|
Thầy lang Nho "nổ" chữa ung thư và bằng cấp trưng bày khắp nhà |
Một độc giả và cũng là bệnh nhân mắc bệnh nan y đang ngày đêm vật lộn với bệnh tật đã cố gắng chia sẻ về quá trình điều trị bệnh của ông.
Bệnh nhân Trần Trọng Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại với phóng viên báo Lao Động: Là một bệnh nhân mắc bệnh nan y ở độ tuổi U80, ngày đêm đang vật lộn với cái chết, tôi nhận thấy mình nên góp tiếng nói chung để bạn đọc có thể hiểu đúng việc chữa trị, tránh tiền mất tật mang. Mặt khác, tôi muốn chứng minh cho những lang băm bất lương thấy rằng, người mắc bệnh nan y không phải toàn là người câm điếc để họ muốn hành xử thế nào cũng được.
Năm 2014, bác Trọng Anh được phát hiện xơ gan cổ trướng. Tin sốc đến khiến bác Anh hoang mang. Cùng thời điểm đó, một số bài báo ca ngợi thầy lang Nho chữa ung thư tốt. Tiếp nhận những thông tin từ các kênh truyền thông, bác Anh như người "chết đuối vớ được cọc".
“Trên các trang báo, thầy nói chỉ tiếp bệnh nhân vào lúc 18 giờ nên đúng giờ đó tôi gọi điện thoại gặp thầy. Tôi vừa cầm điện thoại xin gặp thầy Nguyễn Bá Nho thì đầu dây bên kia đáp: “Nho đây! Nho đây!” Mừng quá, tôi bắt đầu kể bệnh. Tôi mới nói được vài câu thì “thầy” gắt: “Nói ngắn gọn thôi. Viêm gan, xơ gan, xơ gan giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối thì cũng chỉ có một loại thuốc. Thế nên chỉ cần nói xơ gan là đủ”. Thầy cho biết, một tháng thuốc xơ gan giá 3 triệu đồng (thời điểm năm 2014 - PV). Để chắc chắn, tôi xin đến tận nơi gặp thầy lang Nho”, bác Anh kể lại.
Sau nhiều lần hẹn, bác Anh gặp được thầy lang Nho. Bác Anh kể tiếp, sau khi kể bệnh xong, tôi hỏi “Bệnh tôi nặng như thế, thầy có thể chữa trị được không?”. Thầy lang Nho chẳng cần khám đã quả quyết: “Bệnh này có thể chữa khỏi”.
Nhà ở xa, lại nghe bác sĩ nói mình bị xơ gan giai đoạn cuối, “giỏi lắm cũng chỉ sống thêm được dăm ba tháng”, nên khi nghe thầy quả quyết như vậy tôi như mở cờ trong bụng, xúc động đến chảy nước mắt. Tôi quyết định lấy luôn thuốc uống 2 tháng. Tôi hỏi tiếp “Tôi lấy 2 tháng, vị thuốc mỗi tháng có khác nhau không”? “Không! Với bệnh nhân xơ gan, bất kể ai, tháng nào cũng 1 loại đó cả, kể từ tháng đầu tiên đến tháng cuối cùng”, thầy lang Nho khẳng định.
Nhận được 2 tháng thuốc thầy Nho gửi, bác Anh thực sự ngỡ ngàng. Một ít thuốc bột chẳng biết được chế tác từ những loại cây gì đựng trong một túi giấy bóng đơn sơ buộc bằng dây chun, bên trong có một mảnh giấy cỡ 3 ngón tay với dòng chữ ngệch ngoạc “500 gam, uống 30 ngày, ngày 3 lần”.
Bác An kể: Tiếp xúc với hàng chục lương y, tôi chưa thấy một người nào coi chuyện cấp bán thuốc men cho bệnh nhân như một trò đùa. Nếu là một thầy thuốc nghiêm túc, đàng hoàng, thao tác chuyên nghiệp, biết quý trọng đồng tiền của bệnh nhân thì gói thuốc kia sẽ được chia ra 90 bao nhỏ và không thể thiếu một tờ giấy in hướng dẫn cách dùng thuốc, chế độ kiêng kị,…
Uống chưa hết 1 tháng thuốc thì sức khỏe có dấu hiệu xấu, bác Anh vào bệnh viện kiểm tra, thấy bệnh nặng hơn liền báo lại với thầy lang Nho. Thầy lang Nho đáp: Đó là vì bệnh chứ có phải vì thuốc đâu.
“Điều tôi muốn bóc trần để dư luận được biết là bản chất tráo trở và hành vi bịp bợm tinh vi của thầy lang Nho. Trên báo, thầy lang Nho nói cách chữa bệnh của ông có giai đoạn mở màn, rồi tổng phản công và cuối cùng người bệnh sẽ uống thêm 1 tháng để chống tái phát. Thế nhưng, cả người nhà lẫn bản thân thầy đều khẳng định với bệnh nhân rằng, bệnh gan chỉ có 1 loại thuốc (và bằng chứng là thầy lang Nho đã bán cho tôi 1 lúc 2 tháng thuốc). Vậy dùng tháng thuốc nào để “mở màn”, tháng thuốc nào để “tổng phản công”, tháng thuốc nào để “chống tái phát”, khi các vị trong mỗi tháng thuốc đều như nhau?”, bác Trọng Anh bức xúc.
* Tên thật bệnh nhân đã thay đổi
Theo Trường An/Lao Động