Tăng cường xử lý cá nhân phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội
Trả lời chất vấn các ĐBQH chiều 17/11 về mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đề cập đến những giải pháp quản lý nội dung thông tin trên mạng và đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc mà theo ông thời gian qua Bộ đã triển khai quyết liệt đồng bộ.
“Chúng tôi tăng cường xử lý các đối tượng có hành vi sai trái, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Trong năm vừa qua và tới đây, tiếp tục xử lý những cá nhân có các phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Đặc biệt là những người bị xâm hại cũng phải lên tiếng, chúng tôi không thể rà soát hết từng cá nhân trong 53 triệu người dùng mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn cho biết.
|
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh Quochoi.vn |
Bộ trưởng cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã tăng cường quản lý và kiểm tra, trong trường hợp xác định được nhân thân của đối tượng cung cấp thông tin vi phạm các quy định hiện hành thì tùy theo mức độ áp dụng những hình thức xử lý thích hợp theo Nghị định 174.
Có trường hợp phải phối hợp với Bộ Công an để cùng cơ quan chức năng và Bộ Công an cùng xử lý. Trong trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm chúng tôi gửi yêu cầu đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài. Chủ yếu vi phạm ở đây là vi phạm của các trang Google và Facebook.
“Bộ đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ về kỹ thuật để xử lý các nguồn phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam và kêu gọi, kích động biểu tình chống phá nhà nước. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các công ty truyền thông quảng cáo lớn trong nước để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, nhất là quảng cáo trên trang mạng nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu một số hạn chế bất cập như giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép chúng ta tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, chỉ có thể chặn toàn bộ trang web của họ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp phải cân nhắc rất kỹ, nếu áp dụng việc chặn triệt để như vậy thì sẽ gây phản ứng đối với cả dư luận trong nước và của các nhà mạng đó.
Ngoài ra, các đối tượng phát tán thông tin thì thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để họ cải tiến những hình thức phát tán thông tin; Người dân ngày càng phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội ở nước ngoài.
Facebook, Google thu hơn trăm triệu USD/năm nhưng không đóng thuế
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết, hiện chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu ở trên Facebook, Youtube.
“Việc ngăn chặn nguồn tiền quảng cáo bất hợp pháp này rất cần thiết nhưng hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, năm 2016 họ thu hơn 100 triệu đô la, thu lớn như vậy nhưng không đóng một đồng tiền thuế nào cho đất nước ta”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông cũng cho hay đã đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước có những quyết sách và giải pháp cụ thể để kiểm soát việc kinh doanh và nộp thuế đối với Google, Facebook.
Tranh luận với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng: “Bộ trưởng nói rằng "tôi có trách móc họ". Khi bác Google, chú Facebook mà làm sai, làm quá thì mình phải có biện pháp xử lý chứ không thể chỉ trách móc, vỗ vai. Tôi nghĩ đây là mặt trận mà chúng ta phải hết sức chú ý, để giữ vững mặt trận tư tưởng rất quan trọng. Thứ nữa, Bộ trưởng nói không thu thuế. Việt Nam không phải là mảnh đất hoang, không thu thuế gì cả. Đây là điều đề nghị bộ trưởng, đề nghị Quốc hội có biện pháp, có pháp luật để xử lý".
Hải Ninh