Năm 1971, theo tiếng gọi của tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Dậu lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe thuộc Đại đội 36, Tiểu đoàn 743, Trung đoàn 525, Cục Vận tải.
|
Ông Nguyễn Dậu xúc động kể về những ngày tháng làm nhiệm vụ vận tải, phục vụ kháng chiến. |
Năm 1972, anh lính trẻ Nguyễn Dậu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa từ Bến Đá trên sông Kiến Giang, thuộc thôn Trường An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vào sông Bến Hải, thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Như nhiều người lính trong chiến tranh, được nhân dân nuôi dưỡng, Nguyễn Dậu cùng 2 đồng đội khác được gia đình cụ Lê Con, trú tại thôn Bình An, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh nhường nơi ở, lo cho từng bữa ăn hàng ngày.
|
Khu vực Bến Đá, huyện Quảng Ninh, từng là nơi tập kết hàng hóa của quân đội để chuyển vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ. |
Ông Dậu kể, bản thân ông và đồng đội đã ở nhà của cụ Lê Con 4 tháng. Thậm chí, để bộ đội có nơi nghỉ ngơi thoải mái, vợ chồng cụ Lê Con nhường cả nhà, còn cả gia đình dựng lán ở đồi cát để ở. Chỗ ngủ giữa đêm đông và những bữa cơm vốn đạm bạc nhưng ấm tình quân dân trong những năm tháng chiến tranh là ký ức không bao giờ quên với ông Dậu.
"Hai cụ thương bộ đội lắm, xem chúng tôi như con trong nhà. Vợ chồng cụ nhường phần cơm ngon, lo từng chiếc áo ấm và luôn dặn dò toán lính trẻ chúng tôi phải ăn no để có sức phục vụ tổ quốc, quyết tâm thống nhất đất nước. Cuối năm 1972, tôi cũng ở lại đây đón Tết cùng gia đình cụ Lê Con", ông Dậu rưng rưng nhớ lại.
|
Ông Nguyễn Dậu và ông Lê Phương Đông. |
Gia đình cụ Lê Con chỉ có một người con là ông Lê Phương Đông, năm nay 67 tuổi. Đây cũng là người cùng ăn, cùng ngủ với ông Dậu trong những ngày tháng ở Quảng Bình. Ông Đông từng là Bí thư Đảng ủy xã Gia Ninh, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận huyện Quảng Ninh.
Với ông Dậu, ông Đông như một người em ruột, cùng chia sẻ buồn vui những ngày tháng tuổi trẻ. Nhờ sự gần gũi, ấm áp và tình cảm chân chất, giản dị mà gia đình cụ Lê Con mang đến, người lính trẻ xa quê luôn cảm thấy ấm lòng, vơi bớt nỗi nhớ nhà và quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Dậu từng bị thương khi làm nhiệm vụ tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đến năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vận tải từ Quảng Bình vào Quảng Trị, ông Dậu chia tay gia đình cụ Lê Con, lên đường tiếp tục các nhiệm vụ khác.
Buổi chia tay cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của ông Dậu và gia đình cụ Lê Con. Chàng lính trẻ và gia đình cưu mang cùng nhắc nhớ nhau lời hẹn, khi đất nước thống nhất sẽ gặp lại.
"Lúc chia tay gia đình để lên đường tiếp tục vào Nam, tôi đã ôm lấy 2 cụ mà khóc. Hai cụ còn dúi cho tôi chút đồ ngon để lên đường. Nghĩa tình đó không bao giờ tôi có thể quên", ông Dậu chia sẻ.
|
Ông Dậu và ông Đông kể với phóng viên Dân trí những kỷ niệm 50 năm về trước. |
Những năm sau đó, ông Dậu tiếp tục với nhiệm vụ vận tải, chuyển vũ khí, đạn dược, hàng hóa tiếp tế, phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, vận chuyển hàng hóa sang Lào. Ông Dậu cũng là một trong những người lính lái xe vận chuyển khí tài phục vụ cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979.
Nước mắt hai người đàn ông trên sân ga
Năm 1980, ông Nguyễn Dậu chuyển công tác về ngành thủy lợi, một thời gian sau thì nghỉ hưu. Miệt mài với công việc, cuộc sống mưu sinh, lại không có phương tiện liên lạc, duy trì thông tin nên ông Dậu mất mối liên hệ với gia đình cụ Lê Con.
