Mới đây, Kiến Thức nhận được đơn thư phản ánh từ một số đơn vị tham gia đấu thầu tại gói thầu dịch vụ vận chuyển than của TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Nội dung đơn cho rằng, trong hồ sơ mời thầu của TKV đưa ra nhiều quy định về phương tiện vận chuyển than bất hợp lý nhằm loại bỏ những nhà thầu không mong muốn.
Cụ thể, trong đơn nêu: ngày 5/3/2019, TKV đã có Quyết định số 344; 345;346 về việc thầu 3 gói cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển đi các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1,2; Duyên Hải 1 và Vũng Áng 1. Trong đó, theo hồ sơ mời thầu của gói thầu số 10/2019/DVVT phát hành ngày 11/3/2019 nhằm cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1,2 thì tổng khối lượng than vận chuyển là 2 triệu tấn, mức giá chào thầu là hơn 13,3 tỷ đồng. Với thời gian vận chuyển từ ngày ký kết hợp đồng và đến hết tháng 12/2020.
|
TKV đã mở thầu 4 gói cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển đi các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1,2; Duyên Hải 1 và Vũng Áng 1. |
Trong chương III, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ mời thầu, phần 2.1 điểm 5 yêu cầu về số lượng phương tiện vận chuyển đường biển: “Nhà thầu cần tối thiểu 03 tàu trọng tải ≥20.000DWT, tối đa 30.000DWT và 02 tàu ≥30.000DWT tối đa 40.000DWT”.
Tuy nhiên, theo Văn bản số 59/QĐ-CHHVN ngày 21/01/ 2019 do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành về việc “Công bố mở Bến cảng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1”, điều 1 điểm 5 “Tàu ra, vào hoạt động tại bến cảng: Trọng tải tàu theo thiết kế: Tàu có trọng tải đến 30.000DWT”. Ngoài ra, Quyết định số 1054/QĐ-CHHVN ngày 28/06/ 2018 do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành về việc “Công bố mở Cầu cảng nhập than thuộc Bến cảng Nhà máy Nhiệt Vĩnh Tân 2”, điều 1 điểm 5 “Tàu ra, vào hoạt động tại bến cảng: Trọng tải tàu theo thiết kế: Tàu có trọng tải đến 30.000DWT”.
Như vậy tính đến thời điểm Bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu, theo công bố cảng của Cục Hàng hải Việt Nam hai bến cảng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ có thể tiếp nhận size tàu tối đa 30.000DWT, việc TKV mời thầu đưa vào size tàu từ 30.000DWT – 40.000DWT liệu có phù hợp với điều kiện thực tế tại Bến cảng dỡ hàng?
Trong khi đó, với gói thầu số 9/2019DVVT cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển đi các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, khối lượng 1 triệu tấn với mức chào thầu là hơn 9 tỷ đồng. TKV yêu cầu về phương tiện vận chuyển đường biển thì TKV cũng yêu cầu, “Nhà thầu cần tối thiểu 02 tàu biển hoặc tàu chuyên dụng trọng tải < 20.000DWT, và tối thiểu 04 tàu biển và/hoặc tàu chuyên dụng trọng tải tối thiểu 20.000DWT, tối đa 30.000DWT”.
Còn đối với gói thầu số 8/2019/DVVT cung cấp dịch vụ vận tải than bằng đường biển đi các Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, khối lượng than vận chuyển là 1,2 triệu tấn, mức chào giá chào thầu hơn 6,2 tỷ đồng. TKV yêu cầu về phương tiện vận chuyển đường biển thì TKV cũng đưa ra quy định: “Nhà thầu cần tối thiểu 03 tàu biển hoặc tàu chuyên dụng trọng tải tối thiểu 15.000DWT, tối đa 30.000DWT”
|
Trong đơn, đơn vị đấu thầu cho rằng TKV "gài" những yêu cầu bất hợp lý để loại nhà thầu. |
Theo tìm hiểu của PV, Thông tư số 40/2016/TT-BGTVT ngày 07/12/ 2016, Quy định về đăng kiểm tàu biển Việt Nam: không có khái niệm cũng như quy cách về “tàu chuyên dụng chở than”. Ngoài ra, Thông tư 14/2016/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn, Điều 3 Áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn, mục 5 “Khi áp dụng Mẫu hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn cần căn cứ vào quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế; không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Việc TKV mời thầu tự đưa ra khái niệm “tàu chuyên dụng chở than” (chiếm tỷ trọng 15/100 điểm) với yêu cầu khoang hàng không lộ xương, dưới 4 hầm hàng, đóng nắp hầm hàng tự động, trọng tải tối thiểu 20.000DWT tối đa là 30.000DWT, đảm bảo mớn nước dỡ hàng tại Cảng Nhà máy nhiệt điện liệu có nhằm mục đích hạn chế sự tham gia của các nhà thầu và gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng? Không những thế, Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các cơ quan về quản lý kỹ thuật tàu biển khác không có bất kỳ quy định nào quy định như thế nào là tàu chuyên dụng chở than.
Bên cạnh đó, theo một chuyên gia về hàng hải thì hiện tại, có rất ít các đơn vị vận tải biển trong nước sở hữu các tàu có thông số kỹ thuật thỏa mãn khoang hàng không lộ xương, dưới 4 hầm hàng, đóng nắp hầm hàng tự động, trọng tải tối thiểu 15.000DWT, 20.000DWT tối đa là 30.000DWT như 2 gói thầu số 8 và 9 nêu trên. Được biết, cả 4 gói thầu trên sẽ được đóng thầu vào ngày 1/4/2019.
Trao đổi với PV, một đại diện của TKV xác nhận, dự án tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1,2; Duyên Hải 1 và Vũng Áng 1, TKV có tham gia một phần trong đó. Hiện Kiến Thức đang đặt lịch làm việc với TKV về các nội dung trong đơn.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Kim Ngưu