Vừa qua, hướng dẫn viên leo núi nổi tiếng này đã có 2 cuộc trò chuyện, “truyền lửa” cho những người đam mê bộ môn leo núi ở Việt Nam tại TP HCM (ngày 17/12) và Hà Nội (23/12). Đây là lần đầu tiên Temba đến Việt Nam để chia sẻ về cuộc đời và hành trình leo núi với những thành tích đáng nể của mình.
|
Temba Bhote – nhà leo núi chuyên nghiệp nổi tiếng người Nepal đã 10 lần chinh phục đỉnh Everest. |
Trong 20 năm làm nghề hướng dẫn viên leo núi, anh đã 10 lần chinh phục đỉnh Everest, chinh phục xong 9/14 đỉnh núi cao trên 8.000m của dãy Himalaya; 2 lần chinh phục đỉnh K2 (đỉnh núi cao thứ 2 thế giới); 21 lần summit đỉnh Ama Dablam – một trong những đỉnh khó, biểu tượng của vùng Himalaya phải đòi hỏi nhiều kinh nghiệm mới có thể chinh phục…
Sự an toàn của mọi người được đặt lên hàng đầu
Chinh phục Everest có lẽ là khát khao, ước mơ của hàng triệu người trên trái đất. Khi đứng trước người đã 10 lần chinh phục nóc nhà thế giới, câu hỏi mà ai cũng quan tâm là cảm xúc khi lần đầu chinh phục Everest, Temba nói: “Tôi trưởng thành từ một người porter (người gùi đồ, khuân vác) đến guider (người hướng dẫn leo núi) rồi mới đến guider expedition (hướng dẫn viên thám hiểm). Sau khoảng 10 năm trong nghề và từ từ nâng cấp trình độ bản thân một cách tự nhiên, tôi chinh phục được đỉnh cao 7.000m trên dãy Himalaya. Sau lần đó, tôi được trao cơ hội chinh phục Everest và thành công ngay trong lần đầu tiên (năm 2011).”
|
Temba chụp ảnh kỷ niệm khi chinh phục những đỉnh cao hàng nghìn mét tại Himalaya. |
Như mọi người thường mường tượng, lần đầu tiên chinh phục Everes sẽ phải rất phấn khích, vui sướng nhưng lúc đó Temba chỉ nghĩ 1 lần với mình chưa là gì cả vì mình sẽ còn nhiều lần chinh phục nóc nhà thế giới.
Anh chia sẻ: “Cảm xúc khi đó cũng rất bình thường thôi! Trong tương lai, tôi sẽ còn rất nhiều lần summit đỉnh Everest.” Tuy nhiên, có một anh rất nhớ, đó là khi đến mốc 8.000m anh đã gần như kiệt sức. Từ mốc đó đi lên đến đỉnh thì anh gần như không còn tri giác nữa, chỉ đi bằng sự vô thức. Khi từ đỉnh Everest đi xuống anh bị mất một bên Crampon (đế đinh gắn vào bốt leo núi, dụng cụ bắt buộc phải có khi chinh phục Everest), hành trình cũng rất gian nan. Về đến trại 4 (camp 4) mọi người vui mừng chúc tụng nhau, anh chỉ lặng lẽ nhìn mọi người và ngả lưng một chút. Anh không quá quan tâm đến cảm xúc cá nhân nhưng thấy vui vì đã làm tốt công việc của mình và quan trọng nhất là mọi người đã an toàn.
|
Với Temba, cảm xúc cá nhân không quan trọng, sự an toàn của mọi người được đặt lên hàng đầu. |
Temba cho biết: “Có 3 kiểu người khi đến chinh phục Himalaya là: một là leo được thì leo, hai là phải leo được bằng mọi giá, sống chết gì cũng phải leo, nếu không leo được thì cuộc đời coi như vứt đi, không còn ý nghĩa nữa và cuối cùng là leo để lập kỷ lục. Trong 20 năm làm nghề, tôi đã gặp tất cả những kiểu người này và trách nhiệm tôi là đưa họ lên đỉnh và trở về base cam một cách an toàn. Với tôi đó là công việc, điều quan trọng nhất là phải lo cho sự an toàn của mọi người, của khách hàng.”
