Câu chuyện chiến sĩ CSGT gặp nạn tại Hà Tĩnh khi đang chặn đầu lái xe container cố tình bỏ chạy đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng những ngày qua. Rất nhiều ý kiến đa chiều xung quanh vụ việc này đã vô tình biến thành những cuộc cãi vã không hồi kết.
Có người xót xa cho anh cảnh sát, có người cảm thấy phẫn nộ với hành vi của lái xe, có người lại cho rằng lẽ ra đã không có sự việc nghiệm trọng nếu cả lái xe lẫn chiến sĩ CSGT giữ được bình tĩnh, không để sự việc diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm trong khi có những ý kiến khác băn khoăn tại sao anh cảnh sát cứ nhất định phải đứng chặn đầu xe như vậy…
|
Chiến sĩ cảnh sát giao thông gặp nạn khi làm nhiệm vụ. |
Có lẽ sẽ không có gì phải bàn tới ở đây nếu mọi người cùng nhau tranh luận, bày tỏ quan điểm của mình một cách có văn hóa. Tuy nhiên, đã có không ít những status bày tỏ sự hả hê khi thấy chiến sĩ cảnh sát gặp nạn, những nhận xét hay bình luận với lời lẽ thóa mạ độc địa và cay nghiệt nhắm vào cá nhân người gặp nạn…
Tôi tin rằng, những lời lẽ vô cảm xuất phát từ những người vốn không hề quen biết nạn nhân hay lái xe thực sự là một thực trạng nguy hiểm, thậm chí lối suy nghĩ và bình luận đó cũng vô nhân tính như hành vi lái xe đâm vào CSGT kia. Những lời lẽ thóa mạ ấy thể hiện một sự suy đồi đạo đức trong văn hóa ứng xử, của một bộ phận lớp người trong xã hội hiện nay.
Yêu - ghét vốn là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Một số biểu hiện tiêu cực hay góc khuất vẫn đang tồn tại trong lực lượng CSGT khiến một bộ phận người dân bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc đánh đồng những biểu hiện tiêu cực của thiểu số với cả một lực lượng thực thi pháp luật đang ngày đêm đảm bảo an toàn giao thông cho xã hội là một sự ấu trĩ. Hơn thế nữa, cảm thấy hả hê trước tình cảnh người gặp nạn thì quả là khó chấp nhận. Tôi gọi đó là những kẻ “khốn cùng nhân cách”.
Giá trị cốt lõi để gây dựng một xã hội nhân văn chính là lòng trắc ẩn của từng cá nhân trong cộng đồng, là khi ta biết đau xót, biết cảm thông khi thấy đồng loại gặp nạn. Có thể nói, lòng trắc ẩn là một trong những thước đo cơ bản để đánh giá sự văn minh của cộng đồng. Tiếc thay, ngày nay vẫn còn đó những kẻ vô cảm, nhìn cuộc sống với con mắt hằn học và không tiếc tay buông lời cay nghiệt trên bàn phím.
Bàn phím vốn chỉ là một vật vô tri, nhưng những người ngồi trước nó vẫn là một thực thể sống của xã hội. Dù cộng đồng mạng có là thực hay “ảo” thì những lời lẽ cay nghiệt vẫn gây ra những vết thương tồi tệ, nó làm cho sự vô cảm trở thành căn bệnh dễ lây lan trong xã hội nếu không được loại trừ.
Theo Hoàng Minh/VOV News