Vũ Quang Huy, Phó Chánh tòa Tòa án hình sự, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, chủ tọa. phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Hơn 50 luật sư, trong đó có 4 luật sư đại diện cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, đã đăng ký tham gia bào chữa.
Vụ án này thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn FLC, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của các công ty niêm yết.
Thiên Tuấn