Cuối năm 2018, một câu chuyện khiến dư luận nức lòng, mang lại nhiều niềm tin vào lòng tốt vẫn còn nhiều trong xã hội khi một nam tài xế taxi giúp một sản phụ sinh con ngay trên đường đến bệnh viện. Theo đó khi trên đường chở sản phụ đến bệnh viện để sinh con, nữ sản phụ bất ngờ chuyển dạ, biết là không thể kịp đến bệnh viện, nam tài xế đã cùng người thân giúp sản phụ sinh con. Khi sản phụ ngất xỉu, nam tài xế đã bình tĩnh động viên người nhà, tiếp tục chở sản phụ đến bệnh viện cấp cứu và sinh hạ thành công bé trai nặng 3 kg.
Tưởng như câu chuyện một tài xế tốt bụng giúp sản phụ sinh nở sẽ được nhân lên trong xã hội và lòng tốt sẽ theo nhau về dưới nắng, xã hội luôn lan tỏa yêu thương khi con người luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn theo tinh thần tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp, là đạo đức của người dân được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, mới đây, một nam tài xế tại tỉnh Bình Phước đã nhẫn tâm đuổi một sản phụ sắp sinh xuống đường khiến sản phụ phải sinh bên vệ đường, đứa trẻ vừa chào đời đã tử vong. Sự việc nhanh chóng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ với cách hành xử vô cảm của nam tài xế khi nhẫn tâm bỏ người phụ nữ bụng mang, dạ chửa giữa đường.
|
Hình ảnh sản phụ bị tài xế đuổi xuống đường gây bức xúc dư luận. |
Theo đó, vào khoảng 6h ngày 17/8, sản phụ Vy Thị Yến ( trú tại xã Thống Nhất, Huyện Bù Đăng, Bình Phước bị đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh dù chỉ mới mang thai 7 tháng. Ngay sau đó, gia đình chị Yến đã thuê chiếc xe 7 chỗ của một người đàn ông tên N. trú cùng địa phương để chở chị Yến từ trạm y tế xã đến Bệnh viện thành phố Đồng Xoài.
Đáng lên án khi trên đường đi thì chị Yến bất ngờ trở dạ đột ngột, bất ngờ tài xế N. đã dừng xe, đuổi vợ chồng chị Yến xuống, lót một tấm nylon bên lề đường cho chị Yến nằm rồi bỏ đi. Hậu quả khiến khi vừa xuống xe, chị Yến đã sinh được một được một bé trai nhưng cháu bé vừa chào đời đã tử vong thương tâm.
Dù sau khi xảy ra sự việc thương tâm trên, tài xế N. đã hoảng loạn và khi tiếp xúc với chủ tịch UBND xã Thống Nhất đã nói rằng: "Tôi không biết tại sao lúc đó tôi làm vậy nữa!?".Tuy nhiên, hành động của tài xế này là tột cùng của sự nhẫn tâm, vô cảm, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Bởi thông thường, bất cứ một người nào khi thấy người khác bị rơi vào tình cảnh nguy hiểm đến tính mạng sẽ hết mình giúp đỡ nạn nhân. Ngay cả quy định của pháp luật cũng yêu cầu người dân phải có nghĩa vụ giúp đỡ người bị nạn đi cấp cứu kịp thời. Cho thấy việc cứu giúp người khác không chỉ là vấn đề đạo đức, tình người mà còn là trách nhiệm pháp lý, là nghĩa vụ công dân khi thấy người khác đang lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính. Nếu người nào có khả năng cứu giúp nhưng cố ý không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng dẫn đến người đó tử vong thì người không cứu giúp sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Các cụ xưa có câu "người chửa cửa mả" để nói đến tính chất nguy hiểm, hoàn cảnh nguy hiểm của người phụ nữ mang thai. Người nào mang thai hoặc có người thân trong gia đình mang thai mới cảm nhận hết được cảm giác hồi hộp trong quá trình mang thai và sinh con, chỉ đến khi nào sinh con an toàn, "mẹ tròn, con vuông" thì thai phụ và người thân trong gia đình mới cảm thấy yên tâm.
Hơn nữa, việc giúp đỡ người ốm đau, hoạn nạn là đạo đức con người, là tình người trong xã hội. Chưa kể tài xế này là người đang chuyên chở sản phụ đó tới bệnh viện theo dịch vụ vận chuyển để thu tiền. Bởi vậy, hành vi của người lái xe không chỉ là vô tâm, vô đạo đức, thiếu lương tâm nghề nghiệp mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đáng bị dư luận lên án.
Bởi hành vi ấy không chỉ khiến một sản phụ phải sinh đẻ trong hoàn cảnh khó khăn mà còn khiến một đứa trẻ vừa chào đời đã tử vong do không kịp đến cơ sở y tế.
Đó là một hành động tiêu cực của tài xế, chỉ vì thiếu kỹ năng, thiếu tình người khi xảy ra sự cố, tài xế đã không mảy may suy nghĩ, không động lòng trắc ẩn vốn thường có của một con người và hành động vô cảm trước nỗi đau, tính mạng của người khác.
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định rằng, hành động của lái xe taxi trong trường hợp này là vô cùng nhẫn tâm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật và sắp tới cơ quan công an sẽ cân nhắc về việc có thể khởi tố về tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không.
Tuy nhiên, Luật sư Cường cho rằng, trong trường hợp này, người bị tử vong là một đứa trẻ lại sinh non 7 tháng. Bởi vậy, có lẽ cơ quan điều tra sẽ cân nhắc, củng cố chứng cứ xem có đủ căn cứ xử lý về tội vô ý làm chết người hay tội không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không. Bởi trong tình huống này, pháp luật chưa có quy định cụ thể. Chiếu theo quy định hiện hành, “người nào” là người bị bỏ mặc, và người bị bỏ mặc - “người đó” bị thiệt mạng thì mới có thể áp dụng điều luật này.
Tuy nhiên, dù xử lý như thế nào thì người lái xe này cũng không xứng đáng với đạo đức nghề nghiệp của người cầm lái. Người tài xế có hành vi vô cảm như vậy, có bao giờ bình tâm tự vấn lương tâm của chính mình, có khi nào tự hỏi sẽ ra sao nếu chính bản thân mình và người thân rơi vào tình cảnh gặp nạn giữa đường. Tại sao lại trốn chạy mà không đặt mình vào hoàn cảnh nạn nhân mà đồng cảm, giúp đỡ họ vượt qua cửa ải của sự sinh tử.
Hành động của nam tài xế khiến dư luận mất niềm tin vào lòng tốt trong thiên hạ dù vẫn hiển hiện ở nhiều nơi. Nó khiến nhiều người suy nghĩ tiêu cực mà hỏi rằng: Đâu còn tình người trong xã hội?
Thiên Nga