Theo dữ liệu từ Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (Bộ KHCN), Công ty cổ phần Việt Á là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bộ kit chẩn đoán đột biến gen AZF gây vô sinh nam giới”.
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ trên là 15,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 4,56 tỷ và kinh phí từ nguồn khác là 10.94 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2019-11/2020.
|
Trụ sở Công ty Việt Á với hạ tầng nghiên cứu, sản xuất bộ kit test sơ sài, thủ công. |
Báo Vietnamnet thông tin, tổng cộng có 10 thành viên thực hiện nhiệm vụ gồm ông Phan Quốc Việt (TGĐ Công ty Việt Á) và các thành viên khác đến từ Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thời gian, địa điểm tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ vào khoảng tháng 12/2020 tại trụ sở Bộ KHCN. Thời gian dự kiến ứng dụng sản phẩm trong năm 2021 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bệnh viện chuyên khoa.
Theo như bản đánh giá kết quả thực hiện vào ngày 21/12/2020 do ông Phan Quốc Việt ký tên và đóng dấu, nhiệm vụ trên đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất ở quy mô phòng thí nghiệm và quy mô công nghiệp bộ kit chẩn đoán AZF gây vô sinh nam giới bằng kỹ thuật PCR đa mồi (mPCR) lần đầu tiên tại Việt Nam. Bộ kit AZPA, có tên thương mại là “LightPoweriVAmAZF Human PCR Kit VA.A02-997B”.
Về hiệu quả kinh tế, do chủ động về công nghệ, nguồn nguyên liệu cung ứng sẵn có nên giá Việt Á là công ty chuyên sản xuất các kit sinh học phân tử, có xưởng sản xuất và hệ thống trang thiết bị đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016; ISO 9001:2015. Đơn vị không bị mất chi phí cho đầu tư thiết bị; thuê nhà xưởng nên trong thời gian sản xuất thử nghiệm không tính khấu hao và chi phí quản lý. Do đó, việc tính chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm theo vốn đầu tư nhà nước của dự án bao gồm một phần nguyên vật liệu và toàn bộ công lao động và phí quản lý.
Theo tính toán, giá thành bộ sản phẩm AZPA khi lưu hành trên thị trường là 16.607.000 đồng, rẻ gần bằng một nửa so với bộ kit thương mại Devyser hiện lưu hành (31.500.000 đồng).
Với chi phí sản xuất và tính toán giá thành sản phẩm, Việt Á dự kiến 1 năm phân phối cho cả nước khoảng hơn 1.000 bộ kit AZPA. Ước tính, số lượng sử dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khoảng 200-300 bộ/năm.
Tổng vốn đầu tư cho nhiệm vụ là 15,5 tỷ đồng, tổng doanh thu là 19,9 tỷ đồng, công ty đảm bảo có lãi. Theo phân tích của Việt Á, nếu mỗi năm chỉ cung cấp 1/2 số lượng kit như tính toán thì chỉ gần hai năm là thu hồi vốn, cho thấy tính khả thi và hiệu quả dự án rất cao.
"Việc sản xuất trong nước một bộ kit chẩn đoán sẽ giúp giảm được cơ bản giá thành của sản phẩm, nên giảm được giá dịch vụ. Nhà nước không phải bỏ tiền nhập khẩu sản phẩm nên góp phần làm giảm dần cán cân thương mại nếu như ngày càng nhiều sản phẩm được nội địa hóa. Vì giảm được giá dịch vụ nên người dân sử dụng dịch vụ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người bệnh" - báo cáo ghi.
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã thông tin, ông Phan Quốc Việt - chủ doanh nghiệp và nhiều thành viên của công ty Việt Á hiện đang làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về những cáo buộc trong việc nâng khống giá kit test, chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh/thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Về cơ sở hạ tầng sản xuất bộ kit test COVID-19 “made in Việt Nam” của công ty này cũng chỉ rộng chừng hơn 10m2, với 10 nhân sự. Còn lại, hầu hết là nhân viên kế toán, bán hàng và tiếp thị vùng với khoảng hơn 100 người. Hệ thống thiết bị, máy móc chỉ là vài chiếc tủ cấp đông và vài chiếc máy tách chiết đã cũ.
Liệu việc thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bộ kit chẩn đoán đột biến gen AZF gây vô sinh nam giới” có vấn đề?.
Thiên Tuấn