Người Việt uống quá nhiều vào ngày Tết
Tết luôn là từ mà khi nhắc đến, rất nhiều người sẽ cảm thấy hồi hộp, háo hức mong chờ. Những ngày này, không chỉ có người Việt, mà cả những người nước ngoài sống ở Việt Nam cũng đang cảm thấy hơi thở của Tết Nguyên đán đã rất gần.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Ad Peacock, một nhiếp ảnh gia người Anh chia sẻ, đây là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt Nam vì muốn ghi những tấm ảnh về con người nơi đây. Một phần ông Peacock quyết định đến Việt Nam bởi được rất nhiều bạn bè gợi ý. Giống với nhiều người ngoại quốc khác vừa “chân ướt chân ráo” đến Việt Nam, ông Peacock bị “ấn tượng” bởi nét văn hóa giao thông đặc trưng.
|
Ông Ad Peacock trên phố Hàng Mã. |
Ông nói: “Phải nói là ngày thường, việc ra đường đối với tôi chẳng khác gì đi du lịch mạo hiểm. Tôi thật sự không hiểu tai sao nhiều người không thể chờ đến khi đèn giao thông thật sự chuyển sang màu xanh rồi mới đi. Có vẻ như chuyện tuân thủ luật giao thông ở Việt Nam như thể cho có lệ vậy.
Những ngày Tết thế này, tôi có cảm giác người ta đi nhanh hơn những ngày thường. Tôi đã nhìn thấy những người đi xe máy chở cây, mà sau khi tôi hỏi những bạn bè người Việt thì mới biết đó là cây quất – một loại cây truyền thống trong ngày Tết ở Việt Nam.
Tôi được nghe nói vào ngày Tết thì Hà Nội sẽ rất vắng lặng. Tôi muốn ở lại đây để cảm nhận điều đó lần đầu vì thường ngày quá đông người”.
Ông nói tiếp: “Có rất nhiều điều làm tôi yêu Việt Nam ngay từ những ngày đầu tiên đến đây. Tôi yêu những nụ cười của con người Việt Nam, rất chân thật.
Đồ ăn thì khá rẻ và ngon, ý tôi là đồ vỉa hè ấy. Tôi thích nhất bún chả và bánh mì. Từng dãy phố đông người hơn ngày thường, trang trí nhiều màu sắc, nhất là trên phố cổ những ngày này. Điều ấn tượng nhất của tôi về Tết, là khi mọi người bỏ hết mọi thứ sau lưng để về đoàn tụ với gia đình, người thân, rồi thắp hương tri ân tổ tiên".
Ngoài những ấn tượng trên, ông Ad Peacock còn chia sẻ những điều mà ông thấy "đáng sợ" khi trải nghiệm tại đây.
Ông bộc bạch: “Thực sự tôi thấy Tết ở Việt Nam cũng đáng sợ. Nó chỉ là một chút. Có một lần tôi về quê của một người bạn. Tôi được gia đình họ chào đón rất niềm nở, thân thiện. Bánh chưng cũng là món ăn tôi cảm thấy rất ngon.
Tuy nhiên, điều tôi nói đáng sợ hồi nãy, là việc người ta uống rượu quá nhiều vào ngày Tết mà không quan tâm đến sự an toàn của bản thân hay không. Chính bản thân tôi khi ngồi ăn cùng nhiều người cũng phải từ chối không ít lần để có thể giữ cho mình tỉnh táo.
Khi say, thì người ta hay không làm chủ được lời nói, rồi gây ra mâu thuẫn. Đó cũng là điều mà tôi hy vọng mọi thứ sẽ thay đổi dần dần”.
Ở lại Việt Nam để tìm lại không khí Tết
Đến từ Nhật Bản, anh Kazuhiko Yamada hiện đã sống và làm việc ở Việt Nam được 5 năm. Anh cảm thấy Tết ở Việt Nam khá thân thuộc, do nền văn hóa giữa 2 nước có nhiều điểm tương đồng.
“Một trong những điều mà tôi thích nhất ở Hà Nội là nhâm nhi cà phê ở một góc, nhìn ra phía cửa sổ ngắm phố phường. Tôi cảm nhận rất rõ cái chất "Hà Nội" khi tự tay lái xe máy trên từng con phố. Rồi khi Đội tuyển Việt Nam chiến thắng, người ta đổ xô ra đường ăn mừng với chiếc áo in hình sao vàng. Những ngày Tết này, rất nhiều người mua cây đào rồi cả quà tặng" - anh Yamada hào hứng kể.
|
Anh Kazuhiko Yamada trong một chuyến du lịch Hạ Long. |
Anh cho biết: "Tôi đã cảm nhận Hà Nội suốt 5 năm nay và nhận thấy rằng thủ đô đang thay đổi khá nhiều. Tết cũng vậy. Các shop quần áo đua nhau trang trí, giảm giá dịp cuối năm. Ở siêu thị thì có rất nhiều mặt hàng được bày bán. Chất lượng các sản phẩm tốt dần, nhưng giá cũng không hề rẻ. Bánh và rượu vang đều rất tuyệt. Giờ thì tôi cũng có thể tìm được những món sô cô la ngon lành ở Việt Nam.
Tết là một dịp mà bất cứ ai cũng thấy thiêng liêng khi nhớ về cội nguồn. Tất nhiên, nhiều người vẫn giữ được những nét truyền thống của ngày Tết. Ví dụ như về quê và sum họp với gia đình, quây quần bên nồi bánh chưng. Nhiều người khác thì lại chọn cách đi du lịch nghỉ dưỡng.
Tôi biết đây là thời buổi kinh tế, nên phong cách sống cũng đang dần thay đổi. Nhưng tôi hy vọng, người Việt sẽ tận hưởng những ngày này cùng những người yêu thương, kể cả khi cách tận hưởng ngày Tết đang dần thay đổi từng ngày”.
Nói về những ngày Tết ở Nhật Bản, anh Yamada tâm sự rằng có chút tiếc nuối vì ngày Tết âm lịch ở quê nhà đang dần mờ nhạt. Đó cũng là một trong những lý do mà anh muốn tiếp tục ở lại Việt Nam để có thể cảm nhận không khí năm mới.
Quý An