Tôn trọng công việc vì nó đánh đổi bằng mạng sống
Suốt buổi trò chuyện Temba ôn tồn, từ tốn như chính bản tính vốn có của người Sherpa (dân tộc ở phía đông Nepal, sống chủ yếu trên dãy Himalaya). Sau những chia sẻ về kỹ năng leo núi, cách sử dụng những vật dụng cần thiết, chuyên nghiệp mà một nhà leo núi phải có trên hành trình chinh phục Everest, Temba kể về cuộc đời của mình, nhân duyên đến với nghề hướng dẫn viên leo núi và hành trình leo núi làm thay đổi cuộc đời.
|
Temba hướng dẫn sử dụng các dụng cụ leo núi chuyên dụng. |
Nơi anh sinh ra lớn lên vốn khắc nghiệt về thời tiết, khí hậu và địa lý và nghèo. Như bao thanh niên khác, anh cũng cố gắng học và thi vào trường đại học với chuyên ngành kinh tế. Song do gia đình khó khăn, anh phải mất đến 7 năm mới hoàn thành khóa học. Ra trường, với mong muốn có một công việc mưu sinh, lo cho bản thân và đỡ đần cho gia đình nên anh bước chân vào nghề hướng dẫn viên rất tự nhiên.
“Cuộc đời của tôi khi đến với những đỉnh núi 8000m không hề có tính toán hay dự định trước. Nhưng sau những hành trình chinh phục Everest đó đã dạy cho tôi rất nhiều bài học về sinh tồn, về tâm lý và cuộc sống. Tôi trưởng thành từ porter nên tôi rất tôn trọng công việc này, công việc đã mang cho tôi nhiều thứ về giá trị vật chất và quan trọng hơn cả là giá trị tinh thần. Đây là công việc nặng nhọc, phải đánh đổi bằng cả tính mạng chứ không phải bằng sức lao động thuần túy nữa nên sau mỗi lần summit một đỉnh cao, tôi rất tin ở chính bản thân mình. Qua việc leo núi, tôi trân trọng hơn với thiên nhiên, tôn trọng sự linh thiêng của những ngọn núi. Đó là điều lớn nhất mà học hỏi được sau mỗi hành trình.”
Là người đồng hành cùng Temba trong rất nhiều năm, cùng chinh phục nhiều đỉnh núi cao hàng nghìn mét của Himalaya, anh Nguyễn Mạnh Duy – CEO Himalaya Adventure (đơn vị chuyên thực hiện các hành trình du lịch trải nghiệm vùng Hy Mã Lạp Sơn từ năm 2014) chia sẻ: Đây cũng là lần đầu tiên có một nhà leo núi dày dặn kinh nghiệm đến Việt Nam để giao lưu, chia sẻ với những người trẻ ấp ủ giấc mơ một ngày đứng trên đỉnh Everest. Những năm qua, Temba đã cùng team Himalaya Adventure đưa một số nhóm người Việt trẻ thực hiện các hành trình chinh phục các đỉnh núi ở Nepal. Himalaya Adventure và Temba mong muốn một ngày gần nhất sẽ có Việt Nam Team với nhiều thành viên cùng nhau đứng trên đỉnh Everest chứ không phải các cá nhân riêng lẻ nữa.
|
Nguyễn Mạnh Duy – CEO Himalaya Adventure (đơn vị chuyên thực hiện các hành trình du lịch trải nghiệm vùng Hy Mã Lạp Sơn từ năm 2014). |
Nói về sự thay đổi của bản thân sau mỗi hành trình chinh phục các đỉnh cao hàng nghìn mét, anh Duy chia sẻ: “Mỗi lần đưa cơ thể đến một giới hạn nào đó tôi cảm giác như mình được tái sinh, được sống một cuộc đời mới, tươi đẹp, tích cực hơn. Nó hoàn toàn như mình được lột xác. Cái khoảnh khắc khi chúng ta chinh phục một đỉnh cao nó giống như khi ta chiến thắng được chính bản thân mình, để từ đó thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn, mỗi khoảng khắc cuộc đời đều tươi đẹp và đáng sống.”
Đức Thuận