Ngọc Trinh kiện hàng xóm: Xâm phạm bí mật đời tư, chuyện đùa khó “nuốt“

Google News

(Kiến Thức) - Người mẫu Ngọc Trinh kiện hàng xóm vi phạm đời tư, quay lén biệt thự gây ảnh hưởng danh dự. Không chỉ dân mạng, luật sư cũng cho rằng người mẫu nên kiện và khả năng thắng kiện cao.

Động thái Ngọc Trinh kiện hàng xóm được thể hiện khi người mẫu chia sẻ lên story trang cá nhân một dòng chia sẻ khá căng thẳng với nội dung: "Cái bạn ở sau lưng nhà mình chuẩn bị tinh thần đi nha. Bên mình sẽ qua tòa nhà xin thông tin của bạn. Rồi bạn chờ luật sư của bên mình nha".

Ngoc Trinh kien hang xom: Xam pham bi mat doi tu, chuyen dua kho
Ngọc Trinh và hình ảnh bị quay lén.  

Điều này có nghĩa Ngọc Trinh sẽ làm việc cùng luật sư và xem xét kiện hàng xóm vì quay lén biệt thự nhà mình, bình luận khiếm nhã ảnh hưởng danh dự.

Cụ thể, một tài khoản mạng xã hội đã đăng lên một đoạn clip quay lén căn biệt thự của Ngọc Trinh kèm theo chú thích: "Hóng mặc bikini" cùng một đoạn bình luận khiếm nhã khác.

Được biết, người này vừa mua nhà ở một tòa chung cư phía sau nhà Ngọc Trinh và chưa chuyển về ở.

Sau khi đăng cảnh báo người hàng xóm, nhiều người vào bình luận và ủng hộ người mẫu kiện vì xâm phạm đời tư, đồng thời mang tính răn đe với những người khác không phạm phải sai lầm tương tự.

Được biết, sau khi bị quay lén, Ngọc Trinh rất ái ngại khi ra khỏi nhà mình, thậm chí chỉ là ra tưới cây ở sân vườn. Hiện cô đã làm việc cùng luật sư để xem xét các yếu tố cảnh báo người này cũng như ra tòa nếu cần.

Còn người hàng xóm, sau khi được Ngọc Trinh cảnh báo cũng như sự phản ứng của dư luận đã đổi tên tài khoản cá nhân, xóa hết các video liên quan.

Đánh giá về vấn đề này ở góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Hồng Giang, Trưởng Văn phòng Luật sư Vũ Lợi, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, trong trường hợp này, Ngọc Trinh có thể kiện và nên kiện hàng xóm để bảo vệ danh dự, đời sống riêng tư, tránh ảnh hưởng cuộc sống sau này. Hiến pháp và pháp luật nước ta có nhiều điều giúp bảo vệ người bị làm tổn hại như trường hợp nêu trên.

Theo đó, Ngọc Trinh nên chụp lại các video và bình luận khiếm nhã để làm bằng chứng khởi kiện; xác minh nhân thân của người hàng xóm bằng nhiều hình thức khác nhau trước khi khởi kiện. Trong trường hợp không tìm hiểu được thì mới đề nghị Toà án (nơi thụ lý đơn) xác minh nhân thân người đó.

Luật sư Nguyễn Hồng Giang dẫn ra một số điều luật liên quan vấn đề này như sau:

Điều 21 Hiến pháp năm 2013  quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 về “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” quy định: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, đồng thời “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 , khoản 2 Điều 46 “Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử” quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm như: Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…”.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR). Tại Điều 17 Công ước khẳng định:  Không ai bị can thiệp một cách độc đoán và bất hợp pháp đến đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín; hoặc bị xúc phạm một cách bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại mọi sự can thiệp và xúc phạm như vậy.

 >>> Mời bạn đọc xem thêm video: 15 giây ăn tiền của nữ hoàng nội y Ngọc Trinh 

 

Hà Trang