Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP HCM vừa triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi quy mô, thông qua các ứng dụng (app) cho vay tiền nhanh, do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.
Đáng chú ý, lãi suất vay được đưa ra ở mức "cắt cổ": 3%/ngày, 21%/tuần, 90%/tháng, 1.095%/năm. Theo kết quả điều tra, có khoảng 60.000 người vay qua đường dây này. Người vay sinh sống ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với số tiền vay lên tới 100 tỉ đồng.
Hiện PC02 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng có liên quan, gồm Tu Long (sinh năm 1992), Yuan Deng Hui (sinh năm 1991), cùng quốc tịch Trung Quốc. Chề Ngọc Trinh (sinh năm 1995, ngụ Đồng Nai), Lâm Cẩm Quyền (sinh năm 1990, ngụ quận 5, TP HCM) và Lài Thế Hùng (sinh năm 1994, ngụ quận Bình Tân, TP HCM).
Theo cơ quan chức năng, 2 đối tượng người Trung Quốc tên Niu LiLi (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) tuy làm chủ 3 công ty, nhưng lại thuê Tu Long và Yuan Deng Hui làm quản lí các công ty này, cũng như thẩm định hồ sơ, nhắc và đòi nợ.
Trong khi đó, Chề Ngọc Trinh cùng với Lài Thế Hùng, Lâm Cẩm Quyền được thuê với mức lương 10-15 triệu đồng/tháng làm ở bộ phận phiên dịch. Cả 3 người này còn làm kế toán, quản lý danh sách người vay và trực tiếp phỏng vấn qua mạng tuyển nhân viên cho công ty...
|
Chề Ngọc Trinh (bìa phải) và các đồng phạm bị khởi tố |
Hiện tại, cơ quan điều tra đang tạm giữ và khởi tố các đối tượng liên quan đến vụ việc trên. Chề Ngọc Trinh và đồng phạm sẽ đối mặt với án phạt nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Hành vi cho vay lại nặng trong giao dịch dân sự đến mức cấu thành tội phạm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các đối tượng đang hướng tới sử dụng công nghệ thông tin, bằng các app sử dụng trên điện thoại để cho vay một cách dễ dàng, thủ tục chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư, điền thông tin là có thể nhận tiền. Bởi vậy, trong thời gian qua nhiều người công nhân, sinh viên, lao động nghèo đã sập bẫy trở thành nô lệ cho bọn chúng trong nhiều năm...
Người lao động hàng tháng đã phải trích phần lớn số lương của mình để trả tiền cho các đối tượng này, nếu chậm trả thì sẽ bị đe dọa, uy hiếp làm ảnh hưởng đến công việc và đời sống. Điều đặc biệt là lãi suất mà các đối tượng này áp dụng là lãi suất có thể lên đến vài trăm % một năm khiến người vay lâm vào tình trạng bình cùng, khốn đốn...
Hoạt động cho vay tín dụng đen online có xu hướng phát triển nhanh chóng, số nạn nhân cũng tăng theo cấp số nhân, nhiều đối tượng nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước thực hiện hành vi này tạo ra một thế lực mới bóc lột người lao động nghèo, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy song song với việc phát hiện, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi thì cơ quan chức năng cũng cần tính toán đến việc tạo nguồn vốn cho vay tiêu dùng một cách thuận lợi để đáp ứng nhu cầu cần thiết, cấp bách của người lao động, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh, thất nghiệp như thế này.
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Hành vi của các đối tượng nêu trên thỏa mãn các dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015.
Theo quy định của bộ luật dân sự năm 2015 hiện nay thì mức cho vay trong quan hệ dân sự không được vượt quá 20 % một năm. Nếu cho vay gấp 5 lần mức lãi suất nêu trên, đồng thời thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Nếu thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100.000.000 đồng cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề, làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm. Toàn bộ số tiền do thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý về các hành vi khác như làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức (nếu có hành vi làm giả các giấy tờ của cơ quan công an, tòa án để đe dọa uy hiếp nạn nhân), hoặc các tội danh liên quan đến xâm hại tính mạng, sức khỏe khi thực hiện việc đòi nợ trái pháp luật...
Hậu quả của hành vi cho vay nặng lãi có thể biến một người lao động trở thành nô lệ để trả lãi cho các đối tượng này, ngoài ra có thể phá hoại hạnh phúc gia đình của người lao động, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy việc đấu tranh triệt phá các nhóm đối tượng này là cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo lành mạnh trong các quan hệ tín dụng.
>>> Xem thêm video: Đòi nợ kiểu…giang hồ ở TP. Sa Đéc, đối tượng cho vay nặng lãi bị xử phạt
Xuân Diệp