Dù vậy, trong tâm khảm người lính lái xe chưa bao giờ quên ơn gia đình đã nuôi mình trong những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh.
|
2 người đàn ông ôm chầm lấy nhau rồi bật khóc ở nhà ga sân bay sau 50 năm gặp lại. |
Mãi đến sau này, nhờ người con trai đang công tác tại Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tìm kiếm qua nhiều kênh thông tin, với những dữ kiện ít ỏi còn lại trong trí nhớ, ông Dậu mới có được thông tin về gia đình cụ Lê Con tại Quảng Bình.
Hành trình tìm lại ân nhân của ông Dậu cũng không hề đơn giản, bởi lẽ sau 50 năm, quá nhiều thay đổi đã diễn ra tại mảnh đất là chiến địa khi xưa. Hơn nữa, khi đất nước thống nhất, cụ Lê Con lại đổi tên thành Lê Hành nên việc hỏi thông tin sau đó bị lệch đi rất nhiều.
"Con trai tôi làm công an, có bạn bè trong ngành ở Quảng Bình nhiều nên đã quyết tâm tìm thông tin giúp bố. Một điều may mắn là cháu nội cụ Lê Con hiện cũng là cán bộ Công an tỉnh Quảng Bình, một người cháu khác là Bí thư đoàn xã Gia Ninh. Vậy nên hỏi qua nhiều kênh, nhiều đầu mối khác nhau, vô tình con tôi kết nối được với các cháu của ông cụ, mới có được thông tin, số liên lạc của gia đình. Khi điện vào hỏi thăm, thấy đúng địa chỉ, đúng tên, đúng người quen xưa, tôi đã vỡ òa hạnh phúc", ông Dậu tâm sự.
|
Điều đáng tiếc đối với ông Dậu là vợ chồng cụ Lê Con đã không còn. Đứng trước bàn thờ người từng cưu mang, nuôi mình trong những ngày tháng khốc liệt của chiến tranh, người lính lái xe không kìm được. |
|
Ông Dậu và ông Đông bên khu mộ cụ Lê Hành, tên gọi khác là Lê Con. |
Ngay khi xác thực được thông tin, ông Dậu tức tốc vào Quảng Bình, mang theo trong lòng bao nỗi niềm. Hơn hết cả, ông xúc động vì ở tuổi xế chiều, bất ngờ thực hiện được tâm nguyện đã ấp ủ suốt 50 năm qua.
Tới Quảng Bình, ông Dậu được ông Lê Phương Đông ra đón tận sân bay. Cuộc gặp gỡ ở nhà ga sân bay vỡ òa trong những nỗi niềm, bồi hồi vì ký ức xưa cũ ùa về. Ngày chia tay tóc còn xanh, giờ cả ông Dậu và ông Đông mái đầu đã bạc. 2 người đàn ông cứ vậy ôm chầm lấy nhau mà khóc.
|
Ông Dậu thăm lại căn nhà nơi mình từng được cưu mang. |
Ông Nguyễn Dậu đã quay trở lại căn nhà xưa nhưng người chủ cũ không còn, nhà cũng đã được cải tạo, xây mới. Tuy nhiên, trong tâm trí ông Dậu, ngôi nhà một gian 2 chái ngày ấy, nơi cụ Lê Con nhường một góc thoáng mát để anh em bộ đội ăn ngủ vẫn rõ mồn một, thân quen kỳ lạ.
Thắp nén hương trên bàn thờ vợ chồng cụ Lê Con, rồi ra tận nghĩa trang xã Gia Ninh, ngồi bên phần mộ 2 cụ, nước mắt ông Dậu cứ trào ra. Một cuộc hội ngộ khó tin với chính bản thân ông Dậu, ông Đông cũng như con cháu cụ Lê Con và cả những người được chứng kiến.
|
Ông Dậu thăm lại khu vực Bến Đá trên sông Kiến Giang, nơi ông từng làm nhiệm vụ. |
"Căn nhà một gian 2 chái ngày xưa giờ không còn nữa nhưng trên nền móng cũ tôi đã xây căn nhà này, diện tích cũng gần tương đương. Ở góc này ngày xưa anh Dậu và tôi nằm ngủ, chỗ kia anh hay ngồi viết nhật ký... Tối nay, anh em lại được ngủ cùng nhau, cùng ôn lại chuyện ngày xưa", ông Đông và ông Dậu khoác vai nhau, bồi hồi.
Trong dịp này, ông Dậu cũng trở lại thăm Bến Đá - địa điểm tập kết hàng hóa của quân đội trên sông Kiến Giang, nơi ông và các đồng đội nhận hàng, vận chuyển vào Nam, ghé thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều di tích lịch sử trên địa bàn.
|
Ông Nguyễn Dậu và gia đình ông Lê Phương Đông đã có một cuộc hội ngộ đặc biệt sau 50 năm